Những chuyến xe mai táng “0 đồng” - Bài 1: Chung tay lo hậu sự cho nạn nhân Covid-19
Những chuyến xe mai táng “0 đồng” cho nạn nhân Covid-19 - Bài 1: Vượt qua nỗi sợ hãi
Chinh Hoàng
Thứ hai, ngày 04/10/2021 07:00 AM (GMT+7)
Những chuyến xe mai táng “0 đồng” (lo hậu sự cho nạn nhân Covid-19) được thành lập và vận hành bởi nhóm thiện nguyện Nhất Tâm, trong giai đoạn TP.HCM là tâm điểm của dịch bệnh.
Nhận thấy sự quá tải xe chở bệnh nhân, cũng như xe chở những người đã khuất vì Covid-19, giữa tâm điểm dịch bệnh ở TP.HCM, trưởng đội thiện nguyện Nhất Tâm - anh Trần Thanh Long - đã tổ chức họp bàn với anh em trong nhóm, quyết định thành lập chuyến xe "0 đồng" để lo hậu sự cho những người đã mất vì Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Theo chân những chuyến xe
18h, điện thoại chị Hà rung lên: "Hương linh Trần Ái Khâm, SN 1954, nơi mất: 2385/40A/9 Phạm Thế Hiển, phường 6, quận 8. Nơi đến: Cổng KCN Tân Bình". Nhận tin nhắn trả lời xong, chị Hà quay sang gọi 6 đồng nghiệp cùng lên đường.
Ngay sau đó, 6 người tức tốc mặc đồ bảo hộ kín mít cùng chị Hà lên xe, đến con hẻm trên đường Phạm Thế Hiển (quận 8), nơi có người mới mất vì Covid-19.
Trưởng nhóm mai táng "0 đồng" Nguyễn Thanh Thái Hà (32 tuổi) cho biết, chị tham gia vào đội thiện nguyện Nhất Tâm từ rất lâu.
Lúc mới tham gia vào đội, công việc đầu tiên của chị ở đây là phụ bếp, nấu ăn, rồi đi phát cơm cho bà con ở các bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Tiếp đến, chị đi hỗ trợ phát lương thực, thực phẩm cho bà con nghèo hay tiếp tế oxy cho bệnh nhân mắc Covid-19.
Chị Hà kể, mai táng không phải là công việc chuyên trách của chị cũng như tất cả các anh em ở đây. Tuy nhiên, khi nghe đội trưởng Trần Thanh Long đề cập đến vấn đề đưa xe cứu thương chở nạn nhân Covid-19 đi mai táng, chị cùng với anh em trong nhóm đã đồng ý, hưởng ứng hoàn toàn.
Công việc hiện tại của chị Hà khi theo chuyến xe mai táng "0 đồng" là trực tiếp nghe điện thoại, kết nối với người nhà nạn nhân, tìm điểm đến và hỗ trợ cho anh em trong nhóm.
Những ngày đầu theo xe chở nạn nhân Covid-19 đi mai táng, vì chưa thực sự quen với công việc này, chị đã có lúc không ngủ được vì ám ảnh.
"Tôi đã rất khiếp sợ, khi tận mắt chứng kiến những người mất vì Covid-19. Nhìn họ thật đáng thương, khi đã khuất mà không có bất cứ một người thân bên cạnh", chị Hà nghẹn giọng.
Theo chị Hà, mấy ngày đầu luôn ám ảnh như vậy. Nhưng khi số ca tử vong ngày càng tăng, lên đỉnh điểm có ngày hơn 20 ca, chị không còn cảm giác đó nữa.
"Làm riết rồi cũng quen thôi. Tuy không còn sợ như lúc trước, nhưng buồn lắm. Nhìn họ mất đi mà mình xót ruột. Có người thân bên cạnh còn đỡ, nhiều trường hợp ra đi một mình, trơ trọi, đau xót lắm!", chị Hà xúc động kể.
Chị Hà nói, có nhiều lúc cũng mệt mỏi và áp lực, nhưng không phải vì công việc mai táng, hay do tần suất quá lớn. Đối với chị, mệt và đau thương nhất là khi nhìn con số người liên tục mất đi vì Covid-19.
"Tôi chỉ biết cố gắng hết sức mình để giúp cho gia đình những nạn nhân Covid-19 được an ủi phần nào tốt phần đó thôi", giọng chị đượm buồn.
Vượt qua nỗi sợ
Cũng là đồng đội với chị Hà là anh Trương Văn Thịnh (31 tuổi, ngụ tại quận7). Trên chuyến xe mai táng "0 đồng", ban đầu khi số thành viên vẫn còn ít, anh có nhiệm vụ khuân vác thi thể bệnh nhân mất vì Covid-19.
Anh Thịnh nói, người mất thì ai cũng sợ. Nhưng đối với anh, đáng sợ nhất là những ca người ta mất đi không ai hay biết.
"Thi thể bị phân hủy nặng, bốc mùi... Tôi nghĩ phải mất hơn cả tuần rồi mới có người phát hiện. Khi anh em đến nơi, thấy vậy cũng nhác tay, không dám đến gần. Nhưng vì nhiệm vụ và lương tâm của mình mà phải hoàn thành thôi", anh Thịnh giọng run run.
Theo anh Thịnh, trên hành trình chuyến xe chở người bị Covid-19 đi mai táng, khó khăn nhất là có những ca, người mất nằm tận lầu 6. Cả nhóm của anh khi khâm liệm xong, phải cõng xác xuống vì cầu thang nhỏ, hẹp băng ca thì dài không thể xuống được.
Buộc lòng anh em trong nhóm phải cõng người mất trên lưng xuống nhẹ nhàng từng bậc thang một.
"Khi cõng bệnh nhân trên tầng cao xuống, có lúc tôi tưởng tim tôi "đứng" rồi vì rất mệt. Người mất nặng lắm. Anh em ai cũng vất vả lắm nhưng không nề hà bao giờ", anh Thịnh bộc bạch.
Chia sẻ về những kỷ niệm đáng nhớ đối với anh trong những chuyến đi mai táng, anh Thịnh bảo: "Đáng nhớ nhất có lẽ là những chuyến đi ở huyện Bình Chánh, Nhà Bè, anh em tôi đi bộ khoảng 700-800 mét. Lúc đó mệt lắm, đi vậy, chúng tôi phải thay phiên nhau. Một đội đi chỉ có 5, 6 người, 1 người rinh đồ, 4 người khiêng áo quan ra. Người nào mệt thì người dự bị sẽ thay thế".
Khiếp sợ vì mùi người chết, mệt vì đau thương. Tuy nhiên, cả nhóm ai cũng cố gắng hết sức giúp đỡ cho nạn nhân Covid-19. Bởi theo lời anh Thịnh nói: "Nếu họ có người thân hay họ không khó khăn thì không đến lượt chúng tôi phải lo".
Anh Trần Thanh Long (người đứng đầu nhóm thiện nguyện Nhất Tâm) cho biết, mai táng "0 đồng" không phải mới đây mà nhóm thiện nguyện Nhất Tâm đã làm trong nhiều năm. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 thứ 4 ở TP.HCM, đến thời điểm hiện tại, nhóm đã hỗ trợ mai táng cho nạn nhân Covid-19 khoảng 400 ca.
Nhóm chia thành 3 đội, mỗi đội khoảng 6 đến 7 người, lúc có quá nhiều ca thì chỉ có 5 người. Trong giai đoạn có chỉ thị 16, và 16 tăng cường, di chuyển từ quận này qua quận khác bị hạn chế, việc làm thủ tục khâm liệm cho người mất vì Covid-19 phải được Ban chỉ huy quân sự đồng ý, các anh mới làm.
"Tuỳ trường hợp, người nhà có giấy chứng tử thì làm liền. Có hôm, anh em chúng tôi nhận ca và hỗ trợ mai táng đến 3-4h sáng. Người mất vì Covid-19 hay bệnh khác, chúng tôi đều lo tất cả chi phí cho gia đình", anh Long cho biết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.