Hơn 20 năm qua, với tình thương dành cho trẻ khuyết tật, di chứng chất độc da cam, bà Lợi đã biến mọi nhọc nhằn thành niềm vui, giúp những bông hoa "khuyết cánh" có cơ hội "tỏa hương" giữa đời.
Cứ đầu giờ sáng, sau khi sắp xếp xong công việc gia đình, bà Nguyễn Thị Minh Lợi (74 tuổi) lại đạp xe đến Trung tâm Phục hồi chức năng, nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình.
Bà Lợi đã gắn bó với trung tâm này hơn 20 năm. Suốt chặng đường dài ấy, bà Lợi vừa là mẹ, cũng là cô giáo, tự nguyện chăm sóc, tập luyện để phục hồi trí tuệ, chức năng vận động cho hàng trăm em nhỏ khiếm khuyết.
Bà Lợi chia sẻ, bản thân từng công tác trong ngành y, lại thương các em nhỏ khuyết tật, nên sau khi về hưu, bà muốn góp một phần công sức với hy vọng có thể bù đắp, thay đổi cuộc sống của những đứa trẻ thiệt thòi.
"Nhìn các cháu khuyết tật, bị chất độc da cam không ai là không thương, tôi cũng muốn góp một phần sức lực, để chăm sóc, hồi phục phần nào những khiếm khuyết của các cháu, chỉ mong sao các cháu hòa nhập, trở lại cuộc sống bình thường, không phải chịu thiệt thòi", bà Lợi tâm sự.
Mỗi ngày đến trung tâm, bà Lợi lại ghé chợ, tạp hóa, mua quà cho các em nhỏ khuyết tật, khéo léo động viên để các em siêng năng tập luyện, thay đổi bản thân, không còn mặc cảm.
Với nụ cười hiền hậu, cử chỉ nhẹ nhàng, bà Lợi luôn được các em nhỏ quý mến. Từ lâu, Trung tâm Phục hồi chức năng, nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam xã Hiền Ninh đã trở thành mái ấm thứ hai của bà Lợi cũng như nhiều tình nguyện viên và các em nhỏ khuyết tật.
Ở trung tâm này, các em nhỏ mang những khiếm khuyết khác nhau, có nhiều em không tự chủ trong việc vệ sinh, ăn uống, biểu lộ cảm xúc, lên cơn động kinh, co giật… Bởi vậy, chăm sóc, phục hồi chức năng chưa bao giờ là việc dễ dàng.
"Với trẻ khuyết tật, việc chăm sóc phải kiên trì, dành tình thương đặc biệt tới các cháu, tùy từng trường hợp mà có hướng hỗ trợ, phục hồi. Với chúng tôi, giúp đỡ cho một gia đình, một cảnh đời, và giúp cho các em có một tương lai tươi sáng hơn đã là niềm vui sướng nhất rồi", bà Lợi bộc bạch.
Giúp những bông hoa "khuyết cánh" có cơ hội "tỏa hương"
Để dành thời gian cho trẻ khuyết tật, bà Lợi phải hy sinh khá nhiều, thậm chí thời điểm đầu còn bị chồng và các con phản đối. Thế nhưng khi hiểu được tâm huyết và tình thương mà bà Lợi dành cho trẻ khuyết tật, gia đình đã ủng hộ và tạo điều kiện để bà tiếp tục hành trình làm đẹp cho đời.
Với những kiến thức vốn có về y học, bà Lợi còn tìm tòi, học hỏi thêm nhiều phương pháp điều trị, tùy từng em nhỏ và bệnh lý khác nhau để áp dụng các hình thức chăm sóc, trị liệu phù hợp. Chính những nỗ lực, tâm huyết bà Lợi cũng như các tình nguyện viên, rất nhiều em nhỏ khuyết tật đã có những bước phục hồi tích cực.
Một trong những em nhỏ có bước phục hồi kỳ diệu là Lê Ngọc Toàn, cậu bé này bị não úng thủy bẩm sinh, gai đốt sống lưng nên không thể vận động. Từ nhỏ, Toàn đã được đưa đến trung tâm và được bà Lợi và các tình nguyện viên khác chăm sóc, hỗ trợ phục hồi chức năng.
Nhờ vậy, nhận thức của Toàn dần tốt hơn, sau quá trình được hướng dẫn tập luyện, cậu bé khuyết tật này đã tự vận động tay, tự đẩy được xe lăn. Bên cạnh đó là nhiều em nhỏ lớn lên trong vòng tay yêu thương của bà Lợi, được chăm sóc, phục hồi chức năng, giờ đã trưởng thành, lập gia đình và có cuộc sống tốt hơn.
Hơn 2 thập kỷ trôi qua, bao lớp trẻ khiếm khuyết cứ đến rồi đi, còn người bà, người mẹ "đặc biệt" - Nguyễn Thị Minh Lợi vẫn âm thầm ở lại, miệt mài với công việc của mình. Với tấm lòng bao dung, bà Lợi đã biến nhọc nhằn trở thành niềm vui, hạnh phúc, giúp những bông hoa "khuyết cánh" có cơ hội "tỏa hương", hòa nhập với cộng đồng.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Lê Quyết Chiến - Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng, nuôi dạy trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam xã Hiền Ninh - cho biết, đơn vị được thành lập từ năm 2002, với sự tài trợ của Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam trong thời gian 5 năm.
Tuy nhiên năm 2007, dự án kết thúc, kinh phí hoạt động không còn, tưởng chừng trung tâm phải đóng cửa. Nhờ sự góp sức của các tình nguyện viên, sự hỗ trợ của các đơn vị tài trợ, ngôi nhà chung của trẻ khuyết tật tại xã Hiền Ninh mới có thể duy trì.
Từ đó đến nay, đã có hơn 200 trẻ khuyết tật được chăm sóc, phục hồi chức năng và rời trung tâm để hòa nhập cộng đồng, có một cuộc sống tươi sáng hơn. Cũng theo ông Quyết, trung tâm hiện có 6 nhân viên, trong đó có một bác sĩ, một y sĩ về hưu và một kỹ thuật viên... họ là những người đến với trẻ khuyết tật bằng tấm lòng, sự yêu thương.
"Bà Lợi là người đã gắn bó rất lâu với trung tâm và đóng góp lớn trong việc hỗ trợ trẻ khuyết tật. Nhờ vậy mà rất nhiều em nhỏ đã thay đổi số phận, đó cũng là niềm vui, động lực và mục tiêu mà trung tâm chúng tôi hướng đến. Chúng tôi cũng rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các đơn vị, tổ chức để công tác chăm sóc trẻ khuyết tật được tốt hơn", ông Chiến bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.