Hồi rằm tháng Bảy, trang web của Giáo hội Phật giáo có bài “Sáu lý do không nên đốt vàng mã trong ngày Rằm”. Hòa thượng Thích Thanh Tứ từng trả lời báo: “Âm - dương là hai thế giới hoàn toàn khác nhau, không thể cảm nhận được, huống chi chuyện ‘gửi’ và ‘nhận quà’. Nếu con cháu trên trần gian đốt quá nhiều vàng mã, mổ gà, lợn là làm trái với giáo lý nhà Phật. Không chỉ người trần có lỗi lãng phí, sát sinh quá nhiều mà người cõi âm cũng phải chịu tội - khó siêu thoát...”.
Dù ai nói ngả nói nghiêng thì người Việt vẫn đốt vàng mã đều đều. Tuyệt đại đa số chúng ta rất ngại động não, thấy xung quanh sao, thôi mình làm vậy. Người Việt có khả năng đơn giản hóa mọi chuyện. Chỉ một câu “trần sao âm vậy” là xong. Ai có tiền đến đâu, đốt đến đấy. Thử hỏi người âm có nhận được các thứ hàng mã kia không, người Việt sẽ đưa ngay ra các giấc mơ để bảo chứng, kiểu như “cụ về bảo sao mày có tiền sắm ô tô mà không đốt tao cái”.
Định dạng đồ mã hoàn toàn do người dương kiểm soát, có sao người âm hưởng vậy. Nói chung đã chết rồi thì cũng đừng nên đòi hỏi nhiều phỏng?! Sống còn bị đầu độc hằng ngày cơ mà. Có lẽ phải đến 90% thực phẩm chúng ta đang ăn đều nhiễm độc, nhiễm bẩn mà chúng ta vẫn phải chịu.
Chất lượng sản phẩm hoàn toàn do người sản xuất, người bán kiểm soát. Chúng ta có sao ăn vậy. Không hiểu người âm nhận được đồ xấu, kém chất lượng có về trù úm người dương. Chứ người dương với nhau thì chịu đấy. Thôi thì ăn mỗi thứ một tí cho các chất độc tự trung hòa (!)
Dịp Tết, hàng mã và thực phẩm chắc bán chạy như nhau. Những thứ bánh mứt kẹo “ba không” (không nhãn mác, không xuất xứ, không hạn dùng) mà dân ta vẫn tiêu thụ cũng chỉ dựa trên cái mã xanh đỏ bề ngoài đó thôi.
Nếu người mua không đại khái, cơ quan kiểm soát an toàn thực phẩm không qua loa… đã chẳng đến nỗi. Tiêu thụ đồ (chỉ được cái) mã liên miên thế, chúng mình thành người mã không chả biết, chỉ thấy thực tế tỷ lệ ung thư ngày càng tăng…
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.