Người dân vẫn “đánh đu mạng sống" để qua sông mưu sinh

Đoàn Hồng Thứ ba, ngày 13/01/2015 10:35 AM (GMT+7)
Hơn chục năm nay, hàng trăm hộ dân tổ 2, thôn Phước Mỹ 3, thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chấp nhận “đánh đu mạng sống" khi đi trên cây cầu phao xây tạm, xuống cấp nghiêm trọng để qua sông Bà Rén mưu sinh.
Bình luận 0

Cheo leo cầu tạm

Ông Nguyễn Thinh – Trưởng thôn Phước Mỹ 3 cho biết, hiện nay tổ 2, thôn Phước Mỹ 3 có hơn 100 hộ dân sinh sống (chủ yếu là các hộ nông dân), với gần 300 khẩu. Ở tổ 2, người dân chủ yếu dựng nhà cửa để ở, còn toàn bộ diện tích đất sản xuất nông nghiệp (hơn 30ha) lại nằm bên này sông Bà Rén. Hàng ngày bà con chấp nhận “đánh đu” mạng sống khi đi trên cây cầu phao xây tạm, xuống cấp nghiêm trọng để qua sông mưu sinh.

img
Cây cầu phao ở thôn Phước Mỹ 3, thị trấn Nam phước (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) đã xuống cấp nghiêm trọng.  Đ.H
Ông Nguyễn Văn Hưng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước cho biết, trước đây, người dân muốn qua thị trấn Nam Phước hoặc làm đồng phải đi đò hoặc đi vòng qua xã Quế Xuân (huyện Quế Sơn), qua cầu Bà Rén rồi mới về được trung tâm thị trấn. Bà con đi lại vất vả, đặc biệt vào vụ thu hoạch lúa, hoa màu, phải “gồng mình” vận chuyển lúa, rơm rạ bằng đò ngang rất nguy hiểm. Chính vì vậy, năm 2001, thị trấn có đơn kiến nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí 600 triệu đồng để làm cầu tạm. Từ nguồn kinh phí này, địa phương huy động nhân dân bỏ công để xây dựng cầu phao bằng những thùng phi và lát ván lên trên. Cây cầu phao bắc qua sông Bà Rén có chiều dài khoảng 150m. Khi mới có cầu, bà con ai nấy phấn khởi, nhưng sau nhiều năm sử dụng, dù người dân và chính quyền bỏ nhiều kinh phí để sửa chữa nhưng đến nay chiếc cầu đã xuống cấp nghiêm trọng...

 

Ông Nguyễn Văn Thăng (63 tuổi) ở tổ 2, thôn Phước Mỹ 3, cho biết, gia đình ông sinh sống và làm nông ở đây hơn 3 đời. Hiện nay, gia đình có 8 sào đất sản xuất hoa màu và lúa, nhưng toàn bộ diện tích nằm ở đầu cầu bên kia. Vì thế, cây cầu là con đường duy nhất để gia đình qua thị trấn và đi làm đồng, vận chuyển lúa, rơm rạ, phân bón trong những ngày mùa.

Thiết kế cầu mới đã có, chỉ thiếu tiền

Quan điểm

Bà Lưu Thị Nguyệt
  Cầu này làm lâu lắm rồi, mỗi năm, mỗi hộ dân phải góp công và 200.000 đồng để tu sửa cầu, nhưng cứ mỗi lần mưa xuống, lũ về thì cầu hư hỏng hết. Mơ ước của bà con nông dân chúng tôi là có một cây cầu kiên cố để đi, nhưng chưa biết bao giờ mới thành hiện thực...” . 
“Vào những vụ mùa thu hoạch, dân chở xe lúa qua cầu phao này hay bị ngã và đổ lúa hết xuống sông. Mới vừa rồi trong vụ sản xuất hè thu, con trai tôi chở lúa về nhà, đang qua cầu bất ngờ ngã cả người lẫn xe, lúa xuống sông. Cũng may cháu biết bơi nên không hề gì, còn lúa và xe chìm xuống sông, vài ngày sau mới vớt lên được” - bà Lưu Thị Nguyệt (ở địa phương) chia sẻ.

Ông Nguyễn Thế Đức -Phó Bí thư Đảng ủy thị trấn Nam Phước cho hay, vào mùa mưa lũ, lượng nước từ đầu nguồn sông Thu Bồn đổ về, cây cầu oằn mình vì bèo và rác. Khi đó, để bảo vệ cây cầu, người dân đành tháo một đầu dây để nó trôi theo dòng nước. Nếu nước lũ có về cuốn trôi cây cầu thì khi nước rút những nông dân nơi đây lại hì hục “chắp vá” để nối lại cây cầu, vì đây là con đường chính phục vụ việc đi lại và sản xuất của bà con nông dân.

“Mới đây, thị trấn đã thuê tư vấn lập thiết kế cây cầu bê tông vĩnh cửu với chiều dài 150m, chiều rộng 2m, tải trọng 2 tấn, tổng kinh phí dự kiến trên 6,7 tỷ đồng. Mặc dù, thiết kế đã được UBND huyện Duy Xuyên phê duyệt triển khai trong năm 2015, tuy nhiên hiện nay thị trấn rất khó khăn về nguồn thu nên chưa thể đầu tư xây cầu” - ông Đức nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem