Người dân phá hàng chục ha rừng

Thứ tư, ngày 06/04/2011 15:43 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến chiều tối 5.4, hơn 150 người ở điểm dân cư số 1, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức, Đăk Nông vẫn bám trụ ở tiểu khu 1523 và tiểu khu 1529 để phá rừng.
Bình luận 0

Trắng đêm giữ rừng

Ngày 4.4, hơn 150 người ở điểm dân cư số 1, xã Đăk Ngo, huyện Tuy Đức đã tràn vào tiểu khu 1523 và 1529 (thuộc địa bàn xã Đăk Ngo) do Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín quản lý để phá rừng. Sau khi các nỗ lực tuyên truyền, vận động không mang lại kết quả, lực lượng chức năng gần 20 người đã thức trắng đêm 4.4 tại 2 tiểu khu này.

img
Hàng chục hécta rừng già ở tiểu khu 1523 và 1529 đã bị chặt phá trong ngày 4 và 5.4.

Tiếp xúc với phóng viên sáng 5.4, anh Hán Duy Nhân - Đội trưởng Đội quản lý bảo vệ rừng Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín, cho biết: “Đến chiều tối 4.4, chỉ có vài chục người ra về, hơn 100 người vẫn bám trụ lại và chặt phá cho đến khuya. 8 cán bộ bảo vệ rừng của công ty cũng như lực lượng kiểm lâm, công an huyện, công an xã và xã đội Đăk Ngo phải thức trắng đêm, nhai mì tôm sống và uống nước đóng chai để canh chừng và tuyên truyền, vận động người dân trở về làng, không phá rừng"..

Nguyên nhân của sự rắc rối này là hơn 800ha trong số 1.000ha rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 1541 mà tỉnh Đăk Nông thu hồi của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín để phục vụ dự án ổn định dân cư đã bị xâm canh gần hết, công tác giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn nên chưa thể cấp đất cho người dân sản xuất.

Cán bộ bảo vệ rừng Nguyễn Đình Niệm bổ sung: “Số người này rất lầm lì, chúng tôi nói gì họ cũng không nghe, hỏi gì họ cũng không trả lời. Chỉ khi nào có cây rừng sắp đổ, họ mới bảo chúng tôi tránh ra hoặc dắt xe máy ra kẻo bị cây đè bẹp và ngay sau đó là cây đổ xuống. Nói là canh chừng cả đêm, nhưng thực tế chúng tôi chỉ đứng nhìn vì người dân có trang bị dao rựa, cưa máy...”.

Theo ông Trần Văn Lợi - Phó Giám đốc Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín, mặc dù tối 4.4 có một số người ra về, nhưng sáng 5.4 lại có thêm khoảng 40 người tiếp tục vào rừng. Chiều cùng ngày, lực lượng hơn 30 người gồm cảnh sát cơ động và kiểm lâm cơ động tỉnh đã được tăng cường vào rừng, nhưng đến 17 giờ, số người trên vẫn chưa chịu ra về.

Chưa hết nguy cơ

Báo cáo của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín cho thấy, đây không phải lần đầu các hộ dân tại điểm dân cư số 1 và điểm dân cư số 2 đi phá rừng và tấn công lực lượng bảo vệ rừng. Cụ thể là các vụ phá rừng ngày 17.2 (tiểu khu 1524), ngày 30.2 và 1.3 (tiểu khu 1523 và 1529), ngày 7 và 8.3 (tiểu khu 1523 và 1529)... với diện tích rừng tự nhiên bị thiệt hại khoảng 18,5ha. Riêng vụ phá rừng lần này, đến chiều qua cơ quan chức năng vẫn chưa thống kê diện tích bị chặt phá, chỉ ước tính 20ha.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, điểm dân cư số 1 và điểm dân cư số 2 có khoảng 550 hộ, vốn là dân di cư tự do đến từ các tỉnh miền núi phía Bắc. Ban đầu họ ở rải rác tại các huyện Krông Nô, Đăk Glong, Tuy Đức...

Trước tình hình trên, UBND tỉnh Đăk Nông đã quyết định đưa họ về định cư lâu dài tại xã Đăk Ngo. Mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở, được hỗ trợ 8 triệu đồng tiền làm nhà, được đầu tư một số cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh. Riêng đất sản xuất, dự kiến mỗi hộ được cấp tối thiểu 1ha, nhưng đến nay vẫn chưa có.

Ông Tráng A Dơ - Trưởng bản tại điểm dân cư số 1 nói: “Mùa mưa sắp đến rồi mà hàng trăm hộ dân chúng tôi vẫn chưa được cấp đất sản xuất, nghĩa là cả năm sau chúng tôi sẽ bị đói”.

Nguyên nhân của sự rắc rối này là hơn 800ha/1.000ha rừng và đất lâm nghiệp tại tiểu khu 1541 mà tỉnh Đăk Nông thu hồi của Công ty Lâm nghiệp Quảng Tín để phục vụ dự án ổn định dân cư này đã bị xâm canh gần hết, việc giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều khó khăn. Điều đáng nói, các cơ quan chức năng tỉnh Đăk Nông đến nay chưa có các động thái quyết liệt nhằm giải quyết tình trạng này để sớm có đất sản xuất cho người dân.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem