Hôm nay, 21/09, ngày đầu tiên TP. Hà Nội thực hiện điều chỉnh các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 sau gần 2 tháng thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố. Trên nhiều tuyến phố trung tâm, hoạt động buôn bán đã bắt đầu trở nên nhộn nhịp ngay từ sáng sớm.
Theo đó, các cửa hàng, kinh doanh dịch vụ được phép hoạt động trở lại như như cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, phương tiện giao thông; cửa hàng điện tử, điện lạnh, đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ bán hàng mang về…
Nhiều người phải xếp hàng chờ đến lượt cắt tóc trong ngày hôm nay.
Ghi nhận của PV trong ngày hôm nay, hầu hết các chợ dân sinh đều đông đúc, tấp nập hơn mọi ngày do người dân đi chợ không còn phải dùng đến phiếu như trước đây; Các cửa hàng sửa chữa, rửa xe máy và cửa hàng cắt tóc, gội đầu khá đông đúc. Nhiều người phải xếp hàng để chờ đến lượt.
Sáng sớm, chị Nguyễn Khánh Ly, trú tại Ô Chợ Dừa (Đống Đa, Hà Nội) đã dắt xe ra khỏi nhà để đi mua đồ dùng học tập cho con. Chị cho biết, con gái chị năm nay lên lớp 2, học theo chương trình cải cách sách giáo khoa nên khi chuyển trường, chị chưa kịp mua sách mới cho con.
“Tôi không đăng kí sách ở trường cũ vì sợ sang trường mới con học khác bộ sáng. Vì vậy hơn 2 tuần vừa rồi con học online mà vẫn không đủ sách để học. May quá hôm nay các cửa hàng văn phòng phẩm đã được mở cửa lại không cần giấy đi đường nên tôi đi mua cho con luôn”, chị Ly cho biết.
Không chỉ mua đồ dùng học tập cho con, chị Ly còn dự định đến chiều sẽ đi rửa xe và cắt tóc cho “nhẹ đầu”.
Gần 2 tháng nghỉ dịch, mãi hơn 8 giờ sáng nay chị Phạm Thị Huệ, chủ cửa hàng cắt tóc gội đầu ở Phúc Diễn (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mới biết mình được mở cửa hàng trở lại khi khách đến gõ cửa nhờ cắt tóc.
“Gần 2 tháng nghỉ dịch, không được mở cửa hàng trong khi tiền thuê nhà vẫn phải trả 5 triệu đồng nên tôi chuyển sang bán hoa quả kiếm thêm thu nhập. Hôm qua vẫn nhập về mấy trăm quả bưởi, xếp lăn lóc ở góc quán định hôm nay bán tiếp mà lại được mở cửa quán nên phục vụ khách trước, còn bưởi để bán sau”, chị Huệ nói.
Nhiều cửa hàng tóc làm không hết việc vì khách đông, nhân viên chưa kịp từ quê xuống.
Anh Lâm Thao, chủ Salon tóc tại Đội Cấn (Ba Đình, Hà Nội) cũng tỏ rõ vẻ vui mừng khi được mở cửa trở lại sau thời gian dài tạm đóng cửa. Lượng khách đông, anh cùng 4 nhân viên khác làm luôn tay luôn chân từ 7 giờ sáng vẫn không hết khách, nhiều người vẫn phải ngồi chờ.
“Mãi sáng nay ngủ dậy tôi mới biết cửa hàng được phép mở cửa trở lại nên một số nhân viên về quê vẫn chưa lên kịp. Khách lại quá đông nên chúng tôi chỉ nhận vừa đủ khách để tránh trường hợp khách phải chờ đợi lâu, đồng thời hướng dẫn khách ngồi giãn cách, sát khuẩn tay và đeo khẩu trang đầy đủ theo quy định”, anh Thao nói.
Quán tóc của anh Thao mở cửa từ 7 giờ sáng và nhiều khách phải chờ để đến lượt.
Tối 20/9, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh ban hành Chỉ thị 22 điều chỉnh các biện pháp phòng, chống Covid-19 trên địa bàn thành phố trong tình hình mới.
Cụ thể, từ 06h00 ngày 21/9, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn thành phố theo nguyên tắc tại Chỉ thị số 15 ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, TP.Hà Nội tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy, nội địa, vận tải hành khách bằng xe mô tô, trừ trường hợp phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia...; Hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng và các cơ sở kinh doanh (trừ các hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép); Hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự.
Nhiều khu chợ ghi nhận cảnh đông đúc hơn so với trước đây.
Theo Chỉ thị số 22, UBND TP.Hà Nội cho phép các hoạt động hội họp, các sự kiện nhưng tập trung không quá 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.
Cho phép hoạt động các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn, cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch, dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội.
Mở cửa trở lại hoạt động kinh doanh của các cửa hàng cắt tóc, gội đầu, dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ô tô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng, cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập, cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng, hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.
Một số xe hàng rong đã bắt đầu bán hàng trở lại.
Một số cửa hàng, nhà hàng ăn uống vẫn cửa đóng then cài.
Ngoài xe mô tô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa đang được phép hoạt động, cho phép xe mô tô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ được phép hoạt động. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, xe hai bánh có ứng dụng công nghệ chỉ được phép bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động.
Người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID 19, khai báo y tế hằng ngày, chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định. Thời gian hoạt động từ 9h00 đến 22h00 hằng ngày (áp dụng cho cả xe mô tô, xe hai bánh đang được phép hoạt động và xe tham gia ứng dụng công nghệ).
Vui lòng nhập nội dung bình luận.