Người hùng "nhí" cứu bé 1 tuổi thoát ngôi nhà cháy

Chủ nhật, ngày 29/05/2011 06:54 AM (GMT+7)
Lúc phát hiện nhà cháy, em nghe tiếng khóc của con nít. Lúc đó không biết sợ là gì nữa, cứ chạy tìm tiếng khóc thôi. Câu chuyện cứu người dũng cảm của em Hồ Văn Bản (dân tộc Vân Kiều, học sinh lớp 8, trường THCS Linh Thượng, H.Gio Linh, Quảng Trị) chỉ giản dị như vậy.
Bình luận 0

"Lúc đó, không biết sợ là gì"

Chúng tôi đến nhà Hồ Văn Bản vài ngày sau khi em được tỉnh Quảng Trị vinh danh vì đã cứu em nhỏ một tuổi ra khỏi ngôi nhà đang cháy. Ngôi nhà sàn nằm cheo leo trên triền dốc. Dưới gầm sàn là những củ sắn nằm lăn lóc mà bố mẹ Bản mới đưa từ rẫy về vẫn còn đầy mủ. Bản ngồi bóc vỏ sắn.

“Bản giỏi quá nhỉ, em đang chuẩn bị bữa cơm cho cả nhà à?”. “Dạ, có chi mà giỏi anh. Hồi còn học lớp 3, lớp 4 em phải gùi sắn, củ đậu từ rừng sâu về nhà. Đói và mệt lả cũng phải cố bóc vỏ bỏ lên nồi mà nấu. Không gắng thì cả nhà nhịn đói”, Bản vừa bổ sắn vừa trả lời.

Không ngạc nhiên trước câu hỏi, em bắt đầu kể lại câu chuyện cũ: "Em đạp xe tới nhà chị Hồ Thị Thăn mua sữa. Từ xa, em nhìn thấy ngôi nhà bốc khói nghi ngút. Khi em tới gần ngôi nhà, chị Thăn lao ra khỏi cửa, mặt mày đen nhẻm, tóc bị cháy xém, giọng lạc đi "cứu, cứu".

img
Bản giờ được coi như anh trai của bé Như

Nghe thấy tiếng trẻ con khóc, em thả xe đạp, chạy vào nhà, theo hướng tiếng khóc của đứa trẻ. Sau đó, em quơ chiếc áo, quấn quanh người em bé, rồi ôm em chạy nhanh ra khỏi ngôi nhà. Em vừa chạy ra khỏi nhà thì căn nhà đổ sụp”.

Câu chuyện được thuật lại đều đều. Giọng nói của Bản không có gì thay đổi. Em bảo em đã kể chuyện này nhiều lần.

“Lúc phát hiện nhà cháy, em nghĩ không biết còn ai trong nhà không. Ý nghĩ đó vừa xuất hiện, em nghe tiếng khóc của con nít. Lúc đó không biết sợ là gì nữa, cứ chạy tìm tiếng khóc thôi" – Bản nói.

Bản "người hùng"

Đến bản Khe Me hỏi Hồ Văn Bản, những đứa trẻ cùng lứa gọi đùa: Bản “người hùng” à, hiền lắm, giỏi giang lắm.

Gia đình anh Hồ Văn Biên và chị Hồ Thị Thăn đều xem Bản là anh trai của cháu Hồ Thị Như, bé gái được Bản cứu. Chị Thăn cũng là người dân tộc, chưa quen nói tiếng phổ thông, đặc biệt là trước cánh báo giới. Chị nói giản dị: "Giờ chúng tôi coi Bản như con trong nhà. Không có Bản, bé Như đã không thể thoát chết".

Nhưng khi nói chuyện với chúng tôi, hai tay chị Thăn xoa xoa đầu Bản, đôi mặt nhìn một cách trìu mến. Chẳng có câu nói nào thể hiện nhiều tình thương và lòng biết ơn nhiều hơn thế.

Những ngày này, người dân ở bản Khe Me thường đến nhà Bản chơi, họ cười nói, chúc mừng, xoa đầu, vuốt tóc Bản rất thân thiện. Họ xem Bản như người con dũng cảm nhất của xứ này.

Câu chuyện Bản cứu người đã thành đề tài bàn tán đối với nhiều học sinh từ thành phố đến nông thôn. Những câu hỏi ngây thơ mà “thời sự” đặt ra rồi tự trả lời rằng, không biết rơi vào trường hợp của mình, mình có làm được như Bản hay không?

Khi được hỏi câu hỏi tương tự, Bản cười hiền lành rồi gật đầu : “Em thật sự hạnh phúc khi làm được một việc tốt. Lúc đó lửa rất to, quả thật em cũng không nghĩ mình có thể làm tốt như vậy. Em không phải người hùng mô, mọi đứa trẻ ngang tuổi em ở bản này đều hành động như vậy, có riêng gì em".

Lũ trẻ nhỏ hơn không băn khoăn nhiều như thế. Chúng đến xem và trầm trồ về chiếc xe đạp mới toanh mà Bản vừa được tặng. Và chúng bắt chước gọi anh Bản là "người hùng".

Theo Bee 
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem