Người góp vốn dự án xe đạp carbon của Lê Diệp Kiều Trang sẽ ra sao khi Arevo dừng hoạt động?
Người góp vốn dự án xe đạp carbon của Lê Diệp Kiều Trang sẽ ra sao khi Arevo dừng hoạt động?
Khải Phạm
Thứ năm, ngày 06/07/2023 13:44 PM (GMT+7)
Dự án xe đạp in 3D sợi carbon của công ty Arevo đã dừng hoạt động và liệu những người góp vốn có khởi kiện người đứng đầu là bà Lê Diệp Kiều Trang hay không?
Xe đạp in 3D sợi carbon có tên gọi Superstrata được được hình thành vào năm 2020 khi Lê Diệp Kiều Trang cùng chồng là Sonny Vũ khởi khởi nghiệp với công ty Arevo Việt Nam. Công ty này được quảng cáo là công ty sản xuất xe đạp bằng công nghệ in 3D sợi carbon đầu tiên trên thế giới.
Theo đó, Superstrata không phải là sản phẩm được bày bán đại trà mà được sản xuất từ nguồn vốn huy động cộng đồng (Crowdfunding).
Ở Việt Nam, Crowfunding vẫn còn là hình thức huy động vốn xa lạ với nhiều người, tuy nhiên nó lại phổ biến ở các nước trên thế giới ở các nước phát triển. Hình thức này nhận đóng góp từ nhiều cá nhân, thường thông qua nền tảng trực tuyến, đối với Arevo là qua nền tảng Indiegogo.
Đặc biệt, ông Sonny Vu chồng bà Lê Diệp Kiều Trang và cũng là CEO Arevo phát động chiến dịch “Superstrata Bike” trên Indiegogo, đây được biết đến là một trong những nền tảng gọi vốn cộng đồng lớn nhất thế giới.
Qua chiến dịch kêu gọi vốn này, tổng lượng vốn mà Arevo huy động được qua hình thức crowdfunding lên đến hơn 7,1 triệu USD, với hàng nghìn người tham gia đầu tư ủng hộ dự án này.
Với hình thức huy động vốn cộng đồng, mọi người như doanh nhân khởi nghiệp, ca sỹ, nghệ sĩ, lao động tự do hay các tổ chức phi lợi nhuận có thể hỗ trợ tài chính cho ý tưởng khởi nghiệp thay vì các nguồn vốn đầu tư truyền thống khác.
Arevo Việt Nam đã thành công với khi gọi vốn trên Indiegogo với 7,1 triệu USD và 25 triệu USD từ các nhà đầu tư dù mới thành lập. Đến cuối tháng 1/2021, Arevo nhận giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy in 3D bằng sợi carbon tại khu công nghệ cao Tp. Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD, dự kiến hoàn thành giai đoạn I trong quý IV năm 2022 và đưa giai đoạn II vào hoạt động 100% trong năm 2025.
Mặc dù vậy, những gì mà Arevo và dự án xe đạp in 3D sợi carbon phải đối mặt sau đó là những năm đại dịch Covid-19 kéo dài, chiến tranh và suy thoái kinh tế toàn cầu. Tất cả những yếu tố trên đã khiến mục tiêu hoàn thành giao hàng cho những người ủng hộ của Arevo bị kéo dài cả năm thay vì hàng tháng như công ty đã thông báo.
Trong thông báo mới nhất, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM đã chấm dứt hoạt động Dự án đầu tư sản xuất máy in 3D và dịch vụ phần mềm, dịch vụ sản xuất sản phẩm trên các máy in 3D sử dụng vật liệu polyme sợi carbon của Công ty TNHH Arevo Việt Nam trên hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài. Trước đó, BQL KCN cao TP.HCM trao chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án của Arevo với tổng vốn đầu tư 19,5 triệu USD.
Nguyên nhân dẫn đến chấm dứt hoạt động của Arevo Việt Nam là vì nhà đầu tư chưa thể sản xuất vật liệu carbon dẫn tới tăng chi phí, tạo ra thành phẩm không thể cạnh tranh trên thị trường và do dịch bệnh mà công ty không còn khả năng duy trì đội ngũ nghiên cứu và phát triển.
Sau khi dự án của Arevo dừng hoạt động, những người góp vốn vào dự án này sẽ ra sao là câu hỏi của rất nhiều người từng có ý định góp vốn.
Trong bài phỏng vấn với báo Thanh Niên gần đây, bà Lê Diệp Kiều Trang khẳng định: “Sản phẩm Arevo cho đến nay vẫn đang trong quá trình nghiên cứu phát triển, chưa đến giai đoạn thương mại hoá, vì thế chắc chắn còn rất nhiều khiếm khuyết”.
Nếu nhận thức được điều này, có thể nhiều người sẽ tránh được việc đặt kỳ vọng quá cao, nhờ đó sẽ không quá thất vọng khi sản phẩm thực tế không hoàn hảo.
Cũng theo bà Trang, khi làm ra được sản phẩm, công ty sẽ "tặng" lại cho các nhà tài trợ những sản phẩm đầu tay của mình. Vì đây là khoản tài trợ cho một dự án còn rất nhiều rủi ro, có rất nhiều công ty/dự án không đến được đích cuối cùng và nhà tài trợ không bao giờ nhận được sản phẩm.
Các "nhà tài trợ" này trước khi ủng hộ tiền, đều đã đồng ý với Indiegogo, họ hiểu đây là những khoản "tài trợ". Cũng có nhiều dự án phải mất một thời gian khá lâu mới ra được sản phẩm. Và hầu hết những sản phẩm này là những sản phẩm đầu tiên được nghiên cứu và phát triển, có thể sẽ không hoàn thiện như sản phẩm sau này bán trên thị trường bán lẻ.
Bà Lê Diệp Kiều Trang cũng khẳng định trên trang Facebook cá nhân: “100% người tài trợ tại Việt Nam đã nhận được sản phẩm, hoặc đang chờ xuất khẩu tại chỗ”.
Vào tháng 2/2023, ông Sonny Vu cho biết đã có 96% những người ủng hộ dự án Superstrata qua nền tảng Indiegogo nhận được sản phẩm với 3.031 chiếc xe đạp và xe đạp điện in bằng công nghệ 3D được cá nhân hoá giao cho 2.858 cá nhân.
Khi một số người dùng hỏi số tiền huy động vốn đã được dùng vào mục đích gì, cựu CEO Facebook Việt Nam cũng ngay lập tức lên tiếng giải thích.
“Tiền đã đổ hết vào nhà máy sản xuất, phụ tùng xe đạp, chi phí “ba tại chỗ”, chi phí vận tải tăng gấp nhiều lần sau Covid khi nhập nguyên liệu đầu vào, lương kỹ sư công nhân,…”, bà Trang nói.
Ngoài ra, bà Trang cũng nói thêm, nếu các bạn thật sự là nhà tài trợ cho dự án này hãy liên hệ công ty theo kênh hỗ trợ để được giải quyết.
Nói về việc vì sao “block” người dùng trên trang cá nhân, bà Trang chia sẻ: “Mình tôn trọng các ý kiến trái chiều, tuy nhiên những comments mang tính công kích cá nhân, mình sẽ hide/ block để đảm bảo không phiền bạn bè và cộng đồng của mình”.
Như vậy, theo như những gì bà Trang nói thì tất cả những người góp vốn được hiểu là khoản “tài trợ” ở Việt Nam đã nhận lại đủ sản phẩm “tặng” và trên nền tảng Indiegogo đã có 96% người dùng đã nhận sản phẩm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.