Người gieo niềm tin về một tương lai tươi sáng cho cộng đồng mắc chứng tự kỷ
Người gieo niềm tin về một tương lai tươi sáng cho cộng đồng mắc chứng tự kỷ
Hoài Thương
Thứ ba, ngày 23/01/2024 09:09 AM (GMT+7)
Người mắc chứng tự kỷ có nhiều hạn chế về kỹ năng giao tiếp, thường gặp khó khăn trong việc hòa nhập xã hội. Đồng cảm với những số phận kém may mắn, anh Nguyễn Đức Trung - Người sáng lập Vietnam's Autism Projects (TP. Hà Nội) đã dành nhiều năm nghiên cứu và giúp đỡ người tự kỷ làm việc, hy vọng họ có cuộc sống tốt hơn.
Người gieo niềm tin về một tương lai tươi sáng cho cộng đồng mắc chứng tự kỷ.
Trao cơ hội - tạo tương lai
Tại một ngôi nhà nhỏ 3 tầng nằm trên con phố Mai Anh Tuấn (phường Thành Công, quận Ba Đình, TP. Hà Nội), có một cơ sở kinh doanh đặc biệt được vận hành bởi các bạn trẻ mắc chứng tự kỷ. Công ty Vietnam's Autism Projects (VAPs) hay còn được gọi với cái tên thân thương là “Doanh nghiệp hạnh phúc” gồm: Siêu thị, quán ăn và nhà sách được anh Nguyễn Đức Trung (Người sáng lập VAPs) triển khai và duy trì trong suốt 7 năm qua.
Anh Trung chia sẻ: “Tôi có duyên gặp gỡ với nhiều bạn mắc chứng tự kỷ nên bản thân tôi hiểu rõ được những trở ngại mà họ phải đối mặt. Chính vì hiểu rõ nên tôi lại càng muốn giúp đỡ phần nào để họ có một tương lai tươi sáng hơn. Nhiều đêm suy nghĩ, cuối cùng tôi quyết tâm thành lập dự án mô hình kinh tế cho người mắc chứng tự kỷ”.
Khác với nhiều mô hình hướng nghiệp dành cho người tự kỷ trên thế giới, tại VAPs, anh Trung cho biết đây là dự án kinh doanh có lợi nhuận nhằm tạo việc làm bền vững cho người tự kỷ. Lương của các nhân viên được tính theo sản phẩm nên ai cũng được “làm thật, ăn thật”.
Điểm đặc biệt là công ty anh không nhận tiền hỗ trợ hay ủng hộ từ bất kỳ tổ chức hay cá nhân nào. Lý giải thêm, anh cho biết: “Sự giúp đỡ đó chỉ là tạm thời, các bạn mắc chứng tự kỷ vẫn không thể thoát ra khỏi cái mác “người khuyết tật” đã cản trở họ từ suốt quãng thời gian thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Thay vào đó, hãy cho các bạn có cơ hội để chứng tỏ bản thân”, nói đến đây ánh mắt anh trở nên kiên quyết.
Hiện tại, công ty đang duy trì với 8 nhân sự dưới sự quản lý và đào tạo trực tiếp của anh Nguyễn Đức Trung. Điểm giao thoa giữa họ không chỉ là chứng tự kỷ, mà hơn hết là khát vọng được sống một cuộc đời bình thường như bao người.
Không chỉ giúp người mắc chứng tự kỷ có thể kiếm thêm thu nhập nuôi sống bản thân, VAPs còn là cầu nối giúp họ từng bước hòa nhập với xã hội. Trong suốt 7 năm hoạt động, công ty đã đón tiếp khoảng 7.000 khách đến trải nghiệm. Dù số lượng không quá lớn nhưng đối với người tự kỷ, đây là con số họ chưa từng nghĩ tới. Nhờ có cơ hội tiếp xúc với nhiều người, các bạn dần cởi bỏ những mặc cảm để đón nhận thế giới bên ngoài hơn.
Sự thay đổi tích cực của các bạn nhân sự ở VAPs có sự đóng góp rất lớn từ anh Nguyễn Đức Trung. Chính sự miệt mài cố gắng trong suốt nhiều năm của mình, anh đã từng bước “phá vỡ bức tường thành” mà các bạn dựng nên vì không muốn chịu tổn thương từ thế giới bên ngoài. Có lẽ vì cảm nhận được tình yêu thương của anh mà tất cả mọi người ở đây đều thấy trân trọng, họ còn gọi anh bằng “thầy” để thể hiện tình cảm của mình.
“Những ngày đầu khi tới VAPs, các bạn đều mang trong mình nhiều nỗi buồn vì quá khứ bị tổn thương. Nhưng qua quá trình được động viên, chia sẻ cùng với những tán thưởng khi các bạn làm việc tốt đã giúp các bạn có thêm niềm tin vào chính bản thân mình cũng như xã hội. Giờ đây, nhìn các nhân sự do chính mình đào tạo đã thay đổi tích cực lên theo từng ngày, tôi không khỏi hạnh phúc”, anh Trung chia sẻ.
Bác Nguyễn Thị Bích Dung (SN 1971, phụ huynh của bạn Nguyễn Duy Đức - Nhân viên tại VAPs) trải lòng: “Từ lúc tham gia vào dự án mô hình kinh tế, Đức trở nên linh hoạt và hay cười nói hơn hẳn. Nhiều hôm được nghỉ học, bạn còn thuyết phục cô để chở bạn tới chỗ làm. Thấy con mình tìm được niềm vui trong cuộc sống như vậy, người làm mẹ như cô cũng được an ủi phần nào. Cảm ơn thầy Trung cũng như VAPs đã mở ra con đường mới cho Đức nói riêng và những bạn trẻ mắc chứng tự kỷ nói chung”.
Biết đến mô hình kinh tế cho người mắc chứng tự kỷ qua một người bạn, chị Nguyễn Thị Thuỳ Dung (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) không khỏi ngạc nhiên khi biết được người mắc chứng tự kỷ cũng có thể làm việc. “Trước đây, tôi từng có quan niệm rằng người mắc chứng tự kỷ gặp rất nhiều khó khăn trong giao tiếp với xã hội nên giấc mơ về một công việc bền vững là quá xa vời. Tuy nhiên khi biết về VAPs, tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ đó. Mô hình này cần được lan toả nhiều hơn bởi nó giúp người mắc chứng tự kỷ có thể tạo ra giá trị, cống hiến cho cộng đồng”, chị Dung bày tỏ.
Những khó khăn chưa kể
Để có được sự thành công hiện tại của dự án, ít ai biết rằng anh Trung đã có quãng thời gian dài chật vật vì vô vàn khó khăn, thử thách đè nặng lên đôi vai.
Khi triển khai dự án, anh không nhận được bất cứ sự đồng hành nào bởi nhiều người cho rằng người mắc chứng tự kỷ không thể làm việc được. “Tôi nghĩ khi làm những thứ mới mà không có sự chung tay cũng là điều dễ hiểu. Khi đã trải qua, tôi không cảm thấy buồn mà ngược lại còn biết ơn vì chính điều đó đã giúp tôi trưởng thành hơn”, anh Trung tâm sự.
Xuất thân là một người làm về kinh tế, anh hoàn toàn không có kiến thức về người mắc chứng tự kỷ. Điều này buộc anh phải dành không ít thời gian để đi sâu vào nghiên cứu một cách toàn diện, từ các mô hình kinh tế dành cho người mắc chứng tự kỷ trên thế giới cho đến đặc điểm của người tự kỷ và môi trường thực tiễn tại Việt Nam. Ngoài việc nghiên cứu trên sách vở, anh còn trực tiếp liên hệ với gia đình có con mắc chứng tự kỷ, lắng nghe chia sẻ của phụ huynh và quan sát sinh hoạt thường ngày của các bạn để hiểu rõ hơn.
Trong suốt hai năm, anh Trung liên tục bổ sung những kiến thức chuyên sâu để làm nền tảng phục vụ cho dự án. Áp dụng những kiến thức có được, anh trực tiếp đào tạo cho các bạn mắc chứng tự kỷ về quy trình làm việc từ bước tiếp đón khách cho đến khâu thanh toán. Nếu như người bình thường chỉ mất một đến hai lần để dạy việc thì người mắc chứng tự kỷ lại mất đến chín tháng đến hơn một năm cho điều đó. Nếu không có đủ tình yêu thương bao la, hiếm ai có thể bao dung và kiên nhẫn để dành từng ấy thời gian đào tạo việc làm cho các bạn mắc chứng tự kỷ.
Khi được hỏi, anh Trung chia sẻ: “Sống trên đời chắc chắn ai cũng đã từng phạm sai lầm, các bạn mắc chứng tự kỷ lại càng thế. Họ đều là những người chịu tổn thương về mặt tâm lý từ khi còn nhỏ nên quát mắng chỉ làm cho tình hình xấu đi. Thay vào đó, sự dịu dàng và kiên nhẫn sẽ giúp các bạn dần tiếp nhận theo hướng tích cực”.
Là người sáng lập dự án, anh Trung không dấu nổi sự tự hào khi đứa con tinh thần của mình đang ngày càng được lan toả. Với mong muốn tăng thêm nhiều cơ hội việc làm cho người mắc chứng tự kỷ, anh ấp ủ dự định mở rộng chuỗi dịch vụ của công ty, có thể là dịch vụ giặt là hoặc homestay. Đây vừa là cách để giúp người mắc chứng tự kỷ làm chủ cuộc sống, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, sự hiểu biết, quan tâm của xã hội dành cho người mắc chứng tự kỷ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.