Suốt nhiều năm qua, bếp than tổ ong đến giờ vẫn được nhiều người dân Hà Nội, đặc biệt là những hộ kinh doanh ăn uống sử dụng làm công cụ đun nấu chính.
Giá thành rẻ, hiệu quả lại cao nên bếp than tổ ong được chủ các cửa hàng ăn uống vỉa hè ưa chuộng, sắm từ 1 - 2 chiếc.
Không khó để bắt gặp cảnh những chiếc bếp than được đặt ngay ra vỉa hè để đun nước, nấu ăn ở đường phố Hà Nội.
Thậm chí, có những quán dùng đến 4-5 bếp than một lúc, bày la liệt từ trong ra ngoài.
Việc quá nhiều bếp than tổ ong được sử dụng hàng ngày gây ảnh hưởng đến không khí và đời sống, sức khỏe người dân.
Theo khảo sát của Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, toàn thành phố có khoảng 55.000 bếp than tổ ong.
Theo ông Mai Trọng Thái, chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, với số bếp than tổ ong nên trên, mỗi ngày Hà Nội tiêu thụ khoảng 528,2 tấn than, phát thải 1.870 tấn khí CO2 tương đương vào bầu không khí.
Những trường hợp nướng thức ăn trực tiếp bằng than tổ ong có thể dẫn đến ngộ độc khí than hoặc làm các chất trong thức ăn chuyển hóa thành các chất hữu cơ độc hại, có nguy cơ gây ung thư.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung vừa ký ban hành chỉ thị về việc thay thế, loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Thành phố Hà Nội cũng xác định lộ trình hỗ trợ người dân loại bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020, chuyển sang các loại bếp khác an toàn, thân thiện với môi trường. Từ năm 2021 sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong. Đặc biệt có cơ chế chính sách hỗ trợ để các cơ sở sản xuất kinh doanh than tổ ong chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, báo cáo UBND thành phố trước ngày 30/6/2020 để xem xét quyết định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.