Khốn khổ người mẹ mù lòa…
Tìm về phường Thủy Xuân, (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) hỏi hoàn cảnh
của gia đình chị Trần Thị Thanh (1976) ở khu vực 6, không ai là không
biết. Người mẹ mù “nghèo xác xơ” này nổi tiếng bởi câu chuyện nghị lực
vươn lên trong cuộc sống, không chịu đầu hàng với số phận khiến người
dân khắp phường Thủy Xuân xúc động. Nơi sinh sống của gia đình chị là
một căn nhà “rách xơ mướp” nằm sâu trong một con hẻm nhỏ ở tổ 22. Khi
ánh mặt trời bắt đầu chiếu rọi xuống dòng sông Hương, cũng là lúc 2 mẹ
con chị chuẩn bị một ngày mưu sinh mới.
Người mẹ mù và đàn con
Trong ngôi nhà có tấm biển “nhà tình thương” dán lên vách tường được các
gia đình Phật tử quyên góp giúp đỡ được cất lên, chị kể về hoàn cảnh
của mình mà ngân ngấn nước mắt. Lúc mới lập gia đình, chồng chị là anh
Cái Viết Minh (SN 1973) là một thợ mộc có tiếng ở Huế, nhưng từ ngày bố
anh lấy vợ hai, thần kinh anh trở nên không ổn định, rồi bỏ nhà ra
đi biền biệt một thời gian. Khi trở về quê, anh làm lúc được lúc
không nên gia đình chị ngày càng lâm vào cảnh khốn khó. Hai vợ
chồng sống được nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ hai bên và sự cưu mang của xóm
làng chén cơm, bát gạo.
Cứ ngỡ, trong hoàn cảnh khó khăn, 2 người cùng chung tay làm ăn thì
cuộc sống sẽ đỡ hơn. Thế nhưng, tai họa lại ập đến với gia đình chị.
Năm 2008, chị trở dạ sinh cháu thứ 4 thì đôi mắt bỗng nhiên bị mù,
không còn làm được việc gì để giúp đỡ gia đình. Các bác sĩ xác định chị
bị bong võng mạc, căn bệnh này có thể mổ sáng mắt nhưng phải tốn đến
40-50 triệu, gia đình chị quá khó khăn nên chị ngậm ngùi ôm bệnh gần 10
năm nay.
Lặng người đi một lúc, chị Thanh kể lại cuộc đời kém may mắn của mình:
“Khi mới bị mù, tôi buồn lắm, tôi luôn nghĩ đến cái chết để khỏi làm
gánh nặng cho gia đình, nhưng nhiều đêm nằm suy nghĩ rồi cuối cùng tôi
cũng gượng sống, sống để lo cho đàn con ăn học. Mình nghĩ chồng mình
thần kinh không ổn định, lúc tỉnh lúc mê mình chết đi thì ai lo cho các
con. Nghĩ vậy nên ngoài giờ học thì cháu gái đầu lòng dắt tôi đi bán vé
số để mưu sinh”. Sống cảnh tối tăm, chị cố chống chọi với đời bằng việc
siêng năng học hỏi, tự luyện kỹ năng “thám thính” cảnh vật chung quanh
để tồn tại. Trong căn nhà tồi tàn đó, có 6 phận người một mù lòa, một
thần kinh bất ổn, và 4 đứa con đang tuổi ăn học cứ sống bám lấy nhau.
Mưu sinh bằng nghề bán vé số
Chị Thanh tâm sự: “Hôm qua, hai mẹ con tôi đã đi khắp phố rồi, mỏi cả
chân lẫn miệng mà vé bán được ít lắm. Hôm nay phải tìm chỗ mới mà đi”.
Nói đến đó, chị đưa tay vịn vào thành giường, đôi chân quờ quạng tìm đôi
dép rồi mò mẫm bước đi ra cửa. Cháu Hồng Nhàn, con gái đầu lòng vai
mang túi xách đựng đầy 300 tờ vé số, bàn tay đen xì vì nắng gió nắm lấy
tay mẹ để cùng bước đi. Một ngày mưu sinh mới của 2 mẹ con mù lòa đã
thực sự bắt đầu.
Ngôi nhà tình thương do các gia đình Phật tử và chính quyền địa phương giúp xây cất
Trời nắng, mồ hôi tứa ra đầy mặt, ướt cả bờ vai gầy còm của chị Thanh,
Hồng Nhàn vội lấy vạt áo lau mặt cho mẹ đỡ mệt. Chị Thanh cười xuề xòa
xua đi vẻ ngại ngùng: “Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cháu Hồng Nhàn dẫn
tôi đi bán. Chứ vào năm học rồi thì tôi tìm một góc đường để đứng bán.
Cả nhà 6 miệng ăn không bán vé số, thì lấy gì mà ăn, lấy tiền đâu cho
con đi học. Nhờ trời thương, có người thì cho 5, 10 ngàn, có người thì
mua vé số rồi cho luôn tiền thừa. Thấy tôi tật nguyền nên người ta
thương tình bố thí. Tiền bán vé số kiếm được cũng không nhiều nên tôi để
dành cho con đi học", chị Thanh bộc bạch.
Mơ ước các cháu được đến trường
“Hằng ngày chị dậy từ rất sớm, lê la ở các góc hẻm, ngã đường bán được 150 đến 300 tờ vé số, kiếm tiền lời khoảng 50 đến 100 ngàn đồng, số tiền đó chị gom góp dành dụm lại để lo tiền học phí, tiền sách vở cho con. Nhiều người thương tình nên mua gấp đôi, gấp 3. Có những ngày chị mải mê bán mà quên thời gian, hay có khi bị đi lạc, đến khi mang vé số về đại lý để trả thì đã quá 5 giờ chiều, đại lý không nhận, chị đành “ôm” vé số chịu tiền nợ. Số tiền chị nợ đại lý đến nay đã gần cả chục triệu đồng. Nhưng không bán vé số, chị không biết bám víu vào đâu để sống. Điều khiến chị đau đáu nhất là lúc mưa gió trở trời, giông tố, bão lụt. Khi đó, chị không đi bán vé số được. Để kiếm cái ăn cho cả nhà, chị phải nhờ con gái dẫn đến những hộ dân lân cận để xin chén cơm, bát cháo…Đời của chị cứ thế trôi qua mỗi ngày”.
|
Vợ chồng chị dạy các con rằng nhà mình nghèo, dù bây giờ phải sống bằng
đồng tiền bán vé số và bố thí của người khác nhưng các con phải cố gắng
học giỏi, bỏ qua mặc cảm để sống tốt. Chị kể, năm lên 11 tuổi, gia đình
phát hiện bé Hồng Nhàn bị cận đến 3,5 độ, không biết rồi đây con gái có
bị giống mình không, cứ nghĩ đến cuộc đời con mà nhiều đêm chị không
ngủ, nước mắt cứ thế lại chảy.
"Hôm nay mẹ "vay mượn" cuộc đời để lo cho các con thì mai này con nên
người phải sống tốt và trả nợ cuộc đời", lời dạy của bà mẹ mù không biết
một chữ bẻ đôi này được các con bà khắc ghi. Ý thức được hoàn cảnh đặc
biệt của gia đình, không phụ lòng hy sinh, lo lắng của cha mẹ, các con
bà đều học hành chăm chỉ và yêu thương giúp đỡ lẫn nhau.
Cả 4 chị em Cái Thị Hồng Nhàn (lớp 10), Cái Thị Hương Lan (lớp 8), Cái
Thị Hương Trúc (lớp 7), Cái Thị Hương Thương (lớp 1) đều là học sinh
giỏi, chăm ngoan nhiều năm liền. Những ngày còn học ở trung học cơ sở,
hai chị em Hồng Nhàn và Hương Lan rất được thầy cô, bạn bè yêu mến. Nhận
được sự cảm thông, các em càng phấn đấu học giỏi và thường xuyên được
nhận học bổng học sinh nghèo vượt khó học giỏi.
Năm nay, Hồng Nhàn bước vào lớp 10, tin con lên lớp khiến vợ chồng chị
nữa mừng nữa lo. "Phần vì nhà không có tiền, sợ con phải bỏ học giữa
chừng, phần vì sợ con bị bạn bè khinh rẻ, cười nhạo bởi cha tâm thần, mẹ
đi bán vé số và ăn xin nên tôi cứ đắn đo không biết có nên cho con đi
học tiếp nữa không, vì nếu học thì lấy gì để mà nộp học phí. Sau nhiều
đêm trằn trọc, tôi liều lĩnh: "Không đi học thì sao có thể đổi đời?", bà
mẹ mù tâm sự.
Để học tốt, không chỉ đấu tranh để vượt qua những thiếu thốn vật chất,
các con chị Thanh còn phải đấu tranh để chiến thắng những sự dè bỉu của
người đời. Ông Nguyễn An Hoàng, Phó chủ tịch phường Thủy Xuân, cho biết:
"Hoàn cảnh của vợ chồng anh Minh chị Thanh là rất đáng thương, thuộc hộ
nghèo của phường.
Trường hợp này phường hết sức quan tâm, vì con còn
nhỏ chưa giúp được gì cho gia đình, nhưng kinh phí của phường hạn hẹp
nên cũng không thể giúp đỡ nhiều được. Các con chị cũng có nhận thức, ý
thức tốt nên học hành chăm ngoan”.
"Người phụ nữ này đã làm cho nhiều người hàng xóm thán phục về nghị lực
và ý chí vươn lên, trước khó khăn mù lòa đã không gục ngã mà vẫn đứng
dậy nuôi 4 đứa con ăn học tươm tất như bao bạn bè khác" - ông Hoàng
nói.
Mọi giúp đỡ các nhân vật trong trang Tiếng thở dài của số phận, xin liên hệ: 0938 38 13 49 hoặc chuyển tiền trực tiếp vào TK đại diện của báo Dòng Đời: Huỳnh Tuyết Hoa, TK 001100 410 1740 Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCB). Báo Dòng Đời sẽ đăng tải công khai danh sách bạn đọc ủng hộ trên số báo cuối cùng hằng tháng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.