Người “giữ hồn” nhạc cụ khèn bè dân tộc Thái

Hà Hoàng Chủ nhật, ngày 26/11/2017 06:00 AM (GMT+7)
Ông Lừ Hồng Sưa (bản Tủm, xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, Sơn La) là một trong những nghệ nhân khèn bè, được coi như cây đại thụ, luôn miệt mài chế tác khèn bè và cống hiến xuất sắc trong lưu giữ giá trị văn hóa khèn truyền thống của dân tộc Thái.
Bình luận 0

Ông Sưa say sưa với khèn

Trong chuyến công tác đến bản Tủm, chúng tôi tìm gặp ông Sưa. Ông kể: Để có được cây khèn bè hoàn chỉnh thật đẹp, thật hay, phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau, đòi hỏi người chế tác khèn phải có sự khéo léo, tinh tế, cầu kỳ và sự tinh tường trong thẩm âm. Đặc biệt, người chế tác phải thật sự đam mê khèn mới có thể làm ra được một cây khèn ưng ý.

img

Ông Sưa đang biểu diễn các bài khắp Thái qua điệu khèn bè để khách du lịch thưởng thức. Ảnh: H.H

Cả một đời đam mê, tâm huyết với khèn bè, loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc, tiếng khèn của ông Sưa ngày càng được nhiều người yêu mến. Liên tục từ năm 2015 đến nay, ông Sưa đã được Nhà nước tặng nhiều danh hiệu và bằng khen, giấy khen: Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân loại hình Tri thức dân gian, Nghệ nhân trình diễn dân gian tỉnh Sơn La...

“Mỗi cây khèn thường có 14 ống nứa ghép lại với nhau. Tôi phải vào rừng chọn cây nứa bánh tẻ, nhỏ, mỏng, ít mấu về phơi nắng từ 15 - 20 ngày. Trước khi cây nứa chuyển sang màu vàng mới bắt đầu cắt theo kích cỡ từ 80cm đến 1m. Sau đó dùng mũi khoan để thông các đốt cây. Ngày trước, chưa có khoan tôi phải lấy dây thép nung đỏ để thông các đốt cây. Một trong những công đoạn khó nhất là làm lưỡi khèn. Khèn có 3 cỡ lưỡi, phải làm bằng đồng và bạc nguyên chất mới bền và khi rung mới cho âm thanh tốt nhất” – ông Sưa chia sẻ.

Trong ngôi nhà sàn nhỏ của ông Sưa, những chiếc khèn bè được treo ở những nơi trang trọng. Khi hỏi lý do tại sao ông gắn bó với nghề chế tác khèn bè, ông Sưa bảo: “Đó là một cái duyên đấy các cháu ơi ! Năm tôi 21 tuổi, ngày đó có chiếc khèn anh trai của tôi bị hỏng, không biết sửa ra sao? Tôi mới ngồi tháo ra rồi mày mò, nghiên cứu sửa thử. May mắn là thử lại thành công, tiếng khèn phát ra còn hay hơn lúc ban đầu. Từ đó, tôi bắt đầu yêu thích khèn bè và mới lắng nghe những bài khắp của đồng bào Thái, rồi tự học và thổi khèn theo bài hát. Càng thổi càng thích, càng làm khèn càng thấy mê nên tôi gắn bó với cây khèn từ đó”.

Mong lưu giữ nét đẹp văn hóa

Gần 60 năm gắn bó với khèn bè, đến nay ông Sưa đã làm ra hơn 1.500 chiếc. Mỗi chiếc khèn ông làm ra đều chứa đựng nhiều tâm huyết, tình cảm với mong muốn lưu giữ giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Ông Sưa thường làm 2 loại khèn: Khèn lưỡi bạc giá 450.000 đồng và khèn lưỡi đồng giá 400.000 đồng cho người dân trong bản, trong xã và khách du lịch, tạo nguồn thu nhập cho gia đình.

Trao đổi với phóng viên NTNN, ông Sưa cho biết: "Cây khèn tốt khi thổi lên phải cảm nhận được nỗi lòng của người thổi lẫn người làm ra nó. Âm thanh của khèn phụ thuộc vào cách cài những lưỡi khèn và độ chính xác về khoảng cách của những nốt bấm".

Chiếc khèn bè được ông Sưa sử dụng rất đa dạng trong những ngày lễ truyền thống, ngày tết, đón khách, cưới xin… hay làm nền đưa đẩy những điệu xòe vòng, điệu khắp của đồng bào dân tộc Thái. "Giờ tôi cũng có tuổi rồi, sợ rằng sau này không có ai tiếp nối nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Tôi mong Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo lớp trẻ học làm khèn và thổi khèn để gìn giữ được nét đẹp văn hóa của dân tộc Thái” – ông Sưa bộc bạch.

Chúng tôi ngỏ ý muốn nghe giai điệu khèn bè, ông Sưa cầm cây khèn trên tay thổi lên những giai điệu mượt mà, trầm bổng... của bài hát “Người Châu Yên em bắn máy bay”. Chúng tôi như cuốn theo điệu khèn, mê đắm trong từng khúc nhạc của ông. Tiếng khèn vang vọng, bay bổng, sâu lắng... mang lại niềm vui ấm áp, thanh tao làm xao xuyến lòng người... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem