Ngày 18.9, TAND cấp cao tại TP.HCM mở phiên họp phúc thẩm về việc yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật giữa nguyên đơn là bà Mỹ Ngọc (sinh năm 1930, ngụ quận 11) và bị đơn là bà Yến (sinh năm 1956, ngụ quận 8, cùng TP.HCM).
Bà Minh Hiền (con gái bà Ngọc) mang theo di ảnh của ông Kham tới tòa.
Theo quyết định của tòa tòa sơ thẩm, bà Ngọc và ông Kham chung sống với nhau từ năm 1953, có giấy giá thú số 04/10/1955, tại phường Đệ Nhất, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.
Bà Ngọc xin cấp trích lục lại giấy giá thú nhưng Sở Tư pháp TP.Nha Trang đã có văn bản trả lời do sổ hộ tịch từ trước năm 1975 về trước tỉnh không còn lưu giữ.
Bà Ngọc và ông Kham có 10 người con chung, lớn nhất sinh năm 1954, nhỏ nhất là sinh năm 1976. Trong quá trình chung sống với bà Ngọc, ông Kham còn có một người vợ khác là bà Thành và có 7 người con chung. Đến năm 1997 thì bà Thành qua đời.
Năm 1987, bà Yến làm thuê cho ông Kham. Năm 2013, khi ông Kham qua đời thì bà Ngọc phát hiện giữa ông Kham và bà Yến đã lập giấy chứng nhận kết hôn ngày 6.3.2000 tại UBND phường 7, quận 6, TP.HCM.
Cho rằng việc kết hôn giữa bà Yến và ông Kham là trái pháp luật vì khi đăng ký kết hôn với bà Yến thì ông Kham đã có vợ con. Bà Ngọc và ông Kham chung sống với nhau đến khi ông Kham qua đời, giữa hai người vẫn chưa ly hôn.
TAND TP.HCM mở phiên họp chấp nhận yêu cầu của bà Ngọc, quyết định hủy giấy chứng nhận kết hôn giữa bà Yến và ông Kham.
Sau quyết định của tòa sơ thẩm, bà Yến kháng cáo, yêu cầu hủy quyết định sơ thẩm, công nhận giấy chứng nhận kết hôn giữa bà và ông Kham.
Tại phiên tòa hôm nay, bà Yến trình bày từ năm 1987, bà và ông Kham chung sống với nhau như vợ chồng. Bà chỉ biết ông Kham chỉ có một người vợ tên Thành và đã ly thân chứ không biết bà Ngọc. Tới khi ông Kham mất thì mới biết bà Ngọc. Giấy chứng nhận kết hôn của bà và ông Kham được chính quyền địa phương cấp và giữa hai người có 2 người con chung. Vì vậy, bà đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo của bà.
Bà Minh Hiền (con gái bà Ngọc) trình bày: bố cô có 2 người vợ và 17 người con chung sống hạnh phúc với nhau, không biết mối quan hệ giữa bố cô và bà Yến. Việc bà Yến kết hôn với bố cô là vi phạm pháp luật nên yêu cầu HĐXX giữ nguyên quyết định sơ thẩm.
Sau khi nghị án, HĐXX nhận định, bà Ngọc và ông Kham sống chung từ năm 1953, trong quá trình chung sống ông Kham lại có thêm vợ bé là bà Thành. Trước năm 1975, đất nước đang bị chia cắt nên cần xác định lại có giấy giá thú giữa bà Ngọc và ông Kham hay không. Lúc ông Kham qua đời không có để lại di chúc thừa kế nên giữa 19 người con đang xảy ra tranh chấp thừa kế. Vì vậy, HĐXX quyết định hủy án sơ thẩm để điều tra, làm rõ thêm một số vấn đề.
Xuân Duy (Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.