Người Hồi giáo ở Ukraine đối mặt với tháng lễ Ramadan đầy khó khăn

Lê Phương (Aljazeera) Thứ bảy, ngày 02/04/2022 07:33 AM (GMT+7)
Người Hồi giáo ở Ukraine phải đối mặt với một tháng Ramadan khó khăn trong bối cảnh xung đột Moscow - Kiev tiếp tục căng thẳng. Nhiều người trong số họ quyết định lên kế hoạch gây quỹ hỗ trợ những người gặp khó khăn.
Bình luận 0
Người Hồi giáo ở Ukraine đối mặt với tháng lễ Ramadan đầy khó khăn - Ảnh 1.

Người Hồi giáo ở Ukraine bị ảnh hưởng như thế nào bởi chiến sự? Ảnh: Aljazeera

Niyara Nimatova, một người Tatar Crimea và là lãnh đạo của Liên đoàn Hồi giáo Ukraine cho biết: "Chúng tôi phải điều chỉnh lại mọi thứ".

Vào ngày đầu tiên của tháng ăn chay, cô dự định chuẩn bị bữa tối Iftar với một nhóm các gia đình tị nạn tại trung tâm Hồi giáo ở Chernivtsi.

"Nhiều người Hồi giáo đã ra nước ngoài, có những người vẫn ở Ukraine và họ cần được hỗ trợ", Nimatova cho biết.

Năm tuần sau khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, hơn 10 triệu người đã bị buộc phải rời khỏi nhà của mình, trong đó có khoảng 4 triệu người chạy ra nước ngoài, theo Liên Hợp Quốc.

Người Hồi giáo chiếm khoảng 1% dân số ở Ukraine. Trước chiến sự, Ukraine là nơi sinh sống của hơn 20.000 công dân Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như một số người dân tộc Turk, chủ yếu là người Tatar Crimea.

Việc chuẩn bị cho tháng Ramadan năm nay rất khó khăn và nhiều cảm xúc, khi bom đạn trút xuống đất nước và lệnh giới nghiêm được đặt ra, hạn chế di chuyển vào ban đêm. Bị chia cắt bởi chiến sự, nhiều người cũng phải xa nhà, xa gia đình bạn bè, tuy nhiên họ vẫn quyết tâm tận dụng tối đa thời gian diễn ra lễ hội.

"Chúng tôi sẵn sàng làm mọi thứ để nhận được sự tha thứ của Chúa, cầu nguyện cho gia đình chúng tôi, linh hồn chúng tôi, đất nước của chúng tôi, Ukraine", Nimatova nói.

"Chúng tôi sẽ chia sẻ bánh mì của mình"

Là một người Tatar Crimea, Nimatova đã từng đi tị nạn trước đây. Khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea phía nam vào năm 2014, cô và gia đình buộc phải chạy trốn đến Zaporizhzhia.

"Khi sống ở Crimea, chúng tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ phải rời đi. Khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, chúng tôi nhận ra rằng không thể tiếp tục các hoạt động tôn giáo của mình, vì vậy chúng tôi đã rời đi".

Nimatova cho biết cô đã phải thay đổi nhiều kế hoạch cho tháng Ramadan năm nay, bao gồm các bài học về tôn giáo, mặc dù một số sẽ được chuyển sang hình thức trực tuyến.

"Ở Zaporizhzhia, cộng đồng Hồi giáo rất đa dạng. Có nhiều quốc tịch khác nhau và mọi người đều chuẩn bị các món ăn dân tộc của họ. Chúng tôi sẽ ăn biryanis của Ấn Độ, một loại bánh mantsev của Palestine hoặc plov của người Uzbekistan", cô nói.

"Chúng tôi phải sống trong cảnh lẩn trốn khi nghe thấy tiếng còi. Chúng tôi không biết ngày mai sẽ ra sao. Đó thực sự là một khó khăn về mặt tâm lý. Có vẻ như chúng tôi đã già đi 10 tuổi kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu".

Isa Celebi, một người bán rèm Thổ Nhĩ Kỳ sống ở Ukraine từ năm 2010, cho biết tháng Ramadan năm nay sẽ có nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, một số người "thậm chí còn phải sống trong ô tô".

"Ngôi nhà của chúng tôi luôn mở cửa cho mọi người trong tháng Ramadan. Chúng tôi sẽ chia sẻ bánh mì của mình", ông nói và cho biết thêm rằng việc dự trữ thực phẩm gặp khá nhiều khó khăn.

"Chiến sự đã ảnh hưởng nặng nề đến chúng tôi và chúng tôi đang phải vật lộn để tồn tại. Công việc kinh doanh của tôi ngừng hoàn toàn. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng mọi thứ rồi cũng sẽ đến lúc kết thúc, có thể trong một năm, có thể trong hai năm, nhưng những ngày tốt đẹp sẽ trở lại. Đó là lý do tại sao tôi sẽ không rời khỏi đất nước này".

Khi bắt đầu chiến sự, Celebi đã giúp sơ tán 400 người Thổ Nhĩ Kỳ, Hồi giáo và Ukraine khỏi Vinnytsia ở miền tây Ukraine. Giờ đây, ông đang giúp đỡ 1.000 trẻ mồ côi đang ở tại Tu viện Banchenskyy gần đó.

"Những đứa trẻ này thật bất hạnh. Tôi muốn tặng chúng tất cả zakat (tiền quyên góp) của chúng tôi trong năm nay", ông nói. "Người Ukraine là những người tốt. Chúng tôi sẽ giúp họ đối mặt với thử thách này".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem