Người giữ "hồn văn hóa" của người Mông ở Bản Mù

Hải Yến - Vàng Mai Thứ sáu, ngày 04/05/2018 07:40 AM (GMT+7)
Đến Bản Mù hỏi A Dao ai cũng biết, người Mông ở đây bảo rằng, A Dao như một người phi thường, ông không đa tài mà còn là một con người kiêm trì, bền bỉ với việc giữ "hồn văn hóa" cho người Mông ở đây.
Bình luận 0

img

Hiện, ông Dao vẫn đang hàng ngày, hàng giờ dạy khèn cho con, cháu và người trẻ ở Bản Mù.

Ông là Giàng A Dao ở thôn Mông Xi, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu là một trong những người thổi khèn hay, múa dẻo và thuộc nhiều làn điệu dân ca. Sau nhiều năm dày công nghiên cứu, học hỏi, gìn giữ và truyền dạy vốn văn hóa cổ truyền của dân tộc Mông, ông Dao đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu "Nghệ nhân ưu tú”.

Sinh ra trong một gia đình yêu nghệ thuật nên ngay từ khi còn nhỏ, ông đã được bố dạy thổi khèn. Vốn có năng khiếu nên cậu bé A Dao ngày đó đã nhanh chóng học được các bài khèn cơ bản. Dần dần, tiếng khèn, tiếng sáo đã trở thành niềm đam mê thôi thúc A Dao luyện tập mỗi ngày. 

Tranh thủ những lúc đi làm nương, chăn trâu, cắt cỏ, A Dao đều mang theo khèn, sáo để tập luyện. Nhờ say mê và chăm chỉ học hỏi nên khi trưởng thành, A Dao đã nổi tiếng trong làng, trong bản bởi biết sử dụng thuần thục nhiều loại nhạc cụ của người Mông, trong đó có cây khèn mà ông luôn yêu quý.

Nghệ nhân ưu tú Giàng A Dao chia sẻ: "Học thổi khèn không khó, quan trọng là phải say mê và kiên trì. Muốn thổi ra âm thanh, người thổi phải dùng hai bàn tay giữ khèn; đồng thời, dùng các ngón tay điều khiển các lỗ hơi - các nốt nhạc. Hơi thổi vào khèn sẽ xuyên qua lưỡi gà phát ra âm thanh. Thổi ra hay hít vào sẽ tạo âm thanh trầm bổng khác nhau”. 

Không chỉ biết chơi nhiều loại nhạc cụ dân tộc Mông mà nghệ nhân Giàng A Dao còn hát dân ca rất hay. Nếu sự gắn bó với cây khèn ông được truyền lại từ người cha thì tình yêu với những làn điệu dân ca ông lại xuất phát từ những câu hát ru ngọt ngào của bà, của mẹ, của chị...

Những lời hát ru mộc mạc, giản dị như dòng suối mát trong, trải qua tháng năm đã bồi đắp trong ông tình yêu tha thiết với dân ca dân tộc mình.Ông A Dao cho biết, trong thời buổi hiện nay khi lớp trẻ không còn mặn mà với nghệ thuật truyền thống của dân tộc thì việc gìn giữ tiếng khèn của dân tộc mình sẽ càng gian nan và khó khăn hơn. Để tiếp thêm ngọn lửa say mê cho các bạn trẻ, ông Dao đã dành khá nhiều thời gian và tâm huyết dạy thổi khèn và hát dân ca cho con cháu trong gia đình và bà con trong bản. 

"Dù gặp nhiều khó khăn nhưng tôi không nản lòng đâu, cứ lớp trẻ có thời gian là tôi kêu gọi chúng lại để thổi và dạy cho chúng học theo, dạy mãi rồi cũng được một số người, đến giờ trong bản cũng có người đã thổi được, mình cũng cảm thấy được động viên và yên tâm hơn", ông Dao chia sẻ.

Là người đầu tiên được ông A Dao dạy thổi khèn, đến giờ Giàng A Già - con trai ông Dao đã thổi và múa rất thành thục. tâm sự: "Em cảm thấy rất vui và tự hào khi mình được tiếp nhận những nét văn hóa tinh hoa của dân tộc mình. Trong thời gian sắp tới em sẽ tiếp tục học thêm để thổi giỏi khèn và sáo hơn để tiếp nối công việc mà bố đã và đang làm”.

Ông Giàng A Ninh - Phó Chủ tịch UBND xã Bản Mù cho hay: Trong đời sống tinh thần của người Mông, cây khèn có một vị trí vô cùng quan trọng, vì đây là loại nhạc cụ được coi là "hồn văn hóa” của bà con, vì nó có mặt trong hầu hết các sự kiện trọng đại của cuộc đời con người. Người Mông quan niệm rằng, người đàn ông lúc nào cũng phải có cây khèn đi cùng. Cách thổi khèn cho thấy sức mạnh về thể chất cũng như đời sống tinh thần của người đàn ông. Do vậy, người Mông đi đâu cũng rất tự hào về việc múa khèn và thổi khèn.

"Hiện nay, ông Dao là người đã dày công gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa người Mông ở Bản Mù nói riêng và huyện Trạm Tấu nói chung. Ông đã tích cực truyền dạy các làn điệu dân ca và cách thổi khèn, thổi sáo cho lớp trẻ”, ông Ninh nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem