Người phụ nữ hơn 20 năm miệt mài cùng trẻ đặc biệt

Đức Bách - Lưu Hoài Thứ năm, ngày 08/06/2023 08:38 AM (GMT+7)
Việc dạy học bình thường đòi hỏi người giáo viên phải kiên nhẫn một thì dạy các bé đặc biệt phải kiên nhẫn gấp bội. Công việc này khiến cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Bích không ít lần trăn trở, song cô vẫn bền bỉ đồng hành vì tương lai của những đứa trẻ.
Bình luận 0

"Cơ duyên" với công việc dạy trẻ đặc biệt

Sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tâm lý tại Đại học Sư Phạm Hà Nội, cô Nguyễn Thị Ngọc Bích (sinh năm 1976) làm việc tại phòng Tâm lý - Y học - Giáo dục Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội). Ở đây, cô thực sự được đem những kiến thức học từ trường Đại học giúp cho các trẻ em có rối loạn tâm lý nói chung. 

Người phụ nữ hơn 20 năm miệt mài cùng trẻ đặc biệt - Ảnh 1.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Bích - người giáo viên của những đứa trẻ đặc biệt (Ảnh: NVCC)

Thời điểm đó, hầu hết các bé gặp khó khăn đặc biệt như bị câm, điếc, Down, bại não, chậm phát triển trí tuệ… đều đã được xã hội biết đến và dành cho các em nhiều sự quan tâm. Nhưng hai từ "tự kỷ" thì hầu như ít người để ý đến, ngay cả các bác sĩ ở bệnh viện cũng chưa nắm rõ. 

Trong quá trình thăm khám và sàng lọc cho trẻ em ở Hà Nội, cô Nguyễn Thị Ngọc Bích nhận thấy, mặc dù xã hội vẫn chưa biết gì về hội chứng tự kỷ, nhưng số lượng trẻ mắc rối loạn phổ tự kỷ ngày càng tăng lên. Vì vậy, cô giáo gốc Hà Nội quyết định nghiên cứu chuyên sâu vào công việc với nhóm trẻ này. Năm 2005, cô có cơ hội xuất hiện trên truyền hình để nói về hội chứng tự kỷ. Từ đó, nhiều phụ huynh đã nhận ra và dũng cảm đồng hành cùng các con.

May mắn khi có gia đình luôn ủng hộ

Dạy những trẻ em đặc biệt là một công việc vô cùng gian nan, cần rất nhiều sự kiên nhẫn. Cô Bích chia sẻ về hành trình vượt qua định kiến xã hội và lựa chọn gắn bó với nghề:"Ở thời điểm đó, hai từ 'tự kỷ' là điều tương đối lạ lẫm trong xã hội. May mắn thay, tôi luôn được gia đình riêng của mình đồng hành và ủng hộ. Thế nên, tôi có cơ hội được gắn bó với các bé hơn 20 năm nay".

Nữ giáo viên thủ đô cho biết: "Khó khăn lớn nhất khi làm việc với nhóm trẻ này là thuyết phục cha mẹ chúng nhận diện ra sự đặc biệt của chúng, chấp nhận sự đặc biệt đó và đồng hành cùng trẻ để giúp chúng hòa nhập xã hội. Với nhiều bậc cha mẹ, tự kỷ đồng nghĩa với điên loạn, ngu dốt và không có tương lai. Chính vì vậy, việc để họ chấp nhận và đồng hành với con mình là cả một chặng đường dài". 

Dạy trẻ đặc biệt, cô cũng trở nên "đặc biệt"

Ngành nghề nào cũng có nỗi niềm riêng: Niềm vui, nỗi buồn, vinh quang, vất vả nhưng nghề giáo viên dạy trẻ đặc biệt còn có nhiều câu chuyện hơn thế.

Người phụ nữ hơn 20 năm miệt mài cùng trẻ đặc biệt - Ảnh 2.

Người phụ nữ hơn 20 năm miệt mài cùng trẻ đặc biệt - Ảnh 3.

Những khoảnh khắc đáng yêu của cô Bích cùng với các bạn học sinh "đặc biệt. (Ảnh: NVCC)

"Việc dạy học bình thường đòi hỏi người giáo viên phải kiên nhẫn một thì dạy các bé đặc biệt phải kiên nhẫn gấp bội. Giáo viên đặc biệt không chỉ dạy các bé tám tiếng một ngày mà thường xuyên dạy các bé gần như trọn cả ngày, trừ khi các bé ngủ. Thế nên, giáo viên đặc biệt có rất ít thời gian cho bản thân và gia đình riêng",  cô Bích xúc động chia sẻ. 

Đại dịch COVID-19 đã gây trở ngại không nhỏ cho nghề dạy trẻ đặc biệt. Đối với học sinh bình thường, nhà trường có thể chuyển đổi từ hình thức dạy trực tiếp sang dạy học trực tuyến. Nhưng các bé đặc biệt gặp thiệt thòi nhiều hơn vì hầu hết các em không thể học trực tuyến.

Sau khi ngành giáo dục được hoạt động trở lại, việc dạy các bé cũng gặp nhiều khó khăn không kém. Bởi lẽ, tình trạng mà các em đang mắc phải là chứng rối loạn phát triển. Nếu không có sự can thiệp kịp thời, những vấn đề của trẻ sẽ lớn dần theo năm tháng. Khi tuổi càng lớn, việc can thiệp để hỗ trợ các em càng gặp nhiều trở ngại. Không những vậy, thời gian nghỉ lâu dẫn đến các bé trở nên lười học, ham chơi cũng gây khó khăn cho giáo viên vì phải dạy trẻ lại từ đầu. 

Người phụ nữ hơn 20 năm miệt mài cùng trẻ đặc biệt - Ảnh 4.

Người phụ nữ hơn 20 năm miệt mài cùng trẻ đặc biệt - Ảnh 5.

Cô Bích và các bạn học sinh tự kỷ cùng tham gia một lớp học trải nghiệm. (Ảnh: NVCC)

Nỗi buồn lớn nhất chính là cô dạy mãi trò không tiến bộ. Cô Bích đã nhiều lần cảm thấy đau lòng khi vẫn còn những em chìm sâu vào hội chứng này, mãi không thoát ra được. Thậm chí, nữ giáo viên còn mất ngủ nhiều đêm vì tìm phương pháp dạy học phù hợp với từng học trò của mình. Cô Bích chia sẻ: "Có nhiều bậc phụ huynh tạo áp lực, muốn con họ có kết quả ngay. Khi kết quả không như mong muốn, vì quá thương con, phụ huynh ít nhiều quy kết trách nhiệm cho cô giáo khiến chúng tôi hoang mang, lo lắng". 

Chứng kiến sự trưởng thành của những đứa trẻ đặc biệt chính là thành tựu to lớn trong sự nghiệp "trồng người" của nữ giáo viên đặc biệt. Cô giáo 7x tự hào nói: "Có nhiều học sinh giờ đã học tới đại học, có em đã lập gia đình và có thể sống tự lập". 

Không chỉ vậy, mà phụ huynh của những đứa trẻ cũng cảm thấy vô cùng hài lòng và xúc động khi thấy con em mình khôn lớn và trưởng thành. Chị Thu Hà, một phụ huynh có con đã theo học lớp cô Bích xúc động chia sẻ: "Khoảng thời gian đầu học lớp của cô, con còn chưa nói được từ gì, vậy mà qua thời gian, con ngày càng tiến bộ, mình cảm thấy rất hài lòng với những gì con đạt được".

Người phụ nữ hơn 20 năm miệt mài cùng trẻ đặc biệt - Ảnh 6.

Cô Bích gặp lại một học trò cũ của mình nay đã tốt nghiệp đại học. (Ảnh: NVCC)

Chính tình yêu, sự trăn trở với trò, với nghề giáo đặc biệt mà tới nay, học sinh đi đâu cũng nhớ về cô Bích như một người mẹ hiền, có công sinh thành ra mình thêm lần nữa. "Mỗi sự thay đổi tích cực của các bé dù là ít hay nhiều, tôi đều xúc động trào nước mắt như chính tôi đang thành công vậy. Mọi người vẫn hay nói rằng, tôi đang giúp đỡ cho các bé. Nhưng tôi nghĩ, chính các bé mới giúp làm nên tôi của ngày hôm nay – một cô giáo dạy trẻ đặc biệt", cô chia sẻ thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem