Người dân TP.HCM đau đáu chuyện đền bù, tái định cư, dự án "treo"
Người dân TP.HCM đau đáu chuyện đền bù, tái định cư, dự án "treo"
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 07/07/2022 11:06 AM (GMT+7)
Tại phiên thảo luận tổ trong kỳ họp thứ 6 HĐND TP.HCM khoá X, nhiều đại biểu HĐND TP.HCM bày tỏ quan tâm về chính sách giá đền bù và vấn đề tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án.
Mở đầu phiên làm việc ngày thứ 2 (7/7), Chánh Văn phòng HĐND TP.HCM Đỗ Thị Minh Quân đã thông tin về chương trình thảo luận tại các tổ ở ngày làm việc đầu tiên. Qua ghi nhận tại các tổ, các đại biểu tập trung thảo luận về nhiều nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm như đầu tư công, và thực hiện các dự án hạ tầng; đồng thời đề nghị TP.HCM tăng cường chỉ đạo và có giải pháp cụ thể trong thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; các sở, ngành cần xem lại trách nhiệm phối hợp thực hiện công tác giải ngân.
Cùng với đó, bố trí kinh phí, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án về cơ sở hạ tầng như cầu Nam Lý ở TP.Thủ Đức (ngưng thi công đến nay 5 năm); mở rộng đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Bứa, đường song hành Vành đai 3; quan tâm đẩy nhanh tiến độ bồi thường giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Vĩnh Lộc.
Về dự án Vành đai 3 vừa được Quốc hội thông qua, các đại biểu đề nghị TP.HCM thông tin việc triển khai dự án, có giải pháp cụ thể đối với việc thực hiện dự án này. Trong đó, thông tin về chính sách giá đền bù và vấn đề tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án; chế độ chính sách tái định cư phải bố trí phù hợp với nhu cầu của người dân vì có nhiều dự án trước đây chúng ta tái định cư không phù hợp dẫn đến người dân không đồng tình khiến dự án kéo dài; chính sách về giá đền bù cần phải phối hợp đồng bộ với các tỉnh có dự án đi qua.
Các đại biểu cũng quan tâm nhiều dự án thuộc Chương trình phát triển nhà ở hiện nay chậm bàn giao nhà cho người dân, chính quyền địa phương không rõ chủ đầu tư ở đâu, việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà gặp nhiều khó khăn.
Đại biểu cũng đề nghị TP.HCM đẩy nhanh tiến độ chương trình chỉnh trang đô thị, các chung cư cũ xuống cấp; tìm giải pháp tháo gỡ cho các trường hợp khó khăn về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để người dân yên tâm sinh sống...
Cùng với đó, quan tâm xem xét điều chỉnh về quy định tách thửa đối với đất ở các huyện ngoại thành, tạo điều kiện để cha mẹ cho con đất, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn (nhiều trường hợp do diện tích đất nhỏ, không đủ điều kiện để tách thửa).
Một số đại biểu nhận xét, việc triển khai lập quy hoạch TP.HCM giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh Quy hoạch chung TP đến năm 2040 tầm nhìn 2060 còn chậm, chưa đạt tiến độ theo yêu cầu thực tế dẫn đến ảnh hưởng công tác lập quy hoạch điều chỉnh của các quận, huyện. Qua đó, UBND TP.HCM cần cho biết giải pháp nào để đảm bảo công tác điều chỉnh quy hoạch của các địa phương không bị chậm trễ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương…
Quá nhiều vướng mắc trong quản lý nhà chung cư, dự án treo
Trước đó, trong tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến HĐND TP.HCM lần này, đáng chú ý là nhiều ý kiến liên quan đến công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư. Cử tri huyện Nhà Bè kiến nghị UBND huyện xem xét, tác động Ban Quản lý chung cư New Sài Gòn bàn giao quỹ bảo trì chung cư để sửa chữa những hạng mục xuống cấp của công trình, đảm bảo đời sống của cư dân trong chung cư.
Trong khi đó, cử tri phường 8, quận 8 đề nghị TP.HCM có giải pháp giải quyết đối với các trường hợp mua căn hộ nhiều năm nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận sở hữu nhà ở. Theo cử tri, việc này ảnh hưởng đến đời sống của người dân và dẫn đến tình hình an ninh trật tự phức tạp trên địa bàn khi cư dân tham gia khiếu kiện tập thể.
Cử tri Nguyễn Bạch Đằng (TP.Thủ Đức) phản ánh, chung cư Thạnh Mỹ Lợi xây dựng từ năm 2001, đến nay tuy còn dang dở nhưng đã nghiệm thu, cho người dân vào ở. Trong khi đó, cư dân chung cư Valencia (TP.Thủ Đức) phản ánh, chủ đầu tư đã bán nhà cho người dân từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa có sổ. Cử tri đề nghị chính quyền can thiệp giải quyết cho người dân.
Cử tri cũng "điểm mặt" những công trình, dự án chậm tiến độ, đề nghị nếu không thực hiện được thì xóa quy hoạch, thu hồi, hủy bỏ dự án. Ở huyện Củ Chi, đó là dự án Khu công nghiệp Đông Nam ở xã Hòa Phú, xã Bình Mỹ đã thực hiện 13 năm qua, nhưng người dân chưa được tái định cư; vòng xoay Quốc lộ 22 - Nguyễn Thị Rành kéo dài hơn 20 năm; dự án mở rộng Khu công nghiệp Tây Bắc giai đoạn 2 kéo dài gần 20 năm…
Ở TP.Thủ Đức là các dự án cầu Nam Lý, Tăng Long, Long Đại… đã triển khai nhưng dừng thực hiện. Ở quận Bình Thạnh là dự án bán đảo Thanh Đa kéo dài trên 30 năm, dự án cải tạo Rạch Xuyên Tâm cũng khiến người dân mong đợi mỏi mòn…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.