Sau ly hôn, bà Tuyết vẫn thương đứa con riêng khờ khạo, hay đau ốm của chồng cũ. Nghe con nói ú ớ qua điện thoại: "Nhớ mẹ", bà vội đón về nuôi dù làm nghề bán xôi vỉa hè, gia cảnh chẳng mấy khá giả.
Thằng Nhí chào đời nặng chỉ hơn 1kg. Mũi Nhí cao, lông mi dài rất đẹp, nhưng cái đầu lép, da nhăn nheo. Cha Nhí bồng đứa con khác biệt đi hỏi bác sĩ thì được chẩn đoán con bị tật bẩm sinh, sau này sẽ chậm phát triển.
"Mẹ ghẻ mà thương con chồng"
Cũng vì lý do đó mà sinh con xong, mẹ Nhí bỏ em, dứt áo ra đi. Ba của Nhí, khi đó làm nghề lái xe ôm, đem hoàn cảnh của mình kể cho bà Tuyết - người bạn bán xôi ở cổng bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM). Nghe xong, bà Tuyết xin được đem Nhí về nhà nuôi. Khi đó, bà Tuyết đang là mẹ đơn thân, nuôi cậu con trai 5 tuổi, chính thức về chung nhà với ba của Nhí.
"Tôi không dám hy vọng thằng bé sẽ lớn lên khỏe mạnh nhưng cũng không sợ phải chăm nó suốt đời. Thấy thằng bé nhỏ xíu, nằm thở yếu ớt nên tôi thương", bà Trần Thị Bạch Tuyết, 53 tuổi ở quận 7 nhớ lại câu chuyện mình nhận nuôi đứa trẻ tật nguyền không máu mủ 25 năm về trước.
Bà Tuyết còn nhớ thời điểm trước khi có Nhí, bà thuê nhà trọ sống cùng người mẹ già và con trai ở quận Bình Thạnh. Cuộc sống khó khăn đến nỗi nhà chẳng có tiền mua một cái bình thủy để trữ nước sôi. Khi đem Nhí về, bà Tuyết phải cố xoay xở để mua từng lạng sữa bột và bình thủy để pha sữa.
Người mẹ cũng thừa nhận, ban đầu, do thương ba của Nhí nên chấp nhận nuôi con riêng của chồng. Tuy nhiên theo thời gian, bà nuôi Nhí không chỉ vì trách nhiệm mà bằng cả tấm lòng. Vì cha mẹ ruột của Nhí không làm giấy khai sinh cho em, nên cái tên Nhí cũng do bà Tuyết đặt cho con.
Thuở bé, Nhí có bệnh hen suyễn, mỗi tháng đều phải vào viện để xông mũi, hút đàm (đờm) mới thở được. Có những đêm trở mình, bà Tuyết bất giác lấy tay đặt hờ trước mũi, xem đứa con nhỏ còn thở hay không. Cuộc sống khó khăn nhưng gia đình sống vui vẻ bên nhau cho đến năm 2002, bà Tuyết và chồng đường ai nấy đi.
Ban đầu, người chồng dẫn Nhí đi theo. Dù thương nhưng bà không dám giành lại Nhí. Tuy nhiên, suốt một tháng đầu tiên, khi bà Tuyết hỏi người quen thì mới biết có nhiều buổi chiều, cha Nhí đi chơi với bạn bè, để em ngồi một mình ngoài ngõ. Gọi điện hỏi thăm, Nhí ú ớ bảo rằng: "Nhớ mẹ!".
Nghĩ mình chăm con sẽ tốt hơn, bà Tuyết quyết đón Nhí về nuôi cho đến giờ.
Không mong báo đáp
May mắn, cũng từ đó, Nhí bắt đầu ít ốm vặt nên không phải tốn tiền đi bệnh viện. Lên 10 tuổi, Nhí mới bắt đầu chạy nhảy như những đứa trẻ lên ba và nói được một vài câu dài hơn. Tuy chậm phát triển, không lanh lợi như những đứa trẻ bình thường khác nhưng cậu bé rất ngoan, chịu nghe lời mẹ.
Ban ngày, khi bà Tuyết đi bán xôi, Nhí ở nhà với bà ngoại trong phòng trọ, nếu có đi đâu chơi cũng không dám đi xa. Em cũng không gây chuyện với hàng xóm nên ai cũng thương.
Bà Tuyết chia sẻ, nuôi Nhí chẳng tốn kém gì nhiều. Vì em chậm lớn nên cả năm mới mua giày dép, quần áo một lần. Nhí cũng không đòi ăn ngon hay thích quà bánh. Thỉnh thoảng, em thích được mẹ cho 10.000 đồng để ra quán tạp hóa và chọn cho mình một loại nước ngọt.
Ở tuổi ngoài 50, bà Tuyết tuy không còn khỏe để bươn chải như xưa những vẫn tự tin mình có thể lo được cho Nhí.
Cuộc sống có lẽ sẽ êm đềm trôi qua, nếu như mẹ của bà Tuyết không bị tai biến, liệt nửa người và nằm một chỗ từ 3 năm trước. Khoản tiền lời hơn 200.000 đồng bán xôi mỗi ngày phải dùng để mua thêm tã, thuốc men cho mẹ. Chưa kể, vì phải đẩy bộ khắp các con hẻm bán xôi, chiều về tắm rửa cho mẹ nên bà Tuyết mệt lắm, bị bệnh xương khớp nên nhiều hôm bà phải nghỉ bán vì toàn thân đau nhức. Nhiều đêm nằm nghe Nhí ngủ, ngáy khò khò vô tư, bà Tuyết thở dài trăn trở sợ mình không đủ sức nuôi con.
"Tôi sợ mình yếu đi thì không ai tắm rửa, cắt móng tay và cạo râu cho Nhí vì thằng bé không thích. Mỗi lần thuyết phục rất khó, vào nhà tắm hai mẹ con như vật lộn với nhau. Mỗi lần tôi bệnh, để con tự tắm thì không sạch, đi ra đường người ta xa lánh", bà Tuyết tâm sự.
Tuy khờ khạo nhưng Nhí biết thể hiện tình cảm với mẹ. Thấy bà Tuyết thức khuya, dậy sớm nấu xôi bán và phải đẩy xe hàng đi khắp các ngõ hẻm, Nhí thường chủ động lại gần bóp tay, bóp chân cho mẹ. Chưa kể, em cũng hay theo mẹ ra điểm bán xôi vỉa hè trên đường Phạm Hữu Lầu, quận 7, phụ mẹ mời khách đi đường mua xôi.
Một sáng giữa tháng 11, trời Sài Gòn se lạnh, mây âm u, căn trọ hơn chục mét vuông của bà Tuyết cạnh cầu Phú Xuân, quận 7 càng ẩm thấp hơn. Đã 3 ngày bà Tuyết phải nghỉ bán vì đau nhức xương, chỉ nằm bẹp một chỗ. Tới bữa cơm, thằng Nhí vô tư không hỏi mẹ đói hay chưa vì còn mải chơi. Chỉ khi đến đầu giờ chiều, đói bụng, em mới chạy từ ngoài ngõ vào nhà xin mẹ 10.000 đồng để đi mua cơm.
Nằm cạnh bà Tuyết là người mẹ ngoài 70 bị tai biến, bên cạnh là đứa con khờ khạo vô tư, bà vẫn không than trách cuộc đời. Người phụ nữ trải lòng, có thể kiếp trước mình nợ Nhí nên kiếp này phải chăm sóc em. Về phần mình, bà chưa bao giờ nghĩ sẽ nhận lại được gì với công sức "chăm con tu hú" 25 năm qua.
"Nếu không bị tật chắc thằng bé đẹp trai lắm", bà Tuyết nói rồi gượng cười với Nhí. Với bà, đó có thể là những giây phút nhẹ lòng, hạnh phúc nhất.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.