Người làm than tổ ong lo lắng, tính kế lui sau lệnh cấm từ năm 2021

Ngọc Hải Thứ hai, ngày 04/11/2019 14:00 PM (GMT+7)
Trước lộ trình cấm dùng bếp than tổ ong, nhiều hộ kinh doanh và sản xuất than tổ ong ở Hà Nội đã bán tháo máy móc để chuyển nghề, bên cạnh đó vẫn còn nhiều hộ cố bám trụ với công việc và mất phương hướng về việc làm sau khi nghỉ sản xuất than tổ ong.
Bình luận 0

Video: Người sản xuất than tổ ong nói về việc cấm sử dụng loại nhiên liệu này.

img

Đã có hơn 10 năm làm nghề buôn bán và sản xuất than tổ ong, gia đình ông Nguyễn Viết Hùng (50 tuổi) trú tại phường Thượng Thanh, quận Long Biên (Hà Nội) hiện đang phải đối mặt với nguy cơ mất nghề khi mới đây, UBND TP Hà Nội ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường trên địa bàn thành phố. Thành phố Hà Nội xác định lộ trình hỗ trợ người dân loại bỏ bếp than tổ ong đến hết năm 2020, từ năm 2021 sẽ áp dụng hình thức xử phạt đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường do sử dụng than tổ ong.

img

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Nguyễn Viết Hùng, chủ cơ sở sản xuất than tổ ong chia sẻ: "Gia đình từ quê ra đây lập nghiệp bằng nghề này đã gần 10 năm, gần đây khi nghe tin chuẩn bị cấm dùng than tổ ong để đốt trong thành phố tôi đã phải bán máy móc để ngừng sản xuất. Không chỉ riêng gia đình tôi, nhiều hộ làm ở Long Biên cũng đã bán hết máy móc để chuyển ngành nghề. Giờ đây chúng tôi chỉ nhập than về để bán lẻ vớt vát được ngày nào hay ngày đấy".

img

Khi được hỏi về công việc mới sau khi nghỉ làm than tổ ong, ông Hùng ngậm ngùi nói: "Nhà nước cấm rồi thì mình phải làm theo, với cả thị trường tiêu thụ bây giờ cũng giảm rồi. Tôi định sau khi không làm nghề này nữa sẽ chuyển sang làm bảo vệ, kiếm lương mỗi tháng cho ổn định kiếm vài đồng ra vào dưỡng già chứ không biết làm gì nữa".

img

Truớc kia, ngày nào vợ ông Hùng cũng chở hàng xe đầy than đem đi bán mang lại thu nhập ổn định cho gia đình. "Thời gian trước mỗi ngày tôi phải chở 4-5 lượt xe đầy đi phân phối cho các đại lý, chưa kể người ta tự đem xe đến trở về. Trung bình trước đây mỗi ngày nhà tôi bán khoảng 3.000 viên nhưng giờ đây bán giỏi lắm chỉ được 1.000 viên. Một phần cũng do người dân có kinh tế không dùng than nữa và phần lý do vẫn vì chính sách không dùng than tổ ong bảo vệ môi trường", vợ ông Hùng nói.

img

Cũng trên địa bàn phường Thượng Thanh, duy nhất chỉ còn gia đình ông Luận vẫn còn sản xuất than tổ ong và phân phối đi khắp vùng. Hiện tại hàng ngày các nhân viên của ông vẫn miệt mài sản xuất ra hàng nghìn viên than để đem đi bán.

img

Được biết, xưởng sản xuất của ông Luận trước kia có 3 nhân viên làm chính, nhưng hiện nay chỉ còn 2 nhân viên do nhu cầu dùng than tổ ong giảm mạnh và giá nhập nguyên liệu từ Quảng Ninh quá cao nên ông phải cắt giảm nhân sự. "Đợt trước than tổ ông còn thịnh hành thì tôi có 3-4 nhân viên nhưng giờ bán kém rồi, đầu vào thì đắt mà đầu ra thì thấp nên tôi phải cắt giảm nhân sự và sắp tới cũng tính đến chuyện đóng cửa", ông Luận chia sẻ.

img

Theo ông Luận, trước đây nơi này luôn đông đúc người làm lẫn người mua than tổ ong, nhưng giờ đây đã giảm nhiều trong 1-2 năm trở lại đây.

img

Nhắc đến chuyện cấm sử dụng than tổ ong trong thời gian sắp tới để bảo vệ môi trường, ông Luận trầm giọng: "Tôi cũng nghe được thông tin trên báo đài, các hộ bán than lân cận cũng đã tạm dừng sản xuất nhưng tôi vẫn phải cố gắng sản xuất và phân phối than đến hết năm nay rồi sẽ đóng cửa. Số than tôi nhập về để sản xuất vẫn còn dư nhiều nên cố gắng sản xuất để thu hồi vốn".

img

"Gắn bó với công việc này đã lâu rồi, sắp tới mà không làm nữa tôi sẽ đi làm xây dựng hoặc bảo vệ để kiếm đồng ra vào cho các con còn ăn học. Còn hai nhân viên chắc họ phải về quê làm ruộng hoặc phải kiếm một công việc khác thôi", ông Luận nghẹn lời.

img

Việc xóa sổ cơ sản xuất than tổ ong không chỉ khiến chủ cơ sở lo lắng, người lao động cũng không tránh khỏi nỗi hoang mang. Với nhiều người từ lâu đã gắn bó với nghề này, đây là nghề mưu sinh phù hợp với khả năng của họ.

img

Một nhân viên làm than cho xưởng của ông Luận cho hay, sau khi xưởng đóng cửa anh sẽ về quê làm ruộng hoặc kiếm một công việc tay chân khác để có tiền gửi về quê cho các con ăn học.

img

Trước đó, để tiếp tục thực hiện nghị quyết của Thành ủy, HĐND và UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp việc thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.

img

UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch thay thế và loại bỏ toàn bộ việc sử dụng than tổ ong và bếp than tổ ong làm nhiên liệu trong sinh hoạt, kinh doanh dịch vụ trên địa bàn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem