Bé bị bỏng nước sôi đang được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng TP. Ảnh: BSCC
Theo đó, trường hợp thứ nhất là bé gái V.H.G (10 tháng tuổi, ngụ Tiền Giang) ngồi trong xe tập đi, bé vươn người đến bàn kéo dây điện bình đun nước siêu tốc khiến nước sôi đổ lên người gây bỏng mặt, ngực, tay, chân phải. Diện tích bỏng khoảng 40%.
Trường hợp thứ 2 là bé gái T.N.T.V (6 tháng tuổi, ngụ Đồng Nai) bị bỏng cồn. Theo gia đình, trước đó, bé được bà bế, vừa bế vừa nướng mực bằng cồn. Khi người bà châm thêm cồn thì bị bắt lửa cháy vào mặt, ngực và tứ chi của bé.
BSCK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cho biết, cả 2 bé khi nhập viện đều trong tình trạng sốc, mạch nhẹ, chi mát, huyết áp khó đo. Bé V bỏng khoảng 35% diện tích.
"Các bác sĩ đã truyền dịch chống sốc, hỗ trợ hô hấp, dùng thuốc giảm đau và chăm sóc vết thương bỏng. Sau đó, chuyển đến Khoa Hồi sức ngoại tiếp tục theo dõi, chăm sóc vết thương kết hợp với dinh dưỡng hợp lý. Sau hơn một tuần điều trị, tình trạng vết thương cải thiện", bác sĩ Tiến thông tin.
Các bác sĩ lưu ý phụ huynh cần cẩn thận trong công việc sinh hoạt hàng ngày ở nhà. Mọi hành vi, động tác, hành động của người lớn có thể gây nguy cơ tổn thương đối với trẻ nhỏ.
"Để an toàn cho trẻ nhỏ tại nhà, phụ huynh không để các đồ dùng nóng, sôi, bàn ủi nóng, pô xe mới hoạt động về, chai lọ hóa chất, thuốc diệt chuột, côn trùng, thuốc uống điều trị, ổ điện… ở ngang tầm với của trẻ. Bên cạnh đó, tại nhà tắm không để xô có nước vì trẻ có thể té vào, hạn chế tủ bàn ghế… có thể ngã đè trẻ", bác sĩ Tiến nói.
Ngoài ra, khi trẻ bị bỏng nước sôi hay lửa, cần đưa trẻ ra nơi an toàn, xối nước sạch lên chỗ vết thương cho trẻ bớt đau, rồi nhanh chóng đưa trẻ tới bệnh viện để được cấp cứu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.