Người nghèo, vùng nghèo vẫn thua thiệt

Thứ tư, ngày 07/11/2012 08:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - “Quy định tham gia BHYT tự nguyện dẫn đến tình trạng “lựa chọn bất lợi” - chỉ những người có nhu cầu cao về sử dụng y tế (đang bị bệnh hoặc chuẩn bị phẫu thuật) mới tham gia...”.
Bình luận 0

Ông Nguyễn Minh Thảo - Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cho biết như trên tại Hội nghị tổng kết, đánh giá 3 năm thực hiện Luật BHYT ngày 6.11.

Luật chưa chặt chẽ, công bằng

Theo nhiều đánh giá, Luật BHYT ra đời tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia BHYT, tuy nhiên việc thực thi vẫn còn nhiều bất cập, rối rắm khiến cho bệnh viện lúng túng, bệnh nhân thấy phiền hà. Ông Vũ Văn Long – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh cho biết, quy định chuyển tuyến phức tạp nên người dân nghĩ rằng bệnh viện gây phiền hà, vì thế không thích tham gia BHYT.

img
Chờ lâu, thủ tục rườm rà, bệnh viện quá tải... là những nguyên nhân khiến người dân “ngại” BHYT.

Ông Long đơn cử, người dân tự động vượt tuyến và cứ nghĩ đối tượng nào cũng được thanh toán 80%, bệnh viện yêu cầu họ quay lại tuyến đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu để xin giấy chuyển viện, nhưng tại cơ sở đó không cấp vì cho rằng bệnh đó họ cũng chữa được, không cần lên tuyến trên. Vì thế bệnh nhân cho rằng mình bị “hành”. Đồng thời, tuyến dưới còn cho rằng tuyến trên “cướp” bệnh nhân BHYT của họ.

Theo ông Long, nên có quy định cứng về KCB đúng tuyến mới được thanh toán BHYT chứ không nên để quy định trái tuyến vẫn được thanh toán 30%, 50%, 70% tùy bệnh viện T.Ư, tỉnh, hay huyện như hiện nay. “Còn ai tự động chuyển tuyến chắc chắn đã lường trước đến khả năng chi trả của mình” – ông Long cho biết.

Theo số liệu của Vụ BHYT, chi phí do người bệnh tự vượt tuyến thường rất cao (chiếm 50-60% tổng quỹ KCB của đơn vị có đăng ký KCB ban đầu) nhưng lại không kiểm soát được, nên đã ảnh hưởng tới hoạt động và kinh phí của cơ sở tuyến dưới.

Ông Lê Bạch Hồng – Tổng Giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng cho biết, hiện nay quy định phạm vi quyền lợi không phù hợp với mức đóng. Mỗi người dân đóng BHYT khoảng 550.000 đồng nhưng có ca bệnh, BHYT phải chi trả hàng trăm triệu đồng. Một số nhóm đang bị mất cân đối thu chi như nhóm quỹ BHXH đóng thu được hơn 1,2 triệu đồng/đầu thẻ nhưng chi hơn 1,5 triệu đồng, nhóm cận nghèo thu 385.000 đồng nhưng chi 769.000 đồng... Hiện tại bình quân, quỹ BHYT chỉ còn dư 82.000 đồng/đầu thẻ. “Thu và chi không cân đối khiến quỹ BHYT lúc nào cũng trên bờ vực vỡ quỹ” – ông Hồng cho biết.

Miễn viện phí cho người nghèo?

Ông Thảo phân tích, quá tải bệnh viện, phải chờ đợi lâu, nằm chung giường, chất lượng thuốc điều trị và dịch vụ kỹ thuật còn nhiều hạn chế, đặc biệt là tuyến KCB ban đầu vùng sâu, vùng xa... cũng là những lý do khiến người dân không thích khám BHYT. Bên cạnh đó, người có thẻ BHYT vẫn phải tự chi trả khá nhiều từ tiền túi (trên 40%) cho các chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi được hưởng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: “Chờ lâu, thủ tục rườm rà, bệnh viện quá tải... là những nguyên nhân khiến người dân “ngại” BHYT. Ngoài ra, gói dịch vụ quá kém, người dân được hưởng lợi ít cũng khiến họ không mặn mà. Tuy nhiên, việc tăng giá một số dịch vụ mới đây sẽ nâng cao quyền lợi của người dân tham gia BHYT khi tính đúng, tính đủ, người dân không phải chi phí ngoài nữa”.

Điều bất cập nữa là chi phí KCB tại các bệnh viện tuyến T.Ư chỉ chiếm 3,4% tổng lượt bệnh nhân đến KCB nhưng lại chiếm 21,5% tổng chi phí BHYT bỏ ra, trong khi tuyến huyện chiếm 42% số lượt khám, nhưng chi phí chỉ chiếm 27,5%. Tuyến xã còn “tệ” hơn khi chiếm 31% số lượt khám, nhưng chỉ được chi 5,6% chi phí. Như vậy chỗ nghèo cần thì lại khám ít hoặc dịch vụ thiếu thốn, chỗ giàu lại tiêu tốn nhiều nên khó kêu gọi được nhóm tự nguyện tham gia BHYT.

Ông Phạm Văn Cường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Mai Châu (Hòa Bình) cho biết, theo nghiên cứu của Bộ Y tế, tỷ lệ người nghèo bị ốm không điều trị chiếm 40%, trong đó nguyên nhân khó khăn về tài chính chiếm khoảng 53%. Người nghèo khám BHYT cũng chỉ 2,9 lượt/năm, còn người khá giả là 4,7 lượt/năm. Gần 60% hộ nghèo mắc nợ do chi phí KCB. Bệnh nhân nghèo phải mượn tiền chi trả cho điều trị nội trú chiếm 67%. Như vậy, 5% đồng chi trả viện phí của người nghèo vẫn là quá cao, nhất là những ca bệnh nặng, điều trị lâu. Ông Cường kiến nghị nên miễn giảm hoàn toàn cho nhóm đối tượng này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem