Người Quảng Nam trồng sâm kết hợp bảo vệ rừng

Thứ bảy, ngày 01/09/2018 20:00 PM (GMT+7)
Cây sâm cần tán rừng già để sinh trưởng, mang lại kinh tế cho người trồng, vì vậy, giữ rừng cũng là giữ sâm quý.
Bình luận 0

Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My, Quảng Nam, người dân nơi đây ổn định kinh tế nhờ cây sâm. Cây sâm nhờ rừng tồn tại. Vì vậy, giữ và phát triển sâm cũng là giữ rừng. 

Hiện, với mỗi cây sâm trồng dưới tán rừng, cây sâm 5 năm thu hoạch đạt khoảng ba củ một cân, giá trị 46 - 52 triệu đồng một cân, loại hai củ một cân giá 70-72 triệu đồng một cân. Không chỉ thu hoạch củ, lá sâm tươi cũng có giá khoảng 5 triệu đồng một cân.

img

Trồng dược liệu trong đó có cây sâm dưới tán rừng đang là một trong những biện pháp bảo vệ rừng tại Quảng Nam. Ảnh: Bizmedia.

Những cây sâm Ngọc Linh đầu tiên được tìm thấy ở độ cao 1.800m thuộc phía Tây Nam núi Ngọc Linh do đoàn công tác dẫn đầu với tiến sĩ Đào Kim Long phát hiện năm 1973.

Cùng năm đó, cây sâm được gửi ra Hà Nội kiểm tra và thấy đây là loài sâm thứ 20 được phát hiện trên thế giới. Công tác phân lập, xác định hoạt chất sinh học cùng lúc tại Việt Nam và Liên Xô đã kết luận hàm lượng chất Saponin trong sâm Ngọc Linh cao gấp 42 lần sâm Nhật Bản.

Theo kết quả nghiên cứu, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên chỉ có khoảng 25 saponin.

Ngoài các loại saponin, sâm Ngọc Linh còn chứa các polyacetilen, axit béo, axit amin, gluxit, tinh dầu và cả các yếu tố vi lượng.

Cây sâm chỉ sinh trưởng tốt dưới tán rừng già, vì vậy, chẳng ai nỡ phá rừng mà phá luôn cây sâm. Ông Hồ Văn Đoàn - người công tác tại trại sâm Tắc Ngo, Trung tâm Sâm Ngọc Linh Nam Trà My cho biết, Sâm Ngọc Linh chỉ trồng được ở độ cao quy định 1.000 - 2.400m so với mực nước biển, độ che phủ của rừng khoảng 70%, nhiệt độ trung bình 20 độ, chênh lệch nhiệt độ ngày đêm trong khoảng 15 độ.

img

Cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng tốt dưới tán rừng già. Ảnh: Bizmedia

Sâm nhạy cảm với nguồn nước. Nước đọng, củ dễ hư, nên những vùng trồng sâm phải là vùng đất dốc cỡ 15 độ trở lên để thoát nước tốt. Thảm che có tác dụng giữ lại mùn đồng thời khi lá mục tạo thành mùn núi để làm chất dinh dưỡng cho cây

Khi cây bị sâu ăn lá, chỉ bắt thủ công và đi diệt chứ không sử dụng thuốc hóa học. Ngoài thu hoạch củ có giá trị, lá và thân cũng có giá trị, hàm lượng saponin cao nên người trồng thu hoạch luôn thân và lá để bán. Hàng năm, mỗi củ chỉ lên một lá, đến cuối tháng 11 là rụng, qua tháng một, hai năm sau lại lên lá mới. Khi cuống lá rụng đi để lại dấu vết trên củ. Đây cũng là cách quan sát để nhận biết độ tuổi cây sâm.

Khi hoa lớn, tháng 7, tháng 8 có thể thu hoạch hạt để gieo thành cây con. Tuy nhiên, để cây giống có chất lượng, cần tuyển chọn hạt. Hiện, Quảng Nam đã gây dựng được vùng sâm giống gốc, tuyển chọn hạt từ những cây sâm gốc để cung cấp, hỗ trợ cho các xã trong vùng quy hoạch phát triển.

Từ hạt nhỏ lên đến hạt trưởng thành có thể thu hoạch được đem gieo mất khoảng 4, 5 tháng. Cây bốn tuổi mới bắt đầu ra hoa, cho hạt, nhưng cây từ 5 năm tuổi mới lấy giống được. Cây sâm 5 năm tuổi thì cho một củ khoảng 3, 4 lạng tùy theo độ tuổi, nơi nào đất tốt thì củ lớn hơn.

img

Sâm Ngọc Linh được nhân giống từ các hạt chín chọn lọc. Ảnh: Bizmedia

Tuy nhiên, cách dùng phổ thông của cây sâm hiện nay vẫn là cắt lát, ngâm rượu, ngâm mật ong, chiết xuất thành viên nang thực phẩm chức năng hoặc làm thành phần bổ sung cho nhiều vị thuốc.

Ông Hồ Quang Bửu chia sẻ, từ kinh nghiệm rút ra về cách phát triển vùng sâm của người Hàn Quốc, đó là làm sao đa dạng hóa sản phẩm, đưa sâm đến gần hơn với người dùng, mức giá đáp ứng nhu cầu của đại trà, ông Bửu đã đưa cây sâm quý của người Việt đến được với người Việt, biến cây sâm quý thành thương hiệu không chỉ riêng Quảng Nam hay Kon Tum, mà của người Việt.

Tháng 9/2015, Chính phủ phê duyệt đề án quốc gia về phát triển sâm Ngọc Linh. Theo đó, đến năm 2030 sẽ mở rộng vùng trồng ra 7 xã thuộc huyện Nam Trà My với diện tích lên đến 30.000 ha, đầu tư trên 9.000 tỷ đồng. Tháng 6/2017, sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh) trở thành sản phẩm quốc gia.

Hiện, Quảng Nam có dự án di thực cây sâm về các vùng có điều kiện tương tự để mở rộng diện tích vùng sâm nguyên liệu. Đồng thời, để quảng bá giới thiệu cây sâm Ngọc Linh đến đông đảo người dùng, tạo ra địa chỉ uy tín cho người mua sâm, từ tháng 8/2017, huyện Nam Trà My định kỳ tổ chức phiên chợ sâm hàng tháng từ ngày mùng một đến mùng ba.

Giang Tạ (VNE)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem