Người Mông ở Mo Nhang không còn lo đói

San Nguyễn Thứ sáu, ngày 03/10/2014 05:07 AM (GMT+7)
Nhiều năm trước đây, dù chỉ cách trung tâm xã hơn 4km nhưng do giao thông trắc trở, cộng thêm nhiều hủ tục lạc hậu nên thôn Mo Nhang, xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) luôn là thôn khó khăn nhất xã.
Bình luận 0

Nhưng giờ người dân đã không còn lo đói, có điều kiện cho con cái đi học đầy đủ.

Ông Giàng A Hành - Bí thư Đảng ủy xã Trạm Tấu cho hay: Mo Nhang từng có tới 90% số hộ trong diện hộ nghèo, đói ăn đứt bữa triền miên. Đất nương bãi nhiều nhưng chỉ làm một vụ, còn lại bỏ hoang cho cỏ mọc. Trong gia đình, đàn ông tiếng là trụ cột nhưng quanh năm ngày tháng chỉ ở trong nhà. Đến mùa vụ, phụ nữ còng lưng ra đi làm. Trước tình hình đó, Đảng ủy xã đã ra nghị quyết quyết tâm xóa cái đói nghèo ở Mo Nhang. “Năm 2012, chúng tôi bắt đầu triển khai cho bà con mô hình trồng cây ngô trên đất dốc với những hộ gia đình có uy tín, trưởng bản, để từ đó nhân rộng mô hình ra”- ông Hành nói.

Được hỗ trợ giống và kỹ thuật, Trưởng thôn Mo Nhang - Giàng A Lềnh bắt đầu trồng thử giống ngô lai và vụ đầu tiên đã được mùa, giúp ông có của ăn của để. Nhìn thấy thành công của gia đình trưởng thôn, nhiều hộ khác mới bắt đầu nghe và làm theo. “Trước đây để tập trung được bà con là rất khó khăn. Nhưng nhờ mình làm thành công mà bà con rất chịu nghe theo. Cộng thêm được cán bộ khuyến nông tổ chức trao đổi kỹ thuật ngay tại trên nương đã làm cho đầu óc bà con sáng ra. Họ không còn e ngại gì nữa và tích cực làm ăn” – ông Lềnh kể.

Đến nay 41 hộ dân trong thôn Mo Nhang đã trồng được hơn 80ha ngô lai. Anh Giàng A Cớ khoe rằng: “Từ 2 năm nay, gia đình tôi đã trồng được gần 2ha ngô lai, cho thu hoạch cao lắm. Mà mình cũng không cần phải chở đi đâu bán, có người đến tận nhà thu mua. Nhờ tiền bán ngô mà mình mua được xe máy, có tiền cho con đi học ở trên huyện”.

Xã còn vận động các gia đình trong thôn có nhiều đất, nhường cho các hộ không có đất một ít đất để sản xuất. Như ông Sùng A Súa đã tự nguyện nhường cho hộ anh Giàng A Khua cùng thôn 2.000m2 đất. Ông tâm sự: “Trong thôn, ai cũng có gắng làm ăn để thoát khỏi đói nghèo. Nhà mình có nhiều đất đai, được Nhà nước vận động nhường đất, mình thấy đây là chủ trương đúng quá nên nhường thôi”.

Đời sống được nâng cao, các phong tục, tập quán lạc hậu cũng được đẩy lùi. Bà con đã bắt đầu dựng chuồng trại cho trâu, bò ở cách xa nhà, xây dựng cầu tiêu hợp vệ sinh, cùng góp công góp sức để làm đường giao thông để chuyên chở hàng hoá dễ dàng. “Giờ thì thôn Mo Nhang nhà nào cũng có một cái xe máy, ti vi, một con bò” - Trưởng thôn Giàng A Lềnh tự hào.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem