Người Dao đổi đời nhờ “cách mạng”... ngô

Triệu Huấn Thứ ba, ngày 16/09/2014 06:46 AM (GMT+7)
Nhắc đến cây ngô, người Dao đỏ xã Tân Phượng, huyện Lục Yên (Yên Bái) không thể quên Dự án giảm nghèo giai đoạn I của huyện - được coi như là “cuộc cách mạng” làm đổi thay hoàn toàn cuộc sống của bản người Dao.
Bình luận 0

Một vụ ngô bằng chục năm trồng lúa...

Đến nhà chị Triệu Thị Nhất ở thôn Khe Pháo 2 xã Tân Phượng, chúng tôi được chứng kiến cảnh vợ ở phía dưới bó ngô, chồng trèo thang lên xếp ngô thành từng hàng ngay ngắn trên trần nhà, lũ trẻ cười tít mắt và chạy đi, chạy lại...

Vừa thoăn thoắt bó những bắp ngô, chị Nhất khoe: “Năm nay gia đình trồng 12kg ngô giống (tương đương 12 sào ngô). Tuy thời tiết thất thường, nhưng chúng tôi vẫn thu được trên 3 tấn ngô hạt. Bán đi chắc cũng được gần 20 triệu đồng”.

Cũng như nhiều gia đình khác ở bản Dao này, những năm trước đây vợ chồng chị Nhất nghèo đói lắm. Nhà có 4 khẩu, chỉ biết trông chờ vào 4 sào ruộng vụ được, vụ không - như cách nói vui của người Dao nơi đây “năm nào trời thương thì có hạt cơm bỏ vào nồi, chứ trời ghét là đói quanh năm”.

Anh chị đều là những người chăm chỉ, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, hết lên nương trồng sắn, tra lúa nương, vào rừng kiếm măng, rồi đi làm thuê, làm mướn nhưng cái đói cứ như “con ma trong rừng” ám lấy họ.

Được sự tận tình giúp đỡ của cán bộ, những diện tích ngô đầu tiên phát triển rất tốt, ngay vụ đầu đã cho thu hoạch. Thiếu gạo ăn, vợ chồng chị Nhất mang một phần ngô thu được bán đổi gạo, nhờ được giá nên gia đình đã có đủ gạo để ăn. Rồi được cán bộ tuyên truyền, hướng dẫn dùng ngô làm thức ăn chăn nuôi, đầu tư nuôi lợn thịt, vừa có ngô đem bán, cuối năm lại được bán lợn thịt.

“Giờ thì không sợ đói nữa, năm 2013 gia đình tôi bán được 4 tấn ngô hạt, thu về trên 20 triệu đồng đấy. Làm một vụ ngô bằng cả chục năm trồng lúa, sắn. Có ngô còn nuôi thêm được con lợn, giờ thì kinh tế nhà tôi ổn định rồi, mua được tivi, xe máy” - chị Nhất cho biết.

Đến nhà anh Triệu Đức Long ở cùng thôn Khe Pháo 2, cũng thấy cảnh gia đình đang tất bật xếp ngô lên trần nhà. Vừa thấy chúng tôi, anh Long đã khoe: “Năm nay bà con làm được nhiều ngô nhưng chưa biết làm sao tiêu thụ được đây, đường sá đi lại còn khó khăn”.

Được biết, trước đây gia đình anh Long nghèo đói lắm, không có gạo ăn nên suốt ngày vợ chồng cãi vã, chửi mắng nhau. Rồi gia đình được vận động trồng ngô, và từ đó anh chị không ngừng mở rộng diện tích ngô đồi...

“Cuộc cách mạng” về cây ngô

Nhắc đến quá khứ, từ già đến trẻ nơi đây vẫn không quên được cảnh người Dao phải suốt ngày chui lủi trong rừng kiếm sống, ngày đói chỉ biết ăn sắn, ăn củ nâu. Những quả đồi ngày càng trơ trọc, cằn cỗi vì người Dao khai hoang trồng sắn, mảnh đồi này bạc màu người ta lại tìm mảnh đồi mới màu mỡ, chặt phá cây cối tiếp tục trồng sắn...

Năm 2006, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, từng bước làm thay đổi tập tục canh tác lạc hậu của người Dao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi trong vùng đồng bào DTTS, Ban quản lý Dự án giảm nghèo giai đoạn I huyện Lục Yên đã quyết định đầu tư cho xã Tân Phượng dự án trồng ngô.

Khoảng 30 hộ nghèo thuộc 2 thôn Lũng Cọ và Khe Pháo 2 đã tham gia dự án, mỗi hộ được hỗ trợ 0,8kg ngô giống, được đầu tư phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, nên ngay vụ đầu tiên ngô đã cho năng suất cao. Có ngô, người Dao đỏ đem bán đổi thóc, vậy là bà con không còn đói. Học còn được hướng dẫn lấy ngô làm thức ăn chăn nuôi...

Ông Triệu Tiến Tiên - Chủ tịch UBND xã Tân Phượng khẳng định: “Hiện trên địa bàn xã cây ngô đang là loại cây trồng ngắn ngày cho năng suất, sản lượng cao nhất. Trồng ngô đã trở thành một phong trào trong dân bản, mỗi năm 2 vụ (đông và xuân hè).

Nhờ trồng ngô mà bà con đã phát triển mạnh chăn nuôi lợn, gia cầm. Đây là một loại cây trồng góp phần xóa đói, giảm nghèo cho địa phương và chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích mở rộng. Riêng vụ xuân năm 2014 bà con trồng trên 88ha, sản lượng 265 tấn”.

   Đến Tân Phượng mùa thu hoạch ngô, ngoài những màu sắc đặc trưng của váy, áo người Dao đỏ, của núi rừng, nơi đây như được “nhuộm đỏ” bởi màu ngô. Ngô được  đổ tràn sân, rồi tách vỏ, buộc thành từng bó 10-15 bắp và treo kín tận lên nóc nhà…


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem