Giá vàng đang hướng về mốc 40 triệu đồng/lượng
Tiếp đà tăng của phiên buổi sáng, đến cuối ngày 4.7, giá vàng trong nước đã tăng thêm hơn 400.000 đồng/lượng. Cụ thể, vàng SJC tại Hà Nội niêm yết 36,45 triệu đồng/lượng (mua vào) và 36,75 triệu đồng/lượng (bán ra). Vàng SJC tại TP. Hồ Chí Minh cũng được Công ty VBĐQ Sài Gòn niêm yết ở mức 36,45 triệu đồng/lượng (mua vào); 37 triệu đồng/lượng (bán ra). Như vậy, so với cùng thời điểm của ngày hôm trước, giá vàng SJC đã tăng thêm gần 1,2 triệu đồng/lượng.
Phòng Kinh doanh Vàng - Tập đoàn DOJI nhận định, giá vàng thế giới tiếp tục tăng lên mức 1.352 USD/oz, hướng về mức cao nhất trong hơn hai năm khi nhà đầu tư có dấu hiệu tìm nơi trú ẩn sau những tác động của Brexit.
Theo số liệu của Bloomberg, đã có hơn 500 tấn vàng đã được mua vào để phục vụ nhu cầu dự trữ kể từ khi giá kim loại này chạm đáy hồi tháng 1.2016, báo hiệu mối quan tâm rất lớn của nhà đầu tư cho kênh vàng trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế chậm lại, Fed trì hoãn tăng lãi suất và những hệ quả từ việc Anh bỏ phiếu rời bỏ Liên minh châu Âu.
Vàng đang tiến tới mốc 40 triệu đồng/lượng
Còn nhận định của hầu hết các ngân hàng, có vẻ như vàng sẽ vẫn là một trong những tài sản hưởng lợi lớn trong bối cảnh hiện nay, khi các biến động kéo dài chắc chắn sẽ khiến các nhà đầu tư tiếp tục tìm kiếm các tài sản an toàn đặc biệt là vàng.
Nhận định về tuần này đa số các nhà phân tích và các nhà đầu tư đều lạc quan về đà tăng của giá vàng.
Nhu cầu vàng trong nước vẫn tăng
Theo Hội đồng Vàng thế giới, quý I.2016, trong khi thị trường vàng nữ trang thế giới giảm khá mạnh, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng này ở Việt Nam lại tăng.
Năm 2015, nhu cầu vàng nữ trang ở Việt Nam khoảng 15,6 tấn; riêng quý I.2016 là 4,7 tấn (tăng 6% so với cùng kỳ năm trước). Số liệu đó cho thấy rõ ràng sản xuất trang sức trong nước đang có "đầu ra" nhưng khó khăn lại nằm ở chính "đầu vào".
Số liệu của Hiệp hội Kinh doanh Vàng Việt Nam (VGTA) cho thấy, người dân Việt Nam đang giữ khoảng vài trăm tấn vàng. Đây chính là nguồn lực rất quý báu nhưng đang nằm chết trong dân.
Trong khi đó, người dân vẫn còn tâm lý giữ vàng để "phòng thân" và họ muốn số vàng tích cóp được bảo toàn nên sẵn sàng đem gửi Ngân hàng ngay cả khi không có lãi.
Rõ ràng việc khơi thông nguồn lực từ vàng trong dân sẽ giúp khơi vốn cho sản xuất.
"Trong khi NHNN chưa đủ điều kiện để cho lập Sàn vàng thì ít nhiều số vàng của dân cũng được đem lưu thông bằng hình thức vay mượn và đem vào sản xuất nữ trang thì cũng giảm đi tình trạng “gối đầu giường” của vàng phần nào như hiện nay", đề xuất của Hiệp hội kinh doanh vàng kiến nghị.
Bên cạnh đó, cũng cần phải nói thêm việc vay vàng của dân cũng làm giảm nhu cầu nhập khẩu vàng trong nước, “chảy máu” ngoại tệ.
Tuy nhiên, theo đại diện VGTA cho rằng, các quy định hiện hành đang bị “làm khó” khi các doanh nghiệp vay vàng.
Cũng theo VGTA, nhu cầu cần có nguyên liệu đầu vào cho bất cứ ngành sản xuất nào cũng là yếu tố sống còn với doanh nghiệp.Nhập khẩu vàng nguyên liệu cho sản xuất nữ trang là yêu cầu chính đáng của các DN sản xuất nữ trang. Với các DN này thì đầu vào của ngành chính là vàng nguyên liệu.
VGAT chũng phân tích, thực tế, vàng nước ngoài đang rẻ hơn thị trường trong nước vài trăm ngàn đến cả triệu đồng 1 lượng, người sản xuất dù biết chi phí đắt đỏ cũng vẫn phải mua để duy trì hoạt động của mình và họ sẽ phải tính vào giá thành sản phẩm. Cuối cùng, người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt vì mua sản phẩm với giá cao so với quốc tế.
Vậy thì tại sao không thể cho phép các DN sản xuất trang sức chân chính được nhập khẩu vàng phục vụ cho nhu cầu sản xuất của họ?
VGTA cho biết, kể từ khi Nghị định 24 có hiệu lực đến nay đã gần 5 năm trời chưa một hạt vàng nguyên liệu nào được nhập khẩu chính thức thì đủ hiểu là ngành sản xuất trang sức khốn khổ thế nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.