“Người dân sợ xã hội hóa rồi”

Thứ hai, ngày 24/12/2012 10:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Chính việc quy hoàn toàn cho xã hội hoá chỉ là thu tiền, đóng góp… đã khiến cho người dân nói đến xã hội hoá là sợ lắm”.
Bình luận 0

Đó là nhận định của GS -TS Phạm Tất Dong - nguyên Phó Trưởng ban Khoa giáo T.Ư, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam khi trò chuyện với phóng viên NTNN về vấn đề xã hội hóa dẫn tới lạm thu, người nghèo bị tước cơ hội học tập…

img
 GS -TS Phạm Tất Dong

Thưa ông, nhiều người cho rằng xã hội hoá - trong đó có xã hội hoá giáo dục đang bị một số nhà trường, cơ quan quản lý giáo dục và ngay cả phụ huynh hiểu lầm và làm biến tướng, ông có nhận định gì về điều này?

- Hiện nay, nhiều người hiểu xã hội hoá một cách đơn giản, coi như việc đóng góp tiền để ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo… nghĩa là họ đánh đồng xã hội hoá với đóng góp tiền. Cách hiểu sai này đã làm nhiều người rất ngại nói đến một công việc nào đó được làm với tinh thần xã hội hoá.

Do vậy, trước khi bàn đến chủ trương xã hội hoá giáo dục, cần phải thống nhất cách hiểu: Xã hội hoá là một chủ trương của Nhà nước, được tiến hành với sự tham gia hỗ trợ của các cộng đồng dân cư, của các tổ chức xã hội và các doanh nghiệp về các phương diện nhân lực, vật lực, tài lực, trí lực. Nhà nước kêu gọi toàn dân tham gia hỗ trợ chứ không khoán trắng công việc cho dân. Xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục thì ngành giáo dục phải là lực lượng nòng cốt trong việc triển khai các hoạt động đó hay chính sách đó.

Ví dụ, Nhà nước chủ trương xây dựng kiên cố ký túc xá trong các trường bán trú dân nuôi ở vùng dân tộc thiểu số hay vận động trợ giúp học sinh nghèo ở các cấp phổ thông để các em không bỏ học, thì trước hết ngành giáo dục phải chủ động tính toán và bố trí kinh phí từ ngân sách nhà nước, đồng thời vận động nhân dân góp tiền, góp sức, góp nguyên vật liệu, góp đất… để hỗ trợ ngành giáo dục.

img
Một giờ học tại Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Văn Huyên, Hà Nội.

Theo ông xã hội hoá giáo dục cần được xây dựng bởi các yếu tố nào?

- Có 3 yếu tố quan trọng được gọi là 3 trụ cột, 3 chân kiềng làm nên xã hội hoá giáo dục, đó là chính phủ, phi chính phủ (các tổ chức xã hội) và doanh nghiệp. Hiện nay, cả 3 yếu tố này đều đang có đóng góp cho xã hội hoá nhưng còn rời rạc, thiếu đồng bộ, tính liên kết có hệ thống. Các doanh nghiệp hiện đang có đóng góp lớn nhất.

Chỉ riêng năm 2012, số tiền doanh nghiệp đóng góp cho hội khuyến học để làm học bổng cho học sinh đã trên 26 tỷ đồng, ngoài ra không kể các giá trị bằng hiện vật. Các tổ chức xã hội, đoàn thể ngoài vật chất còn đóng góp lớn bằng việc tham gia vận động, tuyên truyền thay đổi nhận thức… Tuy nhiên, vẫn có hiện tượng phó mặc, ỷ lại. Ví dụ, Nhà nước phó mặc cho trường tư phát triển, doanh nghiệp phó mặc cho Nhà nước xây trường mầm non tại các khu công nghiệp…

Nhiều ý kiến cho rằng sự biến tướng của xã hội hoá đang làm phát sinh một số hệ quả như lạm thu, tham nhũng và đặc biệt là học sinh nghèo ở nông thôn khó tiếp cận với xã hội hoá giáo dục. Chúng ta cần làm gì để xoá bỏ tệ này?

- Bản chất xã hội hoá giáo dục là không xấu, nhưng khi xã hội hoá giáo dục bị lợi dụng, biến tướng, nó lại trở thành nỗi lo của xã hội. Chính việc quy hoàn toàn cho xã hội hoá chỉ là thu tiền, đóng góp… đã khiến cho người dân nói đến xã hội hoá là sợ lắm, nhất là ở khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, xã hội hoá giáo dục hiện nay còn bị hiểu lệch lạc là chỉ phát triển hệ thống các trường tư thục từ cấp mầm non đến ĐH.

Nhưng vấn đề quan trọng là sự phó mặc cho các trường hoàn toàn tự thu – chi, không có sự hỗ trợ nào của Nhà nước. Các trường này gặp rất nhiều khó khăn trong việc có đất xây trường, phải vay ngân hàng để xây dựng cơ sở vật chất, phải đóng thuế… và đương nhiên để được hưởng các dịch vụ tốt nhất từ khối trường này, học sinh phải đóng góp cao hơn nhiều so với trường công. Đó là một bất công.

“Hệ lụy của việc hiểu sai xã hội hóa này còn tồi tệ hơn rất nhiều khi xảy ra ở các vùng nông thôn nghèo, nơi mà các khoản đóng góp cho con em đi học không phải là dễ dàng khi bản thân gia đình họ ăn chưa đủ no, mặc chưa đủ ấm”.

Theo ông, nên triển khai xã hội hoá ở nông thôn như thế nào cho hiệu quả, bởi nông thôn là khu vực đặc thù việc huy động hỗ trợ không hề dễ như ở các địa bàn khác?

- Đối với vùng nông thôn, Nhà nước cần có chính sách phát triển đặc thù. Với các khoản phúc lợi xã hội, cần đảm bảo cho học sinh nghèo ở nông thôn học trong bất kỳ một môi trường giáo dục nào dù công lập hay tư thục cũng có quyền được hưởng thụ như nhau. Ngoài ra, ngành giáo dục cần yêu cầu các trường thu - chi công khai, xã hội hóa minh bạch. Các tổ chức xã hội cần tham gia trực tiếp vào việc giám sát thu - chi tại các cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, cần xây dựng chế độ học phí mới nhằm đảm bảo sự chia sẻ hợp lý giữa Nhà nước, người học và các thành phần xã hội.

Đối với giáo dục mầm non và phổ thông ở các trường công lập, ngân sách nhà nước là nguồn tài chính chủ yếu đảm bảo chi phí của quá trình đào tạo. Đối với giáo dục nghề nghiệp và ĐH ở các trường công lập, người học có trách nhiệm chia sẻ một phần quan trọng chi phí đào tạo. Cơ sở giáo dục ngoài công lập phải tuân thủ các quy định về chất lượng của Nhà nước và tự quyết định mức học phí.

Xin cảm ơn ông !

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem