Người ngay lo, kẻ gian cười khẩy

Chủ nhật, ngày 13/01/2013 20:19 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhận định, trong hơn 20.000 cơ sở sản xuất rượu ở Việt Nam, chỉ khoảng 10% công bố tiêu chuẩn chất lượng. 70% rượu bán trên thị trường không qua kiểm định.
Bình luận 0

42% số ca tử vong do ngộ độc thực phẩm nửa đầu năm 2012 có nguyên nhân từ rượu. Kết quả kiểm tra của Bộ Y tế cho thấy, thị trường có rất nhiều loại rượu giả với độc tố cao, đặc biệt là Methanol. Vì vậy Nghị định 94 ra đời quản lý việc sản xuất và kinh doanh rượu đặt mục tiêu kiểm soát được rượu lậu, rượu rởm độc hại để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và giảm tình trạng uống rượu tràn lan của người dân Việt Nam.

Mục tiêu thì tốt đẹp, nhưng vấn đề người dân lo ngại là quy định không khả thi khi triển khai, khiến người ngay thì lo, còn kẻ gian thì cười khẩy. Theo Cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Việt Nam có 328 cơ sở sản xuất rượu lớn với sản lượng 360 triệu lít/năm, 320 cơ sở sản xuất nhỏ (sản lượng dưới 1 triệu lít/năm/cơ sở), tương đương khoảng 200 triệu lít rượu/năm và các hộ gia đình sản xuất khoảng 250 triệu lít/năm. Con số thống kê này - dù chưa sát thực tế - cũng đã cho thấy số lượng rượu sản xuất nhỏ lẻ là rất lớn. Trong khi đó, Nghị định 94 áp toàn quy định dành cho các doanh nghiệp lớn.

Còn với các hộ sản xuất thủ công nhỏ lẻ thì phải đăng ký sản xuất và phải bán cho các doanh nghiệp chế biến rượu lớn... Nghị định hướng dẫn hết sức chi tiết nhưng chắc chắn khó có hộ sản xuất nào thực hiện được. Và quan trọng là cũng chẳng có ai hướng dẫn, kiểm tra xem họ có thực hiện hay không.

"Từ Hà Nội, họ về mua rượu ở làng tôi. Cứ 1 lít rượu chủ quán pha với 5 lít nước lã, cộng với cồn, một ít đường hóa học, một chút muối... Thế là thành rượu quê!", một ngươi nấu rượu quê có tiếng ở Từ Sơn (Bắc Ninh) tiết lộ. Những cơ sở pha chế như vậy hiện cơ quan chức năng đã không kiểm soát được, không chỉ mặt đặt tên được nên cũng là đối tượng bị kiểm soát trong Nghị định 94.

Đó là những kẻ gian thực sự nhưng không bị pháp luật sờ tới. Ai cũng biết chỉ quản lý thị trường không biết. Và rượu độc vẫn tràn lan thị trường.

Quản rượu là đúng! Nhưng quản thế nào để hiệu quả là cả một chặng đường dài từ bàn giấy của người làm chính sách tới thực tế. Và khi chưa sát với thực tế thì các quy định vẫn cứ lơ lửng đâu đó. Trong lúc đó, ngành y tế vẫn chóng mặt với các ca ngộ độc, tử vong vì rượu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem