Chị Nguyễn Thị Liên - 55 tuổi, quê ở Hà Nam, hiện ở xóm Liều (gầm cầu Long Biên, Hà Nội) cùng hơn 30 người cũng làm nghề chạy chợ, khuân hàng, rửa bát thuê…
|
Chị Nguyễn Thị Liên cùng “người bạn” Lu con. |
Bắt đầu câu chuyện với chúng tôi, chị nói trong tiếng nấc dài: “Tôi xa quê năm nay nữa là gần 40 năm. Tôi không còn nhớ tất niên sum họp cùng gia đình như thế nào nữa”. Nơi mà chị gọi là nhà, là một căn phòng chừng 11m2, thuê của một vợ chồng già trong con hẻm ở xóm Liều. Nói là nhà cho oai chứ thực ra là chị chỉ thuê đất, rồi nhờ ông bà chủ dựng thêm mấy tấm gỗ và tôn che lên để tránh mưa, tránh nắng. Bầu bạn với chị chỉ có một con chó mà chị gọi là Lu con.
Không về thì nhớ, mà về thì khổ. Về thì cũng phải kiếm tý quà tý bánh cho con cháu, anh em họ hàng. Giờ mà về người không coi chừng lại bị đuổi đi cũng nên.
Chị Liên nghẹn ngào
Cuộc đời chị đầy nước mắt. 7 tuổi mẹ mất, bố lấy vợ hai, 2 chị em của chị sống khổ sở với cảnh mẹ ghẻ con chồng. Năm 15 tuổi, chị bị lừa bán đi Trung Quốc làm gái bán dâm. Hai tháng sau ngày bị bán sang biên giới, chị may mắn trốn thoát về Việt Nam. Ngỡ được về Việt Nam thì cuộc sống sau này sẽ bớt cực khổ, ấy vậy mà cuộc đời thật chua chát với chị.
Chị không còn nhớ nữa, chỉ hình dung mang máng về cái Tết đầu tiên vừa đặt chân xuống Hà Nội, chị kể: “Hôm tôi đặt chân xuống Hà Nội thì mới biết hôm đó là 30 Tết, trời lạnh trên người lại có mỗi một manh áo mỏng manh không còn biết đi đâu, về đâu”.
5 năm lang thang, chán cảnh vô gia cư, chị quyết định rủ một vài chị em chạy vào ở khu trọ ổ chuột này. Mỗi tháng, các chị cũng chỉ kiếm được hơn 2 triệu đồng, trừ tiền nhà và ăn uống đi thì cũng hết. Biết thế nhưng chị Liên cũng chẳng mảy may buồn: “Tiền nhiều mà làm gì hả cô, tôi không chồng không con, tích cóp được đồng nào thì sau này già còn có tiền cho người ta mua quan tài chôn cất hộ!”.
Gần 40 năm tha hương, ngày gần Tết, chị cứ thẫn thờ nhìn gia đình người ta cùng nhau đi mua sắm rồi ao ước được ăn bữa cơm tất niên cùng gia đình, nỗi khát khao bình dị ấy có khi còn khắc sâu vào cả trong giấc mơ của chị. Nghĩ là nghĩ thế thôi, chứ cũng chẳng có tiền mà về quê. Cũng may, mấy ngày nay, chị nhận được cả chục cuộc điện thoại đăng ký thuê chị dọn dẹp nhà cửa, rửa bát trong đêm giao thừa.
Chị bảo: “Thế lại hay. Công việc bận rộn cho nguôi ngoai cái buồn, cái khổ cô ạ!”. Đằng sau câu nói như tự dằn lòng mình lại ấy, là nỗi đau không gì sẻ chia của người đàn bà hơn 50 năm qua chưa một lần được chạm tay vào hạnh phúc, chưa một lần được nếm “mùi” Tết sum họp bên gia đình.
Hằng Nga
Vui lòng nhập nội dung bình luận.