Người đốt vàng mã gây hỏa hoạn có bị xử lý như thế nào?

Việt Sáng Thứ bảy, ngày 29/04/2023 13:04 PM (GMT+7)
Bộ Công an trả lời bạn đọc về việc xử lý hành vi đốt vàng mã gây hỏa hoạn.
Bình luận 0

Bạn đọc hỏi:

Tôi thấy nhiều vụ cháy có nguyên nhân từ việc người dân đốt vàng mã làm bén lửa gây ra hỏa hoạn.

Tôi muốn hỏi, hiện nay pháp luật có quy định về nơi đốt vàng, mã hay không?

Nếu việc đốt vàng, mã gây hỏa hoạn thì người đốt sẽ bị xử lý như thế nào?

Người đốt vàng mã gây hỏa hoạn có bị xử lý như thế nào? - Ảnh 1.

Bộ Công an trả lời bạn đọc về việc xử lý hành vi đốt vàng mã gây hỏa hoạn.

Bộ Công an trả lời:

Hiện nay, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy chưa có quy định cụ thể về nơi đốt vàng mã. Tuy nhiên để đảm bảo trong quá trình sử dụng nguồn lửa (trong đó có đốt vàng mã…), tại điểm c khoản 3b Điều 5 Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2013 quy định:

Cá nhân có trách nhiệm bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy trong quá trình sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị, dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt và trong bảo quản, sử dụng chất cháy.

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 2 Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/02/2016 quy định nghiêm cấm hành vi đốt vàng mã, đốt lửa trong nhà chung cư, trừ địa điểm được đốt vàng mã theo quy định tại nhà chung cư. 

Người đốt vàng, mã gây cháy thì căn cứ theo hành vi, mức độ thiệt hại có thể bị xem xét xử  lý hành chính, như:

Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo; Điều 50, 51 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình hoặc bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 180, Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Căn cứ theo quy định tại Điều 313 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017:

“1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Làm chết người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;

c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;

d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:

a) Làm chết 02 người;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;

c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Làm chết 03 người trở lên;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;

c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.

4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem