Người mẹ khuyến học

Thứ tư, ngày 21/09/2011 19:42 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tuy không mang nặng đẻ đau nhưng bà Nguyễn Thị Thanh Bình (ở Phố Mới, Yên Phong, Bắc Ninh) đã nâng bước cho hơn 100 đứa trẻ có hoàn cảnh bất hạnh.
Bình luận 0

Giờ đây, nhiều người đã thành đạt, khấm khá và họ quay lại giúp “mẹ Bình” cưu mang những mảnh đời tương tự.

Vượt lên từ nỗi đau bản thân

Câu chuyện về cuộc đời và những việc làm nhân nghĩa của bà Bình thực sự khiến chúng tôi cảm động và thán phục. Năm 1972, khi đó bà mới 29 tuổi, đang thời xuân sắc, bỗng nhận được tin sét đánh, chồng bà đã hy sinh trên chiến trường Nam Bộ. Người chồng ra đi, để lại cho bà đứa con mới được mấy tháng tuổi. Ôm con vào lòng mà bà cứ ngất lên ngất xuống.

img
Bà Bình giới thiệu những bức ảnh kỷ niệm.

Sau khi tĩnh tâm trở lại, bà đã quyết tâm vượt qua nỗi đau, cố gắng học xong khóa đầu tiên của Trường Trung cấp Trung ương ở Hà Nội. “Nhắc lại cảnh ngày xưa, nhiều lúc mình không thể hình dung được tại sao mình lại vượt qua được nữa. Đau thương, mất mát nhiều lắm. Gia đình tôi có 4 người nhập ngũ thì hy sinh mất 3 người” – bà Bình nói mà giọng nghẹn lại.

Kết thúc khóa học, bà Bình được điều về làm Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Những năm chiến tranh chống Mỹ, không ít người con của vùng quê nghèo khó Yên Phong đã hy sinh anh dũng, để lại cảnh vợ góa, con côi.

Chứng kiến những trường hợp cùng cảnh ngộ như mình, nỗi đau trong lòng bà Bình lại trỗi dậy. Thế rồi, bà đề xuất ý tưởng vận động nhân dân “đỡ đầu” con em liệt sĩ mồ côi và cha mẹ liệt sĩ không nơi nương tựa. Chủ trương này ngày ấy đã được nhiều người ủng hộ.

Cũng vào thời điểm đó, tỉnh Hà Bắc (cũ) thành lập Trường Hoàng Văn Miện, ngôi trường mang tên người anh hùng liệt sĩ ở tuổi 21, tập trung con liệt sĩ mồ côi trong toàn tỉnh về học tập. Hơn 100 con liệt sĩ mồ côi của huyện đã được chuyển về theo học ở đây.

Để các em yên tâm học tập, bà cùng các cán bộ trong Hội Phụ nữ phát động phong trào quyên góp gạo, ngô, lạc, khoai, sắn, quần áo, chăn màn để chu cấp cho các em. Hễ quyên góp được thứ gì, các cán bộ trong hội lại chất lên xe cải tiến rồi cử người kéo đến trường ở cách xa hàng chục cây số.

Chính vì tình cảm yêu thương, gắn bó như ruột thịt ấy, đến nay, dù những học trò con liệt sĩ ấy đã ngoài 40 tuổi nhưng vẫn nhớ tới người ngày xưa đã giúp đỡ mình. Như trường hợp Phạm Tuấn Đạt đang định cư ở Cộng hòa Slovakia khi về thăm đã ôm chầm và gọi bà là u, là mẹ. 5 trường hợp khác được bà “can thiệp” để về công tác tại huyện cũng coi bà như đấng sinh thành. Cũng từ đó, bà được coi như người mẹ của hơn 100 đứa con.

“Bà đỡ” cho học trò nghèo khó

Trải qua 22 năm công tác trên cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Yên Phong, bà chứng kiến không biết bao nhiêu đứa trẻ mồ côi, nghèo khó không được đến trường. Nỗi trăn trở, day dứt ấy cứ gieo mãi trong tâm trí bà.

Năm 1998, bà về nghỉ hưu. Mong muốn giúp đỡ những học trò nghèo lại thôi thúc bà. Người đầu tiên bà nghĩ đến là TS Ngô Huy Liêm - Đặc phái viên của Chương trình hợp tác Việt – Đức về xóa đói giảm nghèo, đã từng tài trợ xóa đói giảm nghèo cho huyện Yên Phong ngày bà giữ cương vị Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện. Khi nghe bà đề xuất về việc thành lập một quỹ học bổng dành cho những trẻ em nghèo khó, học giỏi, TS Liêm đã đồng ý vận động bạn bè Việt kiều và bỏ tiền túi của mình ra tài trợ.

img
Điều và người yêu bên “mẹ” Bình.

Tuy nhiên, do huyện chưa có hội khuyến học nên để tạo sự tin tưởng với các nhà tài trợ, TS Liêm đã yêu cầu bà điều tra hoàn cảnh từng em, lập hồ sơ báo cáo rồi gửi cho ông và bạn bè của ông lấy niềm tin. Đáp ứng yêu cầu này, ngày nào cũng vậy, bà Bình lặng lẽ đạp chiếc xe cũ rích từ sáng đến tối mờ mới về. Những người dân ở khu phố thấy lạ vì bà còn bận rộn hơn cả khi đương chức.

Bà Bình xúc động khi kể về trường hợp em Nguyễn Văn Điều, thôn Quan Độ, Văn Môn: “Tôi đã rơi nước mắt vì thương số phận éo le của cháu Điều. Sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, cháu sống lay lắt với bà nội đã ngoài 80 tuổi, già yếu”.

Bà nhớ như in buổi đầu tiên gặp Điều khi em đang là học sinh lớp 11, Trường THPT Yên Phong I. Hôm đó Điều mặc bộ quần áo rộng thùng thình. Hỏi ra mới biết do cháu không có quần áo để mặc đến trường nên các bạn trong lớp thay nhau cho mượn. Khi biết Điều chuẩn bị ra Hà Nội nhận suất học bổng trị giá 1 triệu đồng do Báo Tuổi Trẻ TP. Hồ Chí Minh trao tặng mà vẫn không có bộ quần áo để mặc, bà đã dẫn Điều tới cửa hàng bách hóa mua bộ quần áo mới. Điều đã chọn bộ quần áo vải nõn màu vàng.

Nhờ những đồng tiền nhân nghĩa từ quỹ học bổng, Điều đã chắt chiu mua sách, bút và những vật dụng cần thiết trong học tập của mình. Đón nhận tình cảm thiêng liêng từ những tấm lòng nhân nghĩa, Điều đã không ngừng phấn đấu, trưởng thành. Đến nay, anh đã tốt nghiệp Học viện An ninh và nhận công tác tại Bộ Công an.

Người mẹ hạnh phúc

Ở hoàn cảnh bình thường, học bổng 40.000-100.000 đồng/tháng không phải là quá lớn, nhưng với những đứa trẻ mồ côi, nghèo khó thì lại mang một ý nghĩa đặc biệt: Không những giúp giảm bớt gánh nặng cho người thân, gia đình mà còn động viên kịp thời, giúp các em ý thức hơn trong học tập.

Với 70 triệu đồng tiền nhân nghĩa ấy, 29 em học sinh nghèo khó, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đã được trợ giúp, làm cháy lên ở mỗi em niềm khát khao tri thức, vươn lên thay đổi cuộc sống của mình. Đến nay, 22/29 em đã đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, đền đáp kỳ vọng của những tấm lòng thơm thảo. Đặc biệt, ngoài 6 em có bằng thạc sĩ, vào mùa thu này, 2 em trong số này sẽ đón nhận bằng tiến sĩ.

Khi biết việc làm của bà, nhiều người đồng tình ủng hộ, nhưng cũng có người chưa hiểu và thông cảm, gọi bà là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Mặc dù vậy, bà vẫn chuyên tâm làm nhiệm vụ “kiến chúa” để gom góp những tấm lòng từ thiện.

Người “giỏi toàn diện” được cấp học bổng của quỹ là em Nguyễn Đắc Trung (sinh năm 1983) ở thị trấn Chờ, Yên Phong. Không chỉ đạt thành tích thi tốt nghiệp đỗ đầu toàn tỉnh, Trung còn ẵm luôn danh hiệu thủ khoa khi thi vào đại học.

Hiện Trung đang hoàn thiện nốt những khâu cuối cùng để nhận bằng tiến sĩ ở Đại học Bách khoa Paris. Điều đáng nói, khi ra trường, mỗi người có việc làm ổn định đều tình nguyện quyên góp 100.000 – 200.000 đồng vào quỹ khuyến học. Họ mong muốn cùng bà Bình sẻ chia với những em có hoàn cảnh éo le, hiếu học. Trong năm khởi đầu, các em đã góp được trên 3 triệu đồng cho quỹ khuyến học.

Lúc chuẩn bị chia tay, bà Bình lấy tập ảnh kỷ niệm, lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ với các em cho chúng tôi xem. Trong những bức ảnh ấy có không ít ảnh lưu lại kỷ niệm các em dẫn người thương về “ra mắt” mẹ Bình. Lòng bà Bình như mãn nguyện, khi đứa con gái duy nhất đang theo chồng định cư tại Đức, nhưng vào dịp lễ, tết, nhà bà luôn đông vui vì hàng chục “người con khuyến học” luôn về thăm và quây quần xung quanh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem