Chiều 16/1 (ngày 22 tháng Chạp) người dân bắt đầu đến các điểm thả cá ở Hà Nội như hồ Tây, cầu Long Biên, cầu Chương Dương… tiễn ông Công ông Táo về trời. Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, năm nay số lượng người đến thả cá vào thời điểm này không đông như những năm trước.
Người Hà Nội đa số chọn mua cá chép đỏ để cúng lễ ông Công ông Táo.
Sau khi thả cá chép xong, đa số người dân rất ý thức để túi ni lông đúng chỗ, không có tình trạng rác thải bừa bãi như mọi năm.
Hội Phụ nữ phường Bưởi (Quận Tây Hồ) phối hợp với Đoàn thanh niên tổ chức thu gom rác thải tại các điểm có đông người dân.
Ông Nguyễn Văn Thái cho biết: “Theo thói quen, tôi đến thả cá chép định thả luôn cả túi ni lông kèm tro nhưng chưa kịp thả thì đã bị nhắc nhở chỉ được thả cá, không được thả tro hay túi ni lông xuống hồ.”
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, mặt nước hồ Tây ngày hôm nay luôn trong tình trạng sạch sẽ bởi các tình nguyện viên luôn túc trực và sẵn sàng vớt rác nếu có.
“Người thả, người câu” hình ảnh thường thấy tại mỗi điểm thả cá ở Hồ Tây.
Tại cầu Chương Dương cũng đã xuất hiện lác đác vài người thả cá và cùng với đó, túi đựng rác của các đội tình nguyện viên cũng dàn trải khắp cầu.
Phía đối diện, cầu Long Biên xuất hiện khá đông các bạn trẻ tình nguyện tới từ các trường cấp 3 trên địa bàn quận Long Biên đang hướng dẫn và thả cả giúp người dân.
Cá được các tình nguyện viên cho vào xô và thả từ từ xuống nước, như vậy sẽ làm cho các “phương tiện đi lại của táo quân” còn nguyên vẹn khi về trời.
“Chúng em tham gia tình nguyện bởi muốn tuyên truyền cho người dân thả cá, không thả túi nilon, tro bụi để bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó các thành viên trong nhóm cũng kêu gọi và hỗ trợ người dân trong việc thả cá”, một tình nguyện viên chia sẻ.
Năm nay ý thức thả cá người dân đã được nâng cao và với sự giúp đỡ từ các tổ chức chính trị - xã hội, mặt nước sông, hồ tại Hà Nội vẫn luôn sạch sẽ, chưa xuất hiện tình trạng rác thải, ô nhiễm môi trường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.