Người Mã Liềng làm chủ rừng

Thứ ba, ngày 27/08/2013 10:37 AM (GMT+7)
Từ nay trở đi, người Mã Liềng đã trở thành chủ nhân thực sự của rừng khi được chính quyền giao 700ha đất rừng…
Bình luận 0
Bao đời rồi, người Mã Liềng ở xã Lâm Hoá, huyện Tuyên Hoá, tỉnh Quảng Bình chỉ biết khai thác tài nguyên rừng để đắp đổi cuộc sống qua ngày. Nhưng từ giờ trở đi, họ đã trở thành chủ nhân thực sự của rừng khi được chính quyền giao 700ha đất rừng…

Sống nghèo bên rừng vàng

Người Mã Liềng ở Lâm Hóa hiện có khoảng 100 hộ với gần 350 khẩu sống tập trung tại 3 bản Kè, bản Cáo và bản Chuối. Ông Trương Tư Thoan – Bí thư Đảng uỷ xã Lâm Hoá cho biết: Trước đây, người Mã Liềng sống du canh, du cư trong rừng sâu bằng việc săn bắt, hái lượm. Những năm gần đây, nhờ sự giúp đỡ của các chương trình dự án của Nhà nước, người Mã Liềng đã sống định cư. Tuy nhiên, do thiếu đất sản xuất nên cuộc sống của người Mã Liềng vẫn hoàn toàn phụ thuộc vào rừng và hỗ trợ gạo của Chính phủ.

Người Mã Liềng tham gia khảo sát đất rừng và rừng cùng với CIRD  và chính quyền địa phương huyện Tuyên Hoá.
Người Mã Liềng tham gia khảo sát đất rừng và rừng cùng với CIRD và chính quyền địa phương huyện Tuyên Hoá.

Theo ông Thoan, do mới bước ra từ rừng, người Mã Liềng chưa thích nghi được với sự phát triển tự do của kinh tế thị trường, họ bị một số đối tượng buôn bán nhỏ “thao túng” bằng rượu, thuốc lá…- những món hàng mới lạ được đưa từ dưới xuôi lên và tự biến mình thành con nợ của những đối tượng này, để rồi thường xuyên phải vào rừng khai thác mây, lá nón, gỗ… về trả nợ. Sản phẩm rừng của người Mã Liềng đưa về thường bị các đối tượng này ép giá và mua lại với giá thấp hơn giá thị trường tự do rất nhiều lần. Bên cạnh đó, với tình trạng tài nguyên rừng cũng ngày càng khan hiếm, đã dẫn tới việc người dân làm mãi mà vẫn không đủ trả hết nợ... Cứ thế, hết năm này qua năm khác, người Mã Liềng vẫn cứ luẩn quẩn trong vòng đói nghèo không dứt ra được, mặc dù họ sống bên rừng vàng…

Một báo cáo điều tra trong khuôn khổ dự án Oxfam – Trung tâm Nghiên cứu kiến thức bản địa và phát triển (CIRD) được tiến hành năm 2012 cho thấy, có trên 95% hộ Mã Liềng nghèo đói, có trên 65% hộ chưa nhận được chứng nhận quyền sử dụng đất rừng.

Tự tin làm chủ rừng

Với người Mã Liềng rừng là văn hóa, là không gian sinh tồn của cuộc sống như một mạch nguồn dinh dưỡng duy trì, nuôi dưỡng cộng đồng từ đời này sang đời khác. Tuy nhiên nhận thức của người Mã Liềng về giá trị của rừng vẫn rất hạn chế. Bà con chỉ biết khai thác tài nguyên từ rừng làm sinh kế qua ngày, còn làm gì để có cuộc sống ổn định từ rừng thì lâu nay người Mã Liềng chưa nghĩ tới được.

Theo ông Châu Văn Huệ, CIRD cũng đang giúp bà con xây dựng được các mô hình quản lý sử dụng đất rừng bền vững trên cơ sở điều kiện địa lý sinh thái và kiến thức bản địa của cộng đồng. Từ đó tạo tiền đề quan trọng trong công cuộc thoát nghèo vươn lên làm chủ cuộc sống...


Trước tình hình đó, CIRD đã phối hợp với chính quyền địa phương xã Lâm Hoá vận động Ban quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) huyện Tuyên Hóa giao lại một phần đất và rừng cho bà con người Mã Liềng quản lý, chăm sóc. Và niềm vui đã thực sự đến với người Mã Liềng khi ngày 20.2.2013, UBND tỉnh Quảng Bình đã có quyết định thu hồi đất 700ha đất của BQLRPH giao cho UBND xã Lâm Hoá để xét và cấp đất cho người dân Mã Liềng.

Ông Châu Văn Huệ - Phó Giám đốc CIRD cho biết, để việc giao đất, giao rừng đảm bảo sự công bằng đồng thời nâng cao nhận thức của bà con về quyền lợi và trách nhiệm quản lý rừng, CIRD đã phối hợp cùng UBND huyện Tuyên Hóa tổ chức nhiều đợt tập huấn cho các thành viên là cán bộ xã, đại diện già làng trưởng bản và bà con tại 3 bản Kè, Cáo, Chuối hiểu và nắm bắt được những vấn đề cơ bản trong chính sách về giao đất gắn liền với giao rừng; một số chính sách có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của chủ rừng; điều tra tài nguyên rừng hiện có...

Và niềm vui thực sự đã đến với người Mã Liềng, ngày 29.7, UBND huyện Tuyên Hoá bàn giao cho cộng đồng người Mã Liềng 2 giấy chứng nhận quyền sử dụng 700ha đất rừng. Chị Phạm Thị Lâm ở bản Cáo phấn khởi nói: “Bà con ai cũng vui hết, từ nay bà con ai cũng là chủ nhân thực sự một khoảnh rừng, ai cũng phải bảo vệ tốt khoảnh rừng của mình, yên tâm bám đất bám rừng lo làm ăn để thoát nghèo”. Còn ông Cao Dụng - Trưởng bản Kè xúc động: “Cái rừng bây giờ là của người Mã Liềng miềng rồi. Miềng, dân bản đều phải bảo vệ cho tốt. Cán bộ CIRD và cán bộ lâm nghiệp huyện nói, chỗ nào rừng đã sẵn cây thì phải bảo vệ, khoanh nuôi cho tốt. Còn chỗ nào chưa có cây rừng thì mua giống về trồng vào… 10, 15 năm nữa chắc chắn người Mã Liềng sẽ thoát được đói nghèo, có cuộc sống ổn định nhờ những cánh rừng mà miềng khoanh nuôi bảo vệ. Miềng nuôi cái cây lớn thì cái cây nuôi lại miềng mà”.
Phan Phương (Phan Phương)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem