Người phụ nữ nào đã giúp Hưng Đạo Vương bắt sống danh tướng Nguyên Mông - Phạm Nhan?
Người phụ nữ nào đã giúp Hưng Đạo Vương bắt sống danh tướng Nguyên Mông - Phạm Nhan?
Đình Tú
Thứ bảy, ngày 15/04/2023 19:32 PM (GMT+7)
Phạm Nhan, một trong những tướng lĩnh đầu sỏ của quân Nguyên Mông trong lần xâm lược Đại Việt lần thứ 3 bị bắt và chém đầu. Người có công bắt Phạm Nhan lại lạ một phụ nữ.
Cách đền Kiếp Bạc 1km về phía bắc, bên dòng sông Thương có môt ngôi nghè. Theo truyền thuyết ngôi nghè đó thờ bà hàng cơm đã có công trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ XIII: người đã có công bắt tướng Phạm Nhan của quân Nguyên Mông.
Khi quân Nguyên Mông tràn sang, bà chủ quán được Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn tin cậy giao cho việc theo dõi, quan sát các đội binh thuyền của giặc và sự di chuyển hoạt động của chúng qua những binh lính vào ăn quà, uống rượu, rồi mật báo để người kip thời đối phó. Một hôm có một người ăn vận đồ xanh, tướng mạo hung dữ vào ăn hàng, uống rượu. Bà dò hỏi tên tuổi, được biết đó là tên tướng giặc Phạm Nhan.
Theo sử sách, Phạm Nhan sinh ở Đại Việt, bố người Trung Quốc, mẹ người Việt. Hắn bỏ sang Trung Quốc xin nhập vào đội quân xâm lược nhà Nguyên Mông. Biết được nguồn gốc xuất thân của hắn, vua Nguyên là Hốt Tất Liệt tin dùng, phong làm tướng phù giúp cho con trai là Thái tử Thoát Hoan đi xâm lược Đại Việt.
Khi đã tiếp rượu cho tên tướng giặc uống say, bà chủ quán mới lựa lời dò hỏi: "Nghe nỏi Tướng quân tài giỏi có nhiều phép mầu có phải không ạ ?" Trong lúc say rượu tên tướng giặc khoe khoang về tài nghệ của mình, hắn nói :" Ta có ngũ phép (5 phép) thần thông, đang to khỏe hoá nhỏ không dây nào trói được, chém đầu này mọc đầu khác".
- Tướng quân tài giỏi như vậy còn sợ ai chém nữa ?
- Muốn trói ta phải trói bằng chỉ ngũ sắc, ta sẽ không hóa nhỏ được, song muốn chém đầu ta và không cho mọc đầu khác thì phải dùng vôi tôi trộn với phân gà sáp và bồ hóng mà bôi lên lưỡi kiếm.
- Tướng quân đang chỉ huy thuyền nào?
- Tên tướng giặc Phạm Nhan chỉ xuống chiếc thuyền to nhất đậu ở phía bên sông:
- Trong thuyền có nguyên soái Ô Mã Nhi và ta chỉ huy.
- Nắm được bí mật đó, bà chủ quán đã kịp thời báo ngay về quân doanh cho Trần Hưng Đạo biết.
- Tại trận Bạch Đằng lịch sử, đoàn thuyền của giặc sa vào bãi cọc ngầm của ta bày sẵn. Đoàn thuyền tan vỡ chìm xuống sông. Quân ta tràn lên thuyền của Ô Mã Nhi bắt sống tên tướng giặc và Phạm Nhan, Hưng Đạo Vương sai lấy chỉ ngũ sắc trói chặt Phạm Nhan lại. Khi mang ra pháp trường thấy vôi, phân gà sáp và bồ hóng đã được bôi lên lưỡi kiếm khiến hắn sợ hãi vô cùng. Khi biết chắc là chết, hắn xin được nói lời cuối cùng: Xin được mở rộng lượng khoan dung, hãy chém hắn thành 3 đoạn, một đoạn vứt xuống sông, một đoạn vứt lên bờ còn một đoạn vứt lên rừng. Tương truyền sau này đoạn xác của Phạm Nhan vứt xuống sông biến thành đỉa, đoạn vứt lên bờ biến thành muỗi, đoạn vứt lên rừng biến thành vắt. Nay mỗi khi gặp những con vật đó, nhân dân ta thường gọi là giặc Phạm Nhan.
Đến chết vẫn tham ăn
Sách Công dư tiệp ký (quyển 3) của Tiến sỹ Vũ Phương Đề chép rằng: “Miếu Phạm Nhan ở xã An Bài, huyện Đông Triều, nằm ngay bên bờ sông Thanh Lương. Tục truyền, thần của miếu này người họ Nguyễn tên là Linh. Cha của thần vốn người Quảng Đông (Trung Quốc), di cư sang nước ta, cư ngụ ở xã An Bài, lấy vợ ở đó và sinh được người con trai, đặt tên là Bá Linh. Lớn lên, Bá Linh lại về Trung Quốc, thi đỗ Tiến sỹ và làm quan cho nhà Nguyên. Y có biết chút ít phép thuật phù thủy nên được phép vào trong cung đình để chữa bệnh. Nào dè vào đó, y thông dâm với bọn cung nữ, bị khép vào tội phải chết. Khi y sắp sửa bị đem ra hành hình thì nhà Nguyên xua quân sang xâm lược nước ta, y liền xin được làm kẻ hướng đạo cho quân Nguyên để lập công chuộc tội. Nhà Nguyên chấp thuận. Nhưng rồi vì bị đại bại ở trận Bạch Đằng, Bá Linh cùng bọn Ô Mã Nhi... đều bị Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn bắt sống. Bá Linh lại một lần nữa, bị khép vào tội phải hành hình. Lần này, y xin được về chết ở quê mẹ, vì thế Hưng Đạo Đại Vương cho đem hắn về chém tại xã An Bài rồi quăng xác xuống sông. Bấy giờ, có hai người đánh cá ở khúc sông này, kéo lưới lên, chẳng được cá mà được... cái đầu của Bá Linh, hoảng sợ, họ bèn cùng nhau khấn thầm rằng:
Nếu hồn ông có thiêng thì xin phù hộ cho chúng tôi đánh được nhiều cá, xong, chúng tôi sẽ xin mai táng hẳn hoi.
Họ vừa khấn xong thì lạ thay, kéo mẻ lưới nào cũng được rất nhiều cá, vì thế họ bèn đem đầu Bá Linh lên táng trên bờ sông. Từ đấy về sau, mỗi lần ra chợ bán cá, đi qua chỗ mai táng đầu Bá Linh, họ đều chỉ tay vào đó mà nói: “Mời bác cùng đi chơi cho vui”.
Riết rồi thành thói quen, hồn ma Bá Linh cùng nhập bọn mà đi với họ, người đương thời gọi đó là Tam hồn. Tam hồn phải thói hay chòng ghẹo phụ nữ. Hễ thích chòng ghẹo ai, họ chỉ cần đưa tay về phía người đó rồi gọi tên Bá Linh, người ấy nhất định sẽ bị ma ám ngay, vì thế, người trong vùng ấy phải lập miếu để thờ. Lại nói chuyện Bá Linh, trước khi bị đem chém, hắn có cầu xin Hưng Đạo Đại Vương rằng: "Tôi nay đã bị tội chém đầu, vậy trước khi chết, xin cho tôi được ăn một món lạ nào đó".
Hưng Đạo Đại Vương cả giận, mắng rằng: "Cho mày ăn máu của đàn bà đẻ ấy"!.
Bởi thế mà sau khi chết, hồn ma của y thường đi khắp nơi để tìm hút máu đàn bà, ai mắc phải đều bị bệnh liên miên, thuốc thang mấy cũng vô ích. Bệnh ấy gọi là bệnh Phạm Nhan. Ai mà sớm đoán biết được rằng mình mắc bệnh Phạm Nhan thì phải tới ngay đền thờ Vạn Kiếp (hay đền thờ Kiếp Bạc, nơi thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn), đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ có sẵn ở đó, về nhà, thừa lúc người bệnh không để ý, lấy trải cho họ nằm, đồng thời xin thêm một ít chân nhang đem đốt thành than và hòa vào nước cho uống thì mọi chứng bệnh đều tiêu tan hết. Việc này nếu để bệnh nhân biết là không hiệu nghiệm. Điều đáng nói là chỉ những ai thực sự bị bệnh Phạm Nhan, dùng thuốc này mới nhân đó mà được khỏi hết mọi bệnh, bằng không thì chẳng ích gì. Thiên hạ tin như vậy nên cứ lũ lượt kéo nhau đến đó để đem chiếu mới đổi lấy chiếu cũ, chẳng lúc nào ngơi. Có người đem chiếu về, chưa kịp thay mà người bệnh đã khỏi. Đại để, sự ứng nghiệm là như thế”.
Kẻ bi tử hình thường được ăn bữa ăn ngon cuối cùng, được nói lời trăn trối cuối cùng. Bá Linh bị chém, lòng những nghĩ rằng mình bất quá cũng chỉ là tên tử tù nên mới đòi ăn như vậy. Khốn khiếp thay! Hắn bị giết là bởi chẳng có cách trừng trị nào lớn hơn sự giết, chớ như hắn, làm sao mà có thể gọi là một tên tử tù như bao kẻ tử tù? Đấng đạo đức như Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn mà cũng buộc phải nói lời như ông đã nói, bởi vì có cách nói nào tương xứng với nhân cách của Bá Linh đâu. Đến món ăn khủng khiếp ấy, Bá Linh cũng không dễ để có được nên hắn lại làm càn để kiếm mà ăn.
Dân lập ra đền thờ Phạm Nhan chẳng phải để thờ Phạm Nhan mà là để nhắc nhở với muôn đời rằng, nếu không muốn sống cho đàng hoàng thì hãy coi chừng, hồn Bá Linh trong miếu Phạm Nhan còn đó, thối tha hơn mọi sự thối tha. Một mảnh chiếu cũ trong đền thờ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đủ để xua hết mọi nỗi lo sợ và bệnh tật, nếp nghĩ ấy, niềm tin ấy… đáng kính biết ngần nào.
Còn bà chủ quán hàng cơm được vua Trần phong chức: Thiên Hương Ngọc Trịnh công chúa". Khi bà mất để tỏ lòng biết ơn người có công với nước, nhân dân ta lập nghè thờ tại quán hàng của bà.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.