Bà Nguyễn Thị Bạch Mai – Chủ tịch Hội Nông dân (Hội ND) TP.HCM báo cáo đề dẫn, trong từng thời kỳ, người nông dân được xây dựng với các tiêu chí phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Ngày nay, phải đào tạo nông dân có trình độ sản xuất ngang bằng với trình độ của nông dân các nước tiên tiến trong khu vực và xây dựng lại giai cấp nông dân, củng cố liên mình công nhân – nông dân – trí thức vững mạnh, đủ bản lĩnh chính trị và đóng vai trò làm chủ nông thôn mới.
"Người nông dân mới" là người có trình độ, sản xuất kinh doanh hiệu quả và biết cống hiến cho xã hội.
Để xây dựng hình mẫu người nông dân mới TP.HCM, Hội ND TP.HCM có gợi ý xây dựng các tiêu chí như: Giàu lòng yêu nước, biết giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của giai cấp nông dân. Thứ hai, phải là người có trình độ học vấn, có kiến thức khoa học công nghệ tiên tiến, biết làm chủ, biết liên kết, hợp tác trong sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả kinh tế cao.
Bên cạnh đó, nông dân mới là người cần cù lao động, sáng tạo, có ý chí vươn lên làm giàu, đồng thời cũng phải biết thể hiện tinh thần đoàn kết nghĩa tình nông dân, có uy tín, tình cảm tốt đẹp đối với gia đình và xã hội, tạ sức lan tỏa đến cộng đồng dân cư. Người nông dân mới cũng phải chấp hành pháp luật.
TS Huỳnh Thành Lập – Phó trưởng Đoàn đại biểu quốc hội TP.HCM, nguyên Phó chủ tịch Hội ND TP.HCM cho rằng, các tiêu chí về người nông dân thì phải riêng biệt, có dấu ấn đặc trưng, đặc thù của người nông dân.
Không thể chỉ nêu những yếu tố chung chung như bảo vệ môi trường, học tập nâng cao kiến thức hay ứng dụng khoa học kỹ thuật… Vì những điều này, cả xã hội đều làm không riêng gì nông dân.
“Nông dân bây giờ rất hiện đại, hằng ngày đều vào mạng xem Youtube, Facebook xem tin tức hằng ngày… Do đó, người nông dân mới phải biết thẩm định thông tin, biết bên đúng bên sai, biết yêu nước – theo Đảng, biết cách làm ăn, kinh doanh, đoàn kết giúp nhau làm giàu…”, TS Huỳnh Thành Lập nhấn mạnh.
Người nông dân mới phải biết tính toán, sản xuất sản phẩm nào mang lại hiệu quả cao
Còn theo ông Dương Văn Nhân – Nguyên phó chủ tịch thường trực Hội ND TP.HCM, trong một lần sang Đức học hỏi kinh nghiệm xây dựng HND, vị chủ tịch Hội ND Đức hỏi ông Nhân một câu khiến ông day dứt mãi: Một nông dân giỏi của TP.HCM làm ra sản phẩm nuôi được khoảng bao nhiêu người?
Thời điểm đó, ông Nhân trả lời rằng, một nông dân TP.HCM sản xuất tốt có thể nuôi sống được 7 – 9 người. Thế nhưng, đáp lại câu trả lời này, vị Chủ tịch Hội ND Đức trả lời rằng, con số này chỉ bằng với thành quả của nông dân Đức những năm 1960. Hiện nay, nông dân Đức có thể nuôi sống bản thân và nuôi thêm được khoảng 140 người.
“Tôi nêu ví dụ vậy để mình đặt mục tiêu. Nông dân phải là người sống được bằng nông nghiệp. Nông dân mới phải là người được đào tạo chuyên ngành. Không thể có chuyện một nông dân được tuyên dương là nông dân giỏi nhưng hỏi ra thì nguồn thu là từ cho thuê nhà xưởng, xây phòng trọ… Như vậy là không được!”, ông Nhân nhấn mạnh.
Ông kể, ở Đức, một người muốn được công nhận là nông dân phải đi học đào tạo chuyên sâu 6 tháng. Một gia đình có nhiều con nhưng nếu con không theo học nông nghiệp thì không được thừa kế đất đai của gia đình.
“Nghĩa là làm nông dân cũng phải được đào tạo chuyên sâu, bài bản. Đây là điều cần thiết cho hình mẫu người nông dân mới”, ông Nhân nói.
Bà Nguyễn Thị Bạch Mai - Phó Chủ tịch Hội ND TP.HCM kết luận tại tọa đàm.
Ông Võ Văn Bình, Chủ tịch Hội ND huyện Hóc Môn (TP.HCM) góp ý rằng, cái khó của việc “hành nghề nông nghiệp” hiện nay là không ai dám đảm bảo cho nông dân cả, không có doanh nghiệp nào bán bảo hiểm cho nông dân và các sản phẩm của nông dân.
Ngay tại huyện Hóc Môn, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp trên đầu người còn rất ít nên phần lớn nông dân bỏ nông nghiệp, chuyển sang công việc khác để mưu sinh. Tuy vậy, vẫn còn nhiều hộ nông dân kiên trì bám trụ với nghề, tìm tòi khắc phục khó khăn để vươn lên làm giàu bằng nghề nông nghiệp.
Theo ông Bình, do diện tích sản xuất nhỏ nên người nông dân phải biết tính toán, sản xuất sản phẩm nào mang lại hiệu quả cao, phải độc lạ và có được thị trường riêng. Nghĩa là nông dân vừa phải biết sản xuất, kinh doanh, thậm chí phải biết quản trị doanh nghiệp để có thể sống tốt được với thị trường.
Tổng kết tọa đàm, bà Nguyễn Thị Bạch Mai – Chủ tịch Hội ND TP.HCM cho rằng, hình mẫu “người nông dân mới” không phải là phủ định cái cũ mà là gia cố lại, làm cho mới hơn để phù hợp nhất với điều kiện tình hình hiện nay.
Thời gian tới, Hội ND TP.HCM sẽ hoàn thiện tiêu chí người nông dân mới theo hướng ngắn gọn, dễ hiểu, dễ làm để cùng thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.