Người đồng hành với nông dân

Thứ sáu, ngày 24/09/2010 22:52 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mặc dù công việc kinh doanh bộn bề nhưng ông vẫn đảm nhiệm chức Chi hội trưởng Chi hội vườn - ao - chuồng xã Tân Hiệp, làm cộng tác viên khuyến nông phổ biến kiến thức khoa học, hỗ trợ bà con chuyển đổi mô hình kinh tế…
Bình luận 0
img
Ông Huỳnh Văn Lòng hướng dẫn thợ học nghề. Ảnh: Minh Phương

Thập niên 1990, đô thị hóa chưa "bén chân" tới huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh, gia đình ông Huỳnh Văn Lòng (xã Tân Hiệp) lúc đó mưu sinh bằng nghề nông.

Chăn nuôi heo thịt là điểm khởi đầu cho sự khởi nghiệp của ông. Đang thu nhập ổn định thì năm 1998, dịch tả quét sạch đàn heo nhà ông, hơn 100 con vừa nái vừa thương phẩm chết sạch, cả trăm triệu đồng trong phút chốc mất trắng.

Gây dựng lại đàn heo không thành công, ông chuyển sang trồng lan cắt cành. Ông cho biết, mặc dù trồng lan cho hiệu quả kinh tế cao nhưng sản phẩm phải tiêu thụ qua trung gian. Nhiều lần ông mang hoa ra các cửa hàng hoa chào bán nhưng không ai mua, mà chỉ cho ông bán qua mối của họ. Qua nhiều tầng nấc, hoa của ông bị ép giá, nhất là khi dội hàng, họ ngừng mua. "Nguyện vọng làm giàu chính đáng cứ bị vướng, nên thôi thúc tôi phải tìm hướng làm ăn khác" - ông tâm sự.

Năm 2000, nhà nước chủ trương hỗ trợ vốn cho ND chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ông nghĩ, nếu cứ bám vào nghề nông sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, khó mà khá giả. Vay ngân hàng được 10 triệu đồng, ông mở xưởng mộc, chuyên đóng bàn ghế. Sản phẩm đầu tay của ông là bàn dùng cho máy vi tính, bán rất chạy vì máy vi tính ngày càng phổ biến. Mặc dù sản phẩm của ông ra đời sau, phải cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại nhập, nhưng sản phẩm chất lượng, mẫu mã đa dạng, đặc biệt chế độ hậu mãi tốt, bất cứ khi nào khách hàng có yêu cầu sửa chữa là ông đáp ứng ngay, nên nhanh chóng được thị trường chấp nhận.

Sau ba năm, ông mở rộng nhà xưởng, tập trung sản xuất sản phẩm phục vụ văn phòng và trang trí nội thất. Ông nhận thấy, để tồn tại và giành phần thắng trên thị trường, khâu thiết kế, mẫu mã phải luôn sáng tạo, vì thế mà chăm chỉ học về đồ họa để cho ra đời sản phẩm độc đáo của riêng mình.

Mặc dù công việc kinh doanh bộn bề nhưng ông vẫn đảm nhiệm chức Chi hội trưởng Chi hội vườn - ao - chuồng xã Tân Hiệp, làm cộng tác viên khuyến nông phổ biến kiến thức khoa học, hỗ trợ bà con chuyển đổi mô hình kinh tế… "ND mình vất vả, sản phẩm làm ra thường chịu cảnh được mùa mất giá, rồi bệnh dịch trên đồng ruộng, trong chuồng trại phút chốc có thể làm trắng tay. Tôi có điều kiện đến đâu là gắng giúp bà con đến đấy. Tôi nhận con em ND địa phương vào đào tạo nghề và bố trí làm việc tại xưởng với mức lương từ 2 - 4 triệu đồng/người/tháng. Trong ba năm qua, tôi đã mua gần 100 thẻ bảo hiểm y tế tặng bà con nghèo để phòng ngừa khi đau ốm. Tôi cũng giúp vốn cho một số gia đình làm ăn để ổn định cuộc sống" - ông kể.

Với những đóng góp đó, ông Huỳnh Văn Lòng đã được Hội ND TP.HCM bình chọn là hộ ND SXKD giỏi liên tục các năm 2007, 2008, 2009. Ông là một trong 4 ND đại diện cho ND TP.HCM về Thủ đô dự Đại hội Thi đua yêu nước và biểu dương ND điển hình tiên tiến toàn quốc lần thứ III vừa diễn ra ngày 15-9.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem