Người phụ nữ lăng mạ, đòi "hôn đến chết" CSGT có thể bị xử lý thế nào?

Quang Trung Thứ bảy, ngày 18/02/2023 15:04 PM (GMT+7)
Chuyên gia pháp lý đã có bình luận về vụ việc một người phụ nữ liên tục chửi bới, thách thức, thậm chí vừa nói vừa lao vào Cảnh sát giao thông đòi "hôn em đến chết".
Bình luận 0

Lăng mạ Cảnh sát giao thông, đòi "hôn em đến chết"

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi cảnh người phụ nữ trung tuổi bị còng tay, buông những lời lẽ lăng mạ, xúc phạm cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ.

Người phụ nữ lăng mạ, đòi "hôn đến chết" CSGT có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Bà N. nhiều lần nhoài người đòi hôn vào mặt chiến sĩ Cảnh sát giao thông. Ảnh cắt từ clip.

Theo nội dung đoạn clip, người phụ nữ trung tuổi mặc áo đen bị còng tay, liên tục chửi chiến sĩ cảnh sát giao thông. Người này sau đó còn dùng cơ thể để va vào một cảnh sát, miệng nói "hôn em cho đến chết".

Chỉ huy đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa cho biết sự việc xảy ra vào 11h30 ngày 16/2. Người phụ nữ này tên N.T.N. (44 tuổi, trú thị trấn Cành Nàng, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa).

Lúc này, đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Bá Thước đang làm nhiệm vụ tại thị trấn Cành Nàng, phát hiện chị L. (sinh năm 1998), là con dâu bà N., điều khiển xe máy không đội mũ bảo hiểm, nên đã dừng xe để lập biên bản vi phạm hành chính.

Sau đó, bà N. xuất hiện xin bỏ qua lỗi vi phạm cho con dâu, nhưng bị lực lượng chức năng từ chối. Người này liền lăng mạ, chửi bới lực lượng cảnh sát giao thông, nên bị tổ công tác khống chế, còng tay giao cho Công an huyện Bá Thước xử lý.

Xử lý hành chính hay hình sự

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, clip lan truyền trên mạng xã hội chỉ là một phần sự việc, cơ quan chức năng sẽ làm rõ nguyên nhân, diễn biến hành vi của người phụ nữ từ khi xuất hiện cho đến khi bị khống chế đưa về cơ quan công an xem xét xử lý.

Những gì thể hiện qua clip cho thấy người phụ nữ đã bị còng tay và thể hiện thái độ bức xúc, liên tục có những lời nói, hành vi xúc phạm người thi hành công vụ, cản trở hoạt động thi hành công vụ.

Ông Cường cho rằng, hành vi của người phụ nữ thể hiện qua clip sau khi đã bị còng tay là thể hiện thái độ coi thường người thi hành công vụ và có dấu hiệu cản trở hoạt động công vụ, chống người thi hành công vụ.

Bởi vậy trường hợp hành vi khiến hoạt động công vụ không thể thực hiện được hoặc xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của người thi hành công vụ hoặc ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, người phụ nữ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Chống người thi hành công vụ" theo quy định tại Điều 330 Bộ luật hình sự.

Trường hợp hành vi cản trở hoạt động công vụ nhưng chưa đến mức nghiêm trọng, chưa đến mức được xác định là nguy hiểm cho xã hội, người phụ nữ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Điều 21 Nghị định 144/2021/NĐ-CP với mức xử phạt có thể đến 8 triệu đồng.

"Trong vụ việc này, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng, người phụ nữ này sẽ bị phạt hành chính. Còn hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 330 với chế tài nghiêm khắc" – vị chuyên gia nêu quan điểm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem