Nhắc tới tỷ phú Phạm Nhật Vượng, không thể không liên tưởng tới dự án tỷ USD diễn ra trong năm 2018 do Tập đoàn Vingroup, dưới sự điều hành của ông Vượng thực hiện
Năm 2018, những cụm từ khóa “Phạm Nhật Vượng”, “Vingroup”, “VinFast”, “Vinsmart” không chỉ thu hút sự quan tâm giới đầu tư - kinh doanh hay truyền thông, mà đã dần trở nên quen thuộc đối với số đông độc giả và là những cụm từ khóa “hot”, được tìm kiếm nhiều trên Google.
Nhắc tới tỷ phú Phạm Nhật Vượng, không ít người sẽ ngay lập tức liên tưởng tới sự kiện đình đám, dự án tỷ USD diễn ra trong năm 2018 do Tập đoàn Vingroup thực hiện như giới thiệu mẫu xe máy điện VinFast, như ra mắt xe hơi VinFast tại Paris, ra mắt điện thoại thông minh Vsmart, khánh thành hạng mục đầu tiên của tòa nhà chọc trời Landmark 81.
Những thành viên mới trong hệ sinh thái Vingroup
Nếu sự kiện khởi công Dự án Tổ hợp sản xuất ô tô VinFast tại khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, Hải Phòng vào ngày 2.9.2017 với quy mô tổ hợp trị giá 3,5 tỷ USD đã xác lập ô tô trở thành lĩnh vực kinh doanh cốt lõi thứ 7 của tập đoàn Vingroup sau bất động sản (Vinhomes), du lịch nghỉ dưỡng (Vinpearl), bán lẻ (Vinmart), giáo dục (Vinschool), y tế (Vinmec) và nông nghiệp (Vineco) thì sự xuất hiện của những VinConnect, VinSmart, VinTech hay Vindigex trong năm 2018 và 2019 là những động thái mới nhất của Vingroup nhằm hiện thực hóa chiến lược trở thành tập đoàn công nghệ mà doanh nghiệp này đã công bố vào cuối tháng 8.2018.
Cụ thể, Vingroup đặt kế hoạch trong 10 năm tới sẽ trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ đẳng cấp quốc tế, trong đó mảng công nghệ chiếm tỷ trọng chính.
Tháng 2.2018, Tạp chí danh tiếng Forbes đã có một thay đổi đáng chú ý về tỷ phú Phạm Nhật Vượng. Cụ thể, việc ghi nhận tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm giàu từ bất động sản (real estate) được thay đổi thành giàu từ nhiều ngành nghề (diversified). |
Để hiện thực hóa kế hoạch này, ngày 20.11.2019, HĐQT Tập đoàn Vingroup đã ra nghị quyết về việc thành lập 4 công ty con với tổng số vốn là 390 tỷ đồng, trong đó có ba công ty hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ và đều được sở hữu 100% vốn bởi Vingroup, bao gồm: Công ty TNHH Dịch vụ An ninh mạng VINCSS có vốn điều lệ 20 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là nghiên cứu, phát triển an ninh mạng; Công ty TNHH Giải pháp và Dịch vụ Công nghệ VinConnect vốn điều lệ 300 tỷ đồng, ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin; Công ty TNHH Sản xuất và kinh doanh phần mềm HMS có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó sản xuất phần mềm là hoạt động kinh doanh chính.
Về mảng công nghệ, Vingroup tập trung vào đầu tư nhân sự, hạ tầng để phát triển sản xuất phần mềm với việc thành lập Vintech, được tách ra từ VinSmart. VinTech sẽ tập trung nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất phần mềm và nghiên cứu phát triển nguyên vật liệu thế hệ mới. Công ty này cũng đã thành lập hai viện nghiên cứu là Viện Dữ liệu lớn và Viện Công nghệ cao Vin Hi-Tech.
VinSmart quy tụ được đội ngũ các nhà khoa học và chuyên gia dày dạn kinh nghiệm từ các Viện nghiên cứu và các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới.
Bên cạnh đó, Vingroup muốn tập trung đầu tư trung tâm nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ cao VinTech City tại Hà Nội, theo mô hình thung lũng Silicon (Mỹ), nhằm tạo ra một hệ sinh thái để phục vụ các công ty khởi nghiệp về công nghệ thông tin, bao gồm khu văn phòng, ăn ở... và các công ty dịch vụ hỗ trợ đi kèm. Ngoài ra, Vingroup còn hướng đến việc lập quỹ đầu tư về công nghệ để tìm kiếm dự án hợp tác, rót vốn trong lĩnh vực công nghệ - trí tuệ nhân tạo.
Tiếp nối một loạt động thái thành lập công ty mới trong lĩnh vực công nghệ trong năm 2018, những ngày đầu năm 2019, HĐQT Tập đoàn Vingroup tiếp tục công bố quyết định về việc thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Vindigix. Ngành nghề kinh doanh chính của Vindigex là hoạt động dịch vụ công nghệ thông tin.
Công ty có vốn điều lệ 300 tỷ đồng, trong đó phần vốn góp của Vingroup là 240 tỷ đồng, chiếm 80% vốn điều lệ Vindigix. Được biết, người đại diện pháp luật của Vindigix là bà Lê Mai Tuyết Trinh,Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển VinTech
Những động thái liên tục gần đây của Vingroup cho thấy tỷ phú Phạm Nhật Vượng và các cộng sự đang thực hiện các bước đi thực sự để đưa Vingroup chuyển mình trở thành một tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ.
Công nghệ là số 1
Nói về việc chuyển hướng sang công nghệ, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Vingroup cho hay: “Mọi chuyện cũng khá là mới thôi".
Theo ông Vượng, mỗi năm, vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Tập đoàn Vingroup (8.8) hoặc dịp tết, lãnh đạo tập đoàn thường tập trung để nghỉ ngơi khoảng một tuần. Đó cũng là dịp để mọi người ngồi lại với nhau trò chuyện và chính những lúc như thế thường nảy sinh thêm những ý tưởng mới.
“Lúc đấy mới có thời gian ngồi soi lại hệ thống một cách kỹ lưỡng và tổng thể hơn. Và cũng là dịp để chiêm nghiệm, ngẫm nghĩ xem làm được cái gì mới, làm sao để cuộc đời mình có thể giúp ích được nhiều nhất cho xã hội. Trong bối cảnh đó, suy nghĩ về sự chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ ra đời”, tỷ phú Phạm Nhật Vượng tự sự.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có mặt tại Lễ ra mắt xe ô tô của Vinfast chiều 20.11.2018.
Vị tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam cũng khẳng định: “Chuyển hướng sang công nghệ không phải là buông bỏ những thứ khác. Hôm kỷ niệm 25 năm thành lập tập đoàn, chúng tôi đã công bố rõ chiến lược 10 năm tới thì công nghệ sẽ là số 1, công nghiệp là số 2 và thương mại dịch vụ là số 3. Nhưng thương mại dịch vụ là số 3 không có nghĩa là teo dần đi, mà nó ngược lại phải lớn hơn bây giờ nhiều.
Hơn nữa, thương mại dịch vụ bây giờ vẫn đang là nhất vì nó là nguồn tiền để nuôi tất cả các ý tưởng, các dự án mới nên không thể buông ra được. Buông ra bây giờ thì lấy ai nuôi vì trong thời gian đầu ôtô phải bù lỗ, rồi điện thoại thông minh cũng bù lỗ...
Nhưng một khi công nghệ, công nghiệp phát triển rồi thì mình có thể góp phần đổi đời cho rất nhiều người. Ví dụ như người nghèo bây giờ một tháng thu nhập của họ không đáng kể, nhưng nếu họ trở thành những công nhân công nghệ bình thường thôi, lương của họ cũng sẽ cao hơn nhiều”.
Tuy nhiên, tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng cho biết, để hiện thực hóa những ý tưởng nêu trên, điều kiện cần là sở hữu một hệ sinh thái công nghệ, có những viện nghiên cứu những công nghệ lõi về AI, Big data...
Giáo sư Vũ Hà Văn
Kể lại cuộc gặp gỡ với giáo sư Vũ Hà Văn, ông Phạm Nhật Vượng nói: “Cũng tại trụ sở của Tập đoàn Vingroup tại Hà Nội, tôi nghe cô Phó TGĐ phụ trách về CNTT nói là có anh Văn rất giỏi và cũng là người có khả năng có thể làm được. Thời điểm ấy anh Văn về nước và đang đi nghỉ ở Đà Nẵng. Tôi mới bảo cô Phó TGĐ vào Đà Nẵng gặp anh Văn và chia sẻ với anh ấy mong muốn của mình.
Cô ấy báo về với tôi là anh Văn muốn gặp anh Vượng để nghe thêm. Ok, gặp ngay. Thế là anh Văn ra Hà Nội. Tôi nói hết là mình muốn gì, như đã nói ở trên về chuyện quyết định chuyển sang công nghệ và tôi kết: Anh có dám làm không?.
Con người đấy (giáo sư Vũ Hà Văn) cũng rất tâm huyết. Anh ấy tâm sự rằng: "Tôi từ xưa đến nay rất muốn làm một cái gì đó cho đất nước nhưng mà chưa có điều kiện, chưa có cơ hội. Còn bây giờ tôi thấy là như thế này tôi có thể làm được".
Nói thêm về kế hoạch đưa Vingroup chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ, ông Vượng cho biết, GS. Vũ Hà Văn chỉ là một trong nhiều giáo sư và nhà khoa học cùng tham gia với Vingroup trong kế hoạch này.
Tập đoàn Vingroup đã thành lập hội đồng khoa học, nhiều giáo sư đã nhận lời tham gia như giáo sư Dương Nguyên Vũ (chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu trong lĩnh vực hàng không), giáo sư Ngô Bảo Châu, giáo sư Phan Dương Hiệu (chuyên gia hàng đầu về khoa học mật mã), giáo sư Trần Duy Trác (công tác tại đại học Johns Hopkins, chuyên về kỹ thuật điện và máy tính, đặc biệt là về xử lý tín hiệu), giáo sư Đỗ Ngọc Minh (chuyên về kỹ thuật điện và máy tính, đặc biệt là biểu diễn thông tin ảnh và video), giáo sư Đỗ Thục Quyên (chuyên gia hóa sinh)...
“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ thành lập Viện Nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) với sự dẫn dắt của một tiến sĩ người Việt Nam trong chuyên ngành AI mà cộng đồng thế giới và cả Việt Nam cũng biết đến nhiều”, ông Vượng thông tin.
Ngoài ra, ông còn cho biết, một vài nhân sự cao cấp Việt kiều hiện đang là những người kiến trúc chính cho Microsoft - chuyên về điện toán đám mây cho doanh nghiệp cũng sẽ đồng hành với Vingroup trong công cuộc nghiên cứu, xây dựng sản phẩm công nghệ Việt Nam ở tầm quốc tế.
Riêng trong Viện Big Data dẫn dắt bởi giáo sư Vũ Hà Văn, nhiều giáo sư, nhà khoa học giỏi cũng đã tham gia cùng nghiên cứu tại viện và ngày một nhiều thêm.
Nói về cơ chế hoạt động của các công ty công nghệ mới, ông Vượng khẳng định: “Giống như mô hình Holdings của Vingroup thôi. Tức là các công ty con của Vingroup hoạt động hoàn toàn độc lập, chỉ chịu sự lãnh đạo về đường hướng chiến lược. Ban lãnh đạo Vingroup phê duyệt chiến lược, phê duyệt kế hoạch và ngân sách, phê duyệt hệ thống KPIs, bộ tiêu chuẩn, các quy định chung, xong là các cơ sở tự làm. Chúng tôi chỉ giám sát, đánh giá và hỗ trợ khi cần, còn mình không trực tiếp tham gia công việc, trừ khi thấy chết thì phải xông vào cứu, không thì thôi”.
5 năm nữa, kết quả sẽ "rất nét"
Nói về “ngày hái quả”, ông Vượng cho hay: “Thực ra bây giờ đã có những công ty bắt đầu sản xuất phần mềm. Chúng tôi đặt cho thời hạn 6 tháng bắt đầu là phải ra những phần mềm đầu tiên. Còn có những phần mềm dài hạn hơn, ví dụ như anh Văn thì bảo "cho tôi khoảng 2 năm thì bắt đầu sẽ có những sản phẩm AI đầu tiên".
"Tức là mỗi một công ty sẽ có một nhóm kế hoạch và tôi nói các anh chủ động, xây dựng cho tôi cái kế hoạch rõ ràng là sau bao nhiêu lâu tôi có cái gì. Như công ty đầu tiên đang bắt đầu tập trung viết phần mềm quản trị cho Vinpearl. Hệ thống khách sạn hiện nay có đến gần 60 phần mềm quản trị. Từng nghiệp vụ nhỏ trong đấy là một phần mềm, quá manh mún.
Ngay cả phần mềm quản trị khách sạn tốt nhất thế giới hiện nay mà chúng tôi đã mua và đang sử dụng cũng chỉ có một số module nhất định, đi kèm với nó là hàng chục phần mềm khác. Tôi yêu cầu phấn đấu viết một phần mềm chập tất tần tật 50-60 phần mềm kia thành một", ông phân tích.
Chủ tịch Vingroup cũng cho biết tập đoàn này có một thuận lợi cho các công ty sản xuất phần mềm là có hệ sinh thái các dịch vụ.
"Giả sử anh bây giờ đi viết phần mềm cho khách sạn thì anh phải học xem khách sạn làm thế nào để nắm được quy trình của nó. Thế còn nếu là các công ty nội bộ thì không phải học gì cả, anh cử đội xuống khách sạn ngồi luôn.
Đội phần mềm và đội vận hành tương tác với nhau hằng ngày, vẽ ra xem đầu vào như thế nào, quy trình như thế nào và đầu ra cần như thế nào. Như vậy thì các việc sẽ làm được rất nhanh", ông diễn giải.
"Chúng tôi muốn xây dựng được một phần mềm quản lý khách sạn không chỉ hiệu quả cho Vingroup, mà còn có khả năng ứng dụng rộng rãi cho các chuỗi khách sạn khác trên thế giới. Nên tóm lại sau khoảng 5 năm nữa là cùng, tôi tin các công ty sẽ có những kết quả rất nét", tỷ phú Phạm Nhật Vượng khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.