Người nối dòng lịch sử Việt Nam - Cuba

Thứ năm, ngày 23/01/2014 08:01 AM (GMT+7)
Xuân Giáp Ngọ này, GS- TS Phạm Xuân Nam vừa tròn 80 tuổi, ông cũng có thâm niên đến gần 60 năm nghiên cứu lịch sử thế giới với bao biến cố thăng trầm của từng thời đại, từng dân tộc.
Bình luận 0
Và mỗi khi kể về các sự kiện đó, ông bảo, không thể không kể tới đất nước Cu-ba xinh đẹp với một tình hữu nghị tưởng chừng như không còn khoảng cách biên giới, văn hóa và ngôn ngữ…

Gõ cửa nhà ông vào buổi sáng cuối đông Hà Nội, khi đào, quất bắt đầu theo xe xuống phố. Bên chén trà ấm nóng thơm hương nhài, tôi vào đề ngay: - Mình bắt đầu câu chuyện về lịch sử thế giới từ Cuba được không bác? Câu hỏi đó dường như đã chạm đúng một tình cảm bao năm qua luôn ấm nóng trong trái tim ông…

Tốt nghiệp Khoa Sử trường Đại học tổng hợp Lomonoxop Mastxcova, tuy không học chuyên ngành về lịch sử Châu Mỹ la tinh nhưng khi về công tác tại Viện Sử học ông được phân công viết về lịch sử Cuba. Chính sự tình cờ này đã cho ông có cơ hội tiếp cận và nghiên cứu về một đất nước xinh đẹp nằm bên bờ biển Caribe.

Không biết tiếng Tây Ban Nha, không được học chuyên ngành về Cuba nhưng lại được giao làm nghiên cứu về Cuba, nhận nhiệm vụ ông vô cùng hoang mang nhưng rồi chuyến đi sang thăm nước Cuba năm 1968 đã tiếp cho ông nghị lực và tình yêu quốc đảo tươi đẹp này.

GS- TS Phạm Xuân Nam
GS- TS Phạm Xuân Nam

Ông kể, tháng 3.1968 Cuba mời 13 nước sang dự hội nghị và tuyên truyền cách mạng giúp Cuba nhưng chỉ duy nhất Việt Nam cử đoàn cán bộ sang, ông Nam vinh dự nằm trong danh sách đoàn Việt Nam đi dự, GS Ca Văn Thỉnh làm trưởng đoàn.

Ngay từ phút đầu khi đặt chân tới quốc đảo này, ông đã không giấu nổi xúc động trước tình cảm của nhân dân Cuba dành cho đoàn cán bộ Việt Nam. Khắp thị trấn, thành phố, ngõ hẻm đều căng pano "Việt Nam anh hùng”. Nhìn những pano ấy ông Nam thấy thật tự hào vì là người Việt Nam.

"Tuy đoàn Việt Nam chỉ có 2 người sang nhưng nhân dân Cuba đón tiếp rất nồng hậu và chu đáo, có xe con đưa đón, hai bên đường hàng ngàn người dân đứng vẫy tay chào và hô to: Việt Nam thân yêu. Chứng kiến cảnh ấy tôi vô cùng xúc động và tự nhủ mình phải làm thật tốt công việc mà Viện đã giao”, ông nhớ lại.

Như một điều kỳ diệu, chỉ sau 4 tháng tự mày mò học hỏi ông Nam đã có thể đọc những sách nghiên cứu về Cuba. Năm 1975 ông đã cho ra đời cuốn: Lịch sử cách mạng Cuba. Đây là cuốn sách nghiên cứu công phu với độ dày hơn 300 trang, là cuốn sách người Việt Nam viết nhưng lại được nước bạn Cuba coi là cuốn tư liệu lịch sử quý giá để giảng dạy cho sinh viên, nghiên cứu sinh Cuba.

Đánh giá về giá trị cuốn sách Lịch sử cách mạng Cuba, GS Nguyễn Khánh Toàn, nguyên chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Đây là một công trình có giá trị cao, góp phần thắt chặt và phát triển tình hữu nghị thắm thiết giữa 2 nước Việt Nam – Cuba.

Càng tìm hiểu về lịch sử thế giới ông càng thấy ham mê và cần khám phá. Để lần lượt đi sâu nghiên cứu những đề tài lịch sử đa dạng, ông đã rèn cho mình thói quen đọc rộng một số lượng lớn tài liệu tham khảo có liên quan của các nhà khoa học cả trong và ngoài nước. Ngoài tiếng Nga được đào tạo bài bản, ông đã tự học tiếng Tây Ban Nha, rồi tiếp tục học thêm tiếng Pháp, tiếng Anh đến đủ trình độ để học, tra cứu, tìm hiểu những vấn đề mình quan tâm.

Ông Nam tâm sự, là nhà nghiên cứu lịch sử việc viết sách, có các công trình nghiên cứu là một lẽ thường nhưng với ông cuốn sách viết về Cuba không chỉ là một công trình mà nó được viết ra bởi chính những cảm xúc trân trọng hơn bao giờ hết. Năm 1985 ông được giao giữ trọng trách Phó Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam-Cuba, trong suốt 30 năm gắn bó với công tác hội ông đã có nhiều sáng kiến, tổ chức nhiều hội thảo khoa học về lịch sử Cuba, điều này có ý nghĩa rất lớn giúp thế hệ trẻ Việt Nam hiểu rõ hơn về người bạn – người anh em Cuba.

Trong nhiều thập kỷ qua, quan hệ đoàn kết, hữu nghị và hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Cu-ba không ngừng được củng cố và phát triển. Lãnh đạo Việt Nam và Cu-ba luôn nhất trí cao và coi trọng việc tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác Việt Nam - Cu-ba trên mọi lĩnh vực và nâng cao hiệu quả của những mối quan hệ đó phù hợp với tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước. Là một nhà nghiên cứu lịch sử thế giới, ông Nam tự hào mình đã góp một phần nhỏ bé để thế hệ trẻ hai nước ngày càng hiểu hơn về lịch sử, về tình hữu nghị bền chặt Việt Nam – Cuba.

GS. TS Phạm Xuân Nam là tác giả, chủ biên, đồng chủ biên, đồng tác giả trên 50 cuốn sách về Lịch sử thế giới, Lịch sử Việt Nam, Tư tưởng Hồ Chí Minh, quá trình đổi mới toàn diện đất nước, văn hóa và phát triển, triết lý phát triển...Trong đó có các cuốn như: Lịch sử Cách mạng Cuba, Cách mạng tháng Mười và Cách mạng Việt Nam, Nửa thế kỷ đấu tranh dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội...

ĐĐK (Theo ĐĐK)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem