Người quê mê từ thiện

Ghi chép của HÙNG PHIÊN Thứ tư, ngày 25/02/2015 15:10 PM (GMT+7)
Họ không có nhà cao cửa rộng nhưng luôn hướng đến việc cứu giúp người khốn khó. Người xa quê, người ở lại đều mỗi ngày tìm kế vun đắp để xóm thôn bớt nỗi ngặt nghèo. Họ không thích dùng chữ “từ thiện”.
Bình luận 0

Chàng Khoa nhiệt tâm

img
Người nhiệt tâm Lê Kim Khoa. (Ảnh: Hùng Phiên)

Góc mưu sinh của gia đình Lê Kim Khoa nằm ở ngã ba trung tâm xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa (Phú Yên). Hiệu vàng nhỏ kiêm buôn bán xe máy cũ, khách khứa lác đác nhưng xem ra cũng thuộc hàng “máu mặt” ở vùng quê nghèo này. Người đàn ông chân chất, chăm chỉ công việc nhưng nhác nghe ai bị tai nạn giao thông là “quẳng đó” có mặt liền.

Bà Ngô Thị Oanh (61 tuổi, bán trái cây ở chợ Hòa Đồng) nói: “Tui chưa thấy ai nhiệt tình giúp người tai nạn như chú Khoa. Người ta thấy xe tông thì bu lại dòm rồi đi, còn nó thì chạy tới xốc nách đưa đi bệnh viện, chẳng kể máu me phiền hà. Rồi lại còn cho thêm tiền lo thuốc thang, viện phí. Nó đã cứu giúp như vậy mấy chục trường hợp rồi”.

img
Chuẩn bị một đêm diễn miễn phí tại Hòa Đồng, do Phan Hoàng tổ chức. (Ảnh: Hùng Phiên)

Năm nay 44 tuổi, Khoa đã có thâm niên tự nguyện làm công việc nhân đạo hơn hai chục năm. Hiện anh là Đội phó Thanh niên tình nguyện Hội Chữ thập đỏ huyện Tây Hòa. Tất bật làm ăn nhưng anh luôn thu xếp để toàn tâm với việc tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn đột xuất, các đợt cứu trợ thiên tai, chuyển quà hộ nghèo, quà tết… Khoa cho hay, công việc thiện nguyện cứ thế kết nối bạn bè, những người cùng sở thích. Bất kể đêm hôm gà gáy, hễ nghe ai bị tai nạn, nhà cháy, bão gió tốc mái,… là “hú” nhau cùng có mặt giúp đỡ.

Vợ chồng Khoa có 3 con thì một đứa bị tàn tật, cứ quanh quẩn ở nhà. Khoa nói luôn phải cố gắng làm lụng, gom góp nuôi con ăn học, chữa bệnh. Chẳng dư dả gì nhưng anh luôn “dứt khoát” dành góp phần nhiều để tạo dựng các công trình phúc lợi địa phương. Bởi thấy bà con xung quanh eo hẹp quá nên luôn gặp khó mỗi khi thôn xóm vận động khoản này khoản kia. Thế nhưng Khoa cũng rất thẳng thắn có ý kiến mỗi khi đồng tiền quyên góp bị sử dụng sai mục đích.

Gặng hỏi mãi, Khoa mới cho biết: “Không tính làm gì nhưng lai rai mỗi năm tôi đều dành tiền túi khoảng 20 triệu đồng để giúp các trường hợp bất trắc. Chắc vài năm tới, tôi sẽ giao hết công việc buôn bán cho vợ con, dành hết thời gian cho việc nhân đạo”.

Gánh hát “Tình quê”

Nói gánh hát thì cũng hơi quá, vì chỉ chuyên phục vụ miễn phí. Cái tên “Tình quê” là do nhà thơ Phan Hoàng (sinh năm Đinh Mùi 1967, quê Phú Yên, hiện sống tại TP.Hồ Chí Minh) đặt cho các đêm văn nghệ do anh vận động các hội nghệ sĩ thiện tại TP.Hồ Chí Minh về quê biểu diễn. Thâm giao với Hội Từ thiện chùa Lá (quận Gò Vấp, TP.Hồ Chí Minh), Phan Hoàng đã từng làm “ông bầu” đưa những tên tuổi nghệ sĩ như Út Bạch Lan, Hồ Kiểng, Diệu Hiền, Linh Nhâm, Mạc Can,… lần đầu tiên đến diễn ở vùng quê hẻo lánh của mình. Những đêm diễn luôn ngùn ngụt khán giả lặn lội trong các thôn làng ngõ xóm ra xem. Chương trình thì “ngẫu hứng, tứ đổ tường”, từ cải lương, tân nhạc đến xiếc, ngâm thơ, hô bài chòi,… Thế nhưng toàn là diễn viên tài năng nên chất lượng “tuyệt hảo”, được bà con tấm tắc cổ vũ.

Quan điểm

Ông Nguyễn Ngọc Sự - nguyên Bí thư Đảng ủy xã Hòa Đồng, huyện Tây Hòa, Phú Yên
  Người như chú Khoa, chú Hoàng bây giờ thiệt quý hiếm. Trước kia, tôi tham gia cùng tổ chức các đợt từ thiện của mấy chú, bây giờ thì mình tháp tùng đi làm luôn. Anh em nhiệt tình đem niềm vui cho bà con nghèo khó, nên mình cũng bị cuốn theo. Nhiều người ở xã này cũng “lây” cái tấm lòng hào hiệp của mấy chú nó.
 
Những đêm ấy, Phan Hoàng rất vui khi người dân được dịp thỏa niềm đam mê văn nghệ giải trí. Thế nhưng để tổ chức đưa hàng mấy chục người về cho đêm diễn, từ hơn 500 cây số, là không hề đơn giản. Hoàng phải chạy đôn chạy đáo liên hệ tài trợ, nơi ăn chốn nghỉ, địa điểm biểu diễn,… May nhờ quen biết rộng, anh đã kêu gọi nhiều bạn bè chung tay giúp đỡ biết bao chuyện “hậu đài”.

Chính Phan Hoàng cũng đã âm thầm vận động nhiều nhà hảo tâm để góp bê tông hóa trên 1.000m con đường lầy lội tại xã Hòa Mỹ Đông (Tây Hòa). Hàng trăm triệu đồng chi phí xây dựng con đường, không phải kẻ “thư sinh áo trắng” nào cũng đứng ra “gánh” nổi. Vậy mà Hoàng đã kiên trì thuyết phục kẻ góp vốn, người hiến công, cứ thế hoàn thành, đem lại niềm vui lớn cho dân quê.

Nhiều người còn ấn tượng về Phan Hoàng với bài thơ “tiền tỷ” năm Quý Dậu 1993, khi Phú Yên liên tiếp bị hai cơn bão và lũ thế kỷ tàn phá nặng nề. Ấy là bài thơ “Gửi Phú Yên” với những câu: Tôi mộng du phố xá Sài Gòn/nào biết quê nhà ngập chìm thác lũ/các em thơ không tròn giấc ngủ/bếp lửa mẹ già rét bắn căm căm… Rất tự nhiên, bài thơ đã gây xúc động mạnh trong những đêm văn nghệ từ thiện tại TP.Hồ Chí Minh lúc bấy giờ, giúp quyên góp được hàng tỷ đồng ủng hộ đồng bào bị thiên tai ở quê hương anh.

Phan Hoàng tâm sự: “Hình như việc hướng thiện ở trong bản tính mỗi con người, không phải muốn là được. Ví như đôi người, giữa đường thấy chuyện bất bằng thì ra tay, còn hầu hết thì lướt qua. Nếu chỉ vì cái danh mà đi làm từ thiện, một thời gian sẽ bỏ ngang. Tôi thấy như Lê Kim Khoa, anh chẳng bao giờ nghĩ mình đi làm từ thiện. Bởi anh ấy xem việc đến với người trắc trở là chuyện của mình, mình cần làm, thích làm”.

Mấy năm rồi, mỗi độ xuân về là xã Hòa Đồng lại tưng bừng Đêm thơ nhạc mùng 4 tết. Chẳng những rộn rã niềm vui văn nghệ, nhiều hộ khó khăn và trẻ hiếu học ở xã còn được tặng quà, học bổng trong đêm xuân này. Góp công “then chốt” duy trì đêm hội ngộ đó là Lê Kim Khoa, Phan Hoàng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem