Người nông dân hơn 20 năm góp phần gìn giữ biên cương phía Bắc
Người nông dân hơn 20 năm góp phần gìn giữ biên cương phía Bắc
Quỳnh Nguyễn
Thứ hai, ngày 31/08/2020 08:00 AM (GMT+7)
Ít ai nghĩ người nông dân có vóc dáng nhỏ thó ấy lại có hơn hai thập kỷ cùng bộ đội tuần tra, đảm bảo an ninh trật tự, gìn giữ từng dải đất biên cương nơi địa đầu Tổ quốc.
Ở cái tuổi ngoài 50, ông Vừ Chúng Cáy (xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang) đáng lẽ phải nghỉ ngơi lâu rồi, ấy thế mà hễ tin báo về có người vượt biên hay xảy ra trộm cắp... nửa đêm ông cũng xách đèn pin ra khỏi nhà.
Ông Cáy làm trưởng thôn Mô Pải Phìn đã quá 20 năm, có lẽ ông là một trong số ít người giữ một chức vụ lâu đến thế. Từ những ngày tháng chẳng có đồng phụ cấp nào cho đến những năm sau này có chút phụ cấp ít ỏi, ông vẫn làm tốt nhiệm vụ, không nề hà gian truân, thậm chí cả sự nguy hiểm tính mạng.
"Vác tù và hàng tổng" ở một thôn biên giới, nơi vấn đề an ninh trật tự luôn rất "nóng", ông Cáy giữ tinh thần cảnh giác, sẵn sàng tham gia, hỗ trợ lực lượng biên phòng gìn giữ an ninh, chủ quyền không chỉ cho riêng Mô Pải Phìn mà cho cả khu vực giáp ranh biên cương phía Bắc.
Nếu nói về công cuộc giữ đất, giữ biên cam go, Hà Giang là một trong những vùng đất nổi bật nhất. Đại tá Nguyễn Văn Hiền, nguyên đồn trưởng đồn biên phòng Thanh Thủy (Vị Xuyên, Hà Giang) từng mô tả: "Các nơi khác tiếng súng im rồi nhưng Hà Giang mãi tới cuối năm 1989 vẫn còn tiếng súng".
Cho đến thời điểm 1989-1990, qua giai đoạn ác liệt, chính quyền tỉnh mới bắt đầu chủ trương đưa người dân trở lại sinh sống. Vậy là ông Cáy cùng bộ đội biên phòng lần lượt tìm đến bản dân sơ tán thuyết phục người dân quay về dựng làng trên đất cũ.
"Lúc đó người dân chưa thích sống thành thôn, bản đâu, thuyết phục rất khó. Chúng tôi phải lấy đất nương để đổ nền nhà. Cứ thấy bộ đội biên phòng đóng trạm ở đâu thì người dân tập trung về gần đấy. Có cái bờ đá, mình cứ nhìn vào biết đâu là bên mình. Dân mình đi làm nương, thấy dân bên họ cuốc sang đất mình thì đứng dàn hàng ngang ra chặn. Lúc mình còn trẻ, các cụ cũng không cho thả bò sang nước họ", ông Cáy kể.
Sau này, khi cột mốc biên giới mới được dựng, không còn phải nhìn bờ rào đá nhưng ông Cáy vẫn biết rõ đường biên giới. Sau nhiều năm chiến tranh, dấu vết những hàng rào đá vẫn còn, như một sự khẳng định chủ quyền chắc chắn.
"Một hòn đất, hòn đá cũng không được phép lấy của nhau", ông Cáy chỉ về những mảng đá nhọn hoắt, nói bằng tiếng Kinh không rành rọt.
Video: Ông Cáy kể chuyện bảo vệ an ninh biên giới phía Bắc
Theo lời ông, Mo Pải Phìn có 92 hộ đồng bào Mông sinh sống trong đó hơn 60% là hộ nghèo. Từ năm 2010 trở về trước, tình hình an ninh trật tự trong thôn phức tạp, có nhiều bất ổn. Đặc biệt nửa thôn giáp biên giới phía Bắc tình hình trộm cắp, vượt biên trái phép diễn ra như cơm bữa.
"Trước mình đi vất vả lắm, đi bộ chứ không có xe như bây giờ đâu. Có những tuần đi liền 3-4 ngày cùng bộ đội biên phòng và công an viên. Đường xa và tối, đá tai mèo lởm chởm nhưng đèn cũng không mang, soi đèn thì thấy người lạ mặt nó chạy không bắt được...", ông thuật lại.
Là cán bộ thôn, hiểu rõ vấn đề hiểu biết hạn chế, khó động viên của đồng bào bào dân tộc, thông qua những cuộc họp thôn và xuống tận nhà vận động, ông tích cực tuyên truyền cho người dân hiểu về chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Nhiều hộ không biết chữ, biết nói tiếng phổ thông, ông phải phiên dịch thì người dân mới hiểu...
Khó khăn là vậy nhưng ông Cáy vẫn làm chỉn chu, kiên nhẫn vì hơn ai hết ông hiểu rõ đồng bào dân tộc mình, ông thương và muốn cuộc sống của người dân nơi vùng cao nghèo khó này bớt nghèo, bớt khổ.
Những nỗ lực của ông Cáy và các cấp, các ngành cũng đem lại những kết quả tích cực. Từ năm 2010 trở lại đây, cơ bản tình hình an ninh chính trị của thôn Mo Pải Phìn ổn định, không có kiện cáo kéo dài, tập trung đông người.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một vấn đề nan giải ở Mo Pải Phìn nói riêng và xã Sủng Là nói chung là tỷ lệ hộ nghèo cao. Cái đói, cái nghèo khiến số lượng người dân sang Trung Quốc làm việc ngày càng gia tăng, địa hình thôn lại chia cắt nên công tác quản lý gặp khó khăn chồng chất.
Mang nỗi băn khoăn thoát nghèo, ông Cáy tiên phong áp dụng mô hình VAC ở địa phương. Ông kết hợp trồng rừng, nuôi trâu, bò, lợn... và dạy lại cho bà con trong thôn những kinh nghiệm, kĩ thuật mình tích cóp được. Nhờ thế, không ít hộ đã có của ăn của để, tỷ lệ người vượt biên trái phép cũng từ đó giảm dần.
Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Thào Pháy Chá - Bí thư Đảng ủy xã Sủng Là đánh giá, ông Vừ Chúng Cáy có kinh nghiệm trong công tác tập hợp quần chúng tham gia thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương. Đặc biệt, với Mo Pải Phìn là thôn biên giới, ông Cáy đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền cho nhân dân bảo vệ đường biên, cột mốc và giữ vững an ninh, chính trị trên địa bàn và thường xuyên thực hiện tốt nhiệm vụ tuyên truyền nhân dân trong thôn thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi để từng bước phát triển bền vững.
"Đồng chí Cáy là một đảng viên tiêu biểu, được xã đánh giá rất cao trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, chủ quyền Quốc gia. Trong cuộc sống thường ngày, ông Vừ Chúng Cáy nhận được sự tín nhiệm, tin yêu của người dân trong thôn, có nhiều đóng góp tích cực trong việc vận động bà con giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Nói về kinh tế, gia đình đồng chí cũng là gia đình tiêu biểu phát triển chăn nuôi như nuôi bò, trồng trọt... là tấm gương phát triển kinh tế của địa phương. Đây là tấm gương sáng để xã khuyến khích, nhân rộng...", ông Chá nói.
Đi qua những đau thương, các vùng đất biên giới đang dần bình yên trở lại. Trên dải đất hình chữ S, có biết bao anh hùng thầm lặng - như ông Cáy - đã dành cả tuổi trẻ để gìn giữ những thửa ruộng, căn nhà ở biên giới. Họ đã lựa chọn đất biên giới để ở lại, sống bám núi, chết bám núi, ngoài cuộc sống sinh nhai còn vì đó là Tổ quốc. Chính họ đang viết tiếp câu chuyện từ thế hệ cha ông và tiếp tục vực dậy kinh tế vùng biên đang ngưng đọng sau chiến tranh, bằng những ước mơ vượt núi của riêng mình.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.