Sáng lên bục giảng, chiều xuống ruộng
Nói đến Côn Đảo người ta nghĩ ngay đến vùng đất “tử thần”, nơi hàng ngàn chiến sĩ cách mạng của Việt Nam đã ngã xuống bởi gông cùm của kẻ thù.
Trong chuyến công tác đến Côn Đảo, tôi được nghe nhiều người dân trên đảo nhắc đến một thầy giáo người Bắc đã ra đảo đã hơn 20 năm và có nhiều cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi huyện đảo. Tôi tìm đến nhà thầy Nguyễn Khắc Lợi – nguyên Hiệu trưởng Trường Cấp 1 – 2 – 3 Võ Thị Sáu (thị trấn Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), ngôi nhà cấp 4 nằm gọn lỏn trong rừng bạch đàn um tùm phía sau Nghĩa trang Hàng Dương.
Sau 3 năm nghỉ hưu, những câu chuyện về trường, lớp, kỷ niệm những ngày đầu “cõng” chữ ra đảo của người thầy giáo già vẫn hiện lên mồn một.
Thầy Nguyễn Khắc Lợi – nguyên Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu (Côn Đảo, Vũng Tàu). TÙNG ANH
Thầy Lợi sinh ra ở Hưng Yên, sau khi tốt nghiệp khoa Toán- ĐH Sư phạm Hà Nội, thầy Lợi được phân công về Trường THPT Ân Thi (Hưng Yên) và đã có 17 năm công tác tại đây. Năm 1990, do yêu cầu công việc, thầy Lợi được lệnh điều chuyển công tác vào đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo: “Khi đó, nghĩ đến ra Côn Đảo tôi cũng ngại, cấp trên động viên ra 1 năm thôi rồi về. Nhưng ra đảo rồi, tiếp xúc với người dân, học sinh trên đảo tôi lại không muốn về nữa. Thấm thoắt, “1 năm” ấy đã kéo dài đến hơn 20 năm” – thầy Lợi cười.
Nhận công tác ở đảo được 1 năm, thầy Lợi quyết định thuyết phục vợ và đón gia đình ở Tiên Lữ, Hưng Yên ra định cư: “Hồi ấy, cả Côn Đảo chỉ có hơn 1.000 người, đi một đoạn đường khá xa mới có một nóc nhà, vợ tôi buồn, khóc suốt mấy tháng trời vì nhớ đất liền. Nhưng ngược lại, dân đảo rất lành, chất phác, coi nhau như người nhà.
Ở đảo không bao giờ có chuyện trộm cắp, đi ngủ chẳng bao giờ phải đóng cửa, xe máy cứ để cả khóa ngoài sân cũng không mất. Lên chợ mua đồ, có tiền thì trả, không có tiền thì cứ lấy đồ về. Trước đây cả tháng mới có một chuyến tàu ra đảo, cứ nghe có tàu cập cảng là cả đảo cùng ra đón, bất kể đêm hôm, dù chỉ để là ra… xách đồ về nhà giúp người khác, quý lắm! Vợ và các con tôi sống riết rồi quen, rồi quay ra động viên tôi yên tâm dạy học và định cư lại mảnh đất này” – thầy Lợi kể.
Những ngày đầu lên đảo cuộc sống vô cùng khó khăn, tiền đứng lớp của thầy được mấy chục ngàn đồng không đủ tiền… đong gạo. Vợ thầy làm kế toán trong trường một thời gian cũng bỏ việc vì lương quá thấp. Để trang trải cuộc sống và nuôi 5 con ăn học, vợ chồng thầy Lợi nhận làm cả mẫu ruộng. Vậy là cứ sáng lên lớp, chiều thầy lại ra đồng cùng vợ. Hôm nào rảnh việc vợ chồng thầy lại lên rừng lấy cỏ hương bài chặt gốc, phơi khô bán cho người ta làm than hương, 1kg cũng được mấy ngàn đồng.
“Tuy cuộc sống khá vất vả, nhưng không hiểu sao tôi cảm thấy mình rất yêu mảnh đất này. Học sinh của tôi là con em ngư dân nghèo và con cán bộ ra đây công tác, lương ba cọc ba đồng. Nhưng đổi lại, phụ huynh và học sinh đều ham học, học sinh hiếm khi nghỉ học, kể cả ốm cũng cố đến trường nếu có thể. Có lần tôi được gợi ý chuyển công tác về quận 1, TP.HM, lương 150 nghìn đồng- rất lớn lúc đó, nhưng tôi từ chối” – thầy Lợi kể.
Sự học ở ngôi trường “siêu nhỏ”
Khi thầy Lợi nhận công tác ở đảo, Trường Võ Thị Sáu còn là trường liên cấp 1, 2, 3. Cả 3 cấp học của trường mới có 320 học sinh. Năm 1995, cấp tiểu học được tách thành Trường Tiểu học Cao Văn Ngọc. Thầy Lợi được phân công phụ trách chuyên môn Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu. Năm 2006, thầy nhận chức Hiệu phó rồi sau đó lên làm Hiệu trưởng trường. Tới năm 2011 thì thầy nghỉ hưu.
Thầy Lợi cho biết, quản lý và dạy học ở một ngôi trường “siêu nhỏ” không hề dễ. Ngày đầu, có lớp chỉ 8 – 10 học sinh. Riêng khối 12 nhiều năm cả khối chỉ có 8 học sinh nhưng vẫn phải duy trì đầy đủ giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, giáo viên phụ trách… “Sĩ số nhỏ, bất lợi cho việc triển khai học tập theo nhóm nhưng đổi lại học sinh được quan tâm, chăm sóc tốt hơn. Giáo viên đều biết được tường tận hoàn cảnh gia đình, tâm lý, sức khỏe, học lực của từng em để bồi dưỡng, chỉ bảo” – thầy Lợi nói.
Thầy Lợi cũng chú trọng đến việc bồi dưỡng giáo viên của đảo. Cách đất liền 200km, ngày chưa có máy bay, cả tháng mới có tàu ra đảo nhưng thầy Lợi chưa từng bỏ qua cơ hội nào cho giáo viên vào đất liền giao lưu, tập huấn nâng cao trình độ. Từ năm học 1997 – 1998 trường đã trang bị phòng máy vi tính để thầy trò được tiếp cận công nghệ thông tin, không bị tụt hậu với đất liền.
Nói đến thầy Lợi, người dân trên đảo hầu như ai cũng biết và quý thầy. Chị Nguyễn Thị Hòa Thương – chủ quán cà phê ngay đường vào khu Nghĩa trang Hàng Dương cũng là một phụ huynh từng có con theo học thầy Lợi cách đây 10 năm. Chị Thương cho biết: “Ngày trước cả đảo chỉ có 1 ngôi trường và chỉ có 1 hiệu trưởng. Thầy ấy tận tâm, hễ cứ có học sinh nào học kém, muốn bỏ học hoặc nghỉ học không lý do thầy lại trực tiếp cùng giáo viên chủ nhiệm xuống tận nhà nói chuyện với phụ huynh và khuyên các em đến trường. Bây giờ thầy Lợi nghỉ hưu rồi, nhưng tôi vẫn thấy hễ có nhà nào có con nghỉ học, trường lại nhờ thầy xuống vận động”.
Chị Đỗ Thị Thùy – con dâu thầy Lợi, hiện là giáo viên văn Trường THCS và THPT Võ Thị Sáu chia sẻ: “Ngày 20.11, học trò cũ không bao giờ quên đến ngôi nhà nhỏ sau Nghĩa trang Hàng Dương – nơi bố mẹ tôi sống để chúc mừng ông. Hơn 20 năm “cõng” chữ trên đảo tôi thấy niềm vui lớn nhất ông thường chia sẻ với chúng tôi là rất nhiều học trò của ông hiện đang nắm giữ các chức vụ quan trọng trên huyện đảo. Đồng nghiệp của tôi hiện giờ tại trường thường gọi ông là “bố”, đi đâu cũng không quên mời “bố” đi cùng” – chị Thùy nói.
Cũng nhờ sĩ số “siêu nhỏ” mà chất lượng học tập ở trường thầy Lợi năm nào cũng đạt rất cao, tỷ lệ đỗ ĐH hàng năm là 70%; có năm khối 12 có 13 em đỗ ĐH. Khác với học sinh ở đất liền, học sinh trên đảo không biết đến học thêm là gì. Từ khi nhận công tác quản lý, thầy Lợi điều chỉnh việc giảng dạy theo tư duy, không nhồi nhét kiến thức, học sinh học ở trường đến đâu hết đến đấy. Việc không giao bài tập về nhà đã có từ lâu trên đảo chứ không phải chờ đến “lệnh” của Bộ GDĐT.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.