Người "đón" thanh long ruột đỏ về làm giàu cho xã miền núi

Thân Hiền Chủ nhật, ngày 15/04/2018 18:45 PM (GMT+7)
Đến xã Phú Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) hỏi nhà ông Lê Hồng Điệp hầu như ai cũng biết, bởi ông là người đầu tiên mang cây thanh long ruột đỏ về, mở ra cơ hội làm giàu cho bà con ở xã miền núi này.
Bình luận 0

“Bén duyên” với thanh long ruột đỏ

Ngắm nhìn trang trại trù phú rộng 4ha của ông Điệp, ít ai biết được rằng, lão nông ngoài 60 ấy đã một thời vất vả, lăn lộn. Xuất thân trong gia đình nghèo của xã nghèo huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh), từng qua nhiều nghề để kiếm sống nhưng gia đình ông Điệp nghèo vẫn hoàn nghèo. Năm 2001,với số tiền tích cóp được cùng với vay mượn, ông Điệp quyết định mua mảnh vườn 4ha ở xã Nhân Lộc, huyện Can Lộc, cùng gia đình chuyển về đây lập nghiệp.

img

Ông Lê Hồng Điệp chăm sóc vườn thanh long ruột đỏ chuẩn bị đón lứa hoa mới.     Ảnh: T.H

“Những năm đầu bỏ phố về đây khai khẩn đồi hoang, trang trại, ai cũng bảo tôi khùng” - ông Điệp vừa cười, vừa dẫn chúng tôi tham quan vườn tược. Với bản tính cần cù, chịu khó, lại say mê làm vườn, hiện tại ông Điệp khiến mọi người ngưỡng mộ bởi trang trại trù phú, mỗi năm thu lãi hàng trăm triệu đồng.

img

Cơ duyên đưa ông Điệp đến với cây thanh long ruột đỏ cũng thật tình cờ. “Một lần xem tivi, thấy bà con vùng đồi núi Vĩnh Phúc trồng loại cây thanh long ruột đỏ cho năng suất cao, lại dễ trồng. Từ đó, hình ảnh loài cây nở hoa trắng muốt, quả chín nhuộm đỏ cả một góc đồi khiến tôi ám ảnh mãi và tự nhủ sẽ quyết tâm đưa cây thanh long ruột đỏ về khu đồi gò của gia đình…” - ông Điệp tâm sự.

img

Đam mê làm vườn

Hành trình “mở đường” đón thanh long về của ông Điệp cũng không dễ dàng. Trước đó, ông phải trồng, thử nghiệm nhiều lần. Mãi đến tháng 8.2016, ông mới mạnh dạn đầu tư, đưa 500 trụ thanh long ruột đỏ đầu tiên về vườn.

Nhờ sự quyết tâm, đam mê cùng quá trình tìm hiểu, thử nghiệm, những trụ thanh long đầu tiên bắt đầu cho quả ngọt. Năm 2017, vườn thanh long mới cho bói quả nhưng sản lượng cũng lên đến 10 tấn, trừ chi phí, tính ra cũng thu lãi hàng chục triệu đồng.

img

Ông Điệp cho hay, thanh long ruột đỏ dễ trồng, chịu hạn tốt, phù hợp với đất đồi, đất sỏi, lại ít sâu bệnh, không mất nhiều công chăm sóc. Chỉ cần rải rơm rạ hoặc ủ trấu dưới gốc cùng với phân chuồng là cây sẽ sinh trưởng và phát triển tốt.

Mô hình trồng thanh long ruột đỏ của ông Lê Hồng Điệp mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Với đà này, những năm tới nhiều hộ dân sẽ chuyển đổi từ cây keo hoặc lúa sang trồng thanh long ruột đỏ, xem đây là một trong những giống cây chủ lực ở Phú Lộc”.

Ông Lê Duy Tiếu – Trưởng ban Nông nghiệp xã Phú Lộc

So với thanh long ruột trắng, thanh long ruột đỏ dễ trồng hơn, chỉ cần nhiệt độ trung bình trên 25 độ C là cây sẽ nở hoa liên tục. Mỗi năm thu hoạch từ 15-16 lứa, mỗi trụ cho thu hoạch 25-30kg, thương lái đến thu mua quả tận vườn. Với giá bán thấp nhất là 25.000 đồng/kg, mỗi ha cũng thu về gần 300 triệu đồng.

Từ việc chỉ trồng thử nghiệm mấy trăm trụ, đến nay, khu vườn của ông Điệp mở rộng diện tích lên đến 2.500 trụ thanh long. Năm 2018, với tình hình thời tiết thuận, ông Điệp ước tính sản lượng đạt 50 tấn, thu lợi khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ chi phí.

Ông Điệp còn cung cấp nguồn giống, hướng dẫn bà con trong xã kỹ thuật trồng cũng như chăm sóc loại cây này. Bên cạnh đó, trang trại của ông Điệp còn có hơn 600 gốc cam các loại, 30 cặp bò cùng đàn gà thả vườn hàng trăm con. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, trang trại của ông Điệp còn tạo ra việc làm thời vụ cho một số lao động trong xã.

Chỉ tay vào vườn thanh long trước mặt, ông Điệp tươi cười: “Đam mê lớn nhất cả đời tôi là làm vườn.Trong tương lai, tôi sẽ đầu tư, mua thêm đất, mở rộng diện tích trồng thanh long, cùng với bà con, đưa thanh long phủ đỏ cả miền đồi núi này”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem