"Người rơm" Việt và hồi ức kinh hoàng về hành trình nhập lậu vào Anh

Trần Anh Thứ năm, ngày 31/10/2019 15:23 PM (GMT+7)
Đọc những tin tức về sự việc 39 người di cư lậu vào Anh chết trong chiếc container ở hạt Essex, Đông Bắc London, anh N.T (ở Quảng Bình) không cầm được nước mắt, đã liên hệ với Dân Việt để kể về hồi ức kinh hoàng của anh cùng các bạn bè - những người rơm Việt – đã tìm cách nhập lậu vào nước Anh – để rồi vỡ lẽ ra họ đã mơ một giấc mơ không có thật. Gọi đúng tên, đó là những cơn ác mộng.
Bình luận 0

Kỳ 1: Những thời khắc đen tối nhất trong khu trại rừng Calais

Gặp PV Dân Việt tại một quán cafe nhỏ vắng người ở TP.Đồng Hới (Quảng Bình), sau vài câu hỏi thăm dò, N.T bày tỏ: “Tôi không muốn tiết lộ thân phận, bởi nếu lộ ra sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tôi và gia đình. Có rất nhiều mafia quanh tôi, ngay cả ở Quảng Bình. Nhưng vì lương tâm, tôi muốn gặp một tờ báo có đủ sự tin cậy để nói lên sự thật trần trụi của hành trình nhập lậu vào Anh, những mong từ đó cảnh tỉnh cho những người đồng bào khác”.

“Gà” và những “người chăn gà”

Sau một hồi trầm ngâm suy nghĩ, anh T bắt đầu kể: "Năm 2006, tôi đang là phó phòng của một doanh nghiệp lớn của Nhà nước, vợ cũng là công chức Nhà nước. Khi đó, có chủ trương cổ phần hóa tất cả các doanh nghiệp nhà nước, mỗi tháng tôi hưởng 1 triệu đồng tiền lương ăn theo sản phẩm. Gánh nặng kinh tế bắt đầu đè lên vai".

img

Anh T kể câu chuyện của chính mình với phóng viên.

Tháng 10/2009, qua sự móc nối, giới thiệu của bạn bè, anh T bàn với vợ và đi đến quyết định bất ngờ: Vay mượn tiền để tìm cách sang Anh làm ăn. Theo chỉ dẫn, N.T bay từ sân bay Nội Bài (Việt Nam) qua Cộng hòa Séc bằng hộ chiếu thật, rồi bắt xe qua Pháp. Tại đây anh T bị tịch thu hết giấy tờ, hộ chiếu.

“Để sang được Anh có rất nhiều con đường nhập lậu và các con đường này đều có sự góp mặt của người Việt. Thời điểm tôi đi có 2 nhóm đang cầm trịch đường dây đưa người sang Anh lậu, một ở Nghệ An - nhóm này mạnh nhất ở Pháp và 1 nhóm ở Hải Phòng”, anh T tiết lộ.

Có hai hình thức đi “VIP” và đi “cỏ”. Tại thời điểm đó, “vé: đi “VIP” có giá 6.000-9.000 bảng Anh, còn đi “cỏ” rẻ hơn một nửa, chỉ từ 3.000-4.000 bảng. Đợt đó, anh T phải trải qua cả hai hình thức đi “cỏ” và đi “VIP” mới đặt chân tới được nước Anh, tổng cộng mất gần 20.000 bảng. Đa số người nhập cự lậu khi qua tới Anh mới phải chuyển hết tiền cho đường dây.

“Họ gọi những người như tôi là “gà”, còn các đầu mối gom người họ gọi là “người chăn gà”. Khi đến Pháp, gà “cỏ” thì không nói, còn “gà VIP” như tôi sẽ được ở trong những khu chung cư, nhưng rất chật hẹp. Một phòng 10m2 mà chúng cho 15-20 người sống. Tôi và những người cùng cảnh ngộ phải thay nhau vào phòng ngủ chứ không có đủ chỗ. Họ cũng cấm tuyệt đối dùng điện thoại. Thức ăn, nước uống sẽ được “người chăn gà” mua về, những người phụ nữ trong nhóm sẽ nấu ăn”, anh T nhớ lại.

Các nhóm “chăn gà” sẽ liên kết với những nhóm người bản xứ, sau đó tìm cách đưa “gà” qua nước Anh bằng đường xe tải. Trong thùng xe tải, chúng đóng một khung gỗ rộng 2 mét vuông, cao hơn đầu người đặt giữa xe, rồi chất hàng kín xung quanh để ngụy trang. Còn giữa khung gỗ 2 mét vuông đó, chúng sẽ nhét từ 15-20 người.

Và việc đi lọt qua các trạm kiểm soát ở biên giới Pháp – Anh cũng hoàn toàn phụ thuộc vào may rủi. May mắn vượt qua trạm kiểm soát biên giới, sang đến đất Anh, tài xế đường dây VIP sẽ dừng ở một cây xăng hay một trạm nghỉ chân để cho “gà VIP” xuống. Còn nếu không qua rào cản máy tầm nhiệt hoặc bị chó nghiệp vụ ngửi thấy, tất cả sẽ bị đuổi xuống xe và phải đi ngược về. Cứ thế, hôm sau lại ra nhảy xe tiếp, cho đến khi thành công thì thôi.

Thời khắc đen tối trong khu trại rừng Calais

Lần đầu, anh T không qua được trạm kiểm soát và phải trở lại Pháp, tìm kiếm cơ hội vào nước Anh. Lần này, anh T thử bằng hình thức đi “cỏ”.

Một tổ chức sẽ gom tất cả những người muốn đi “chui” qua Anh tập trung tại Pháp. Sau đó đưa tất cả đến những bãi xe hàng ở thành phố cảng Calais (Pháp) – đầu bên này của đường hầm xuyên eo biển Manche, nối liền Anh với châu Âu. 

Người “tị nạn” người nhập cư từ khắp nơi tập kết ở đây, sống lay lắt, tạm bợ trong những lều lán dựng trên bãi đất trong rừng để chờ cơ hội vượt biên vào Anh. Nhóm của anh T bị tịch thu điện thoại. Chúng sợ các “gà cỏ” tiết lộ đường dây hay gọi về cho gia đình đổi đường dây khác.

“Bãi này cũng có một nhóm người Nghệ An quản lý, đứng sau có ông chủ Việt kiều sống ở Cộng hòa Czech điều hành cả đường dây đưa người di cư lậu vào Anh”, anh T nói.

img

Góc rừng Calais nơi có người Việt chờ vượt sang Anh.

“Cuộc sống ở đây vô cùng cực khổ. Hoàn toàn sống trong túp lều nilông, sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống như con chuột chũi, bát cơm chan nước mắt. Chuyện bắn nhau, đánh nhau, thậm chí giết, hiếp xảy ra như cơm bữa”, anh T kinh hoàng nhớ lại.

“Những ngày tháng sống ở lán, tôi chứng kiến rất nhiều vụ những “kẻ chăn gà” sử dụng heroin, rồi hãm hiếp phụ nữ. Các “gà cỏ” không được và không thể phản kháng. Có lần tôi bị bọn chúng gí súng vào đầu, vì tôi không chấp hành theo yêu cầu, hay lần tôi ngăn cản chúng hãm hiếp phụ nữ khi vừa phê ma túy. Thằng gí súng vào đầu tôi còn hét lên ‘Mày có thích chết không?’. Cũng may có đồng bọn nó can thiệp nên vụ đó tôi thoát”, anh T kể.

Trong tay bọn “buôn người” luôn sẵn có súng và các vũ khí khác. Chúng tuyên bố trong rừng này không có pháp luật và chúng thích làm gì, ai cãi lời sẽ bị đánh thậm chí bị thủ tiêu. Khi màn đêm buông xuống, bọn chúng lẻn vào các bãi xe hàng tìm chuyến xe biển số GB (Great Britain - Anh) rồi lén mở khóa, mở kẹp chì.

"Đến 12h đêm, chúng đưa từng nhóm “gà cỏ” chúng tôi chui vào những container này rồi niêm phong lại như ban đầu mà lái xe không hề biết. Nếu gặp may, lũ “gà cỏ” chúng tôi thoát qua được các trạm kiểm soát, sang được nước Anh. Còn bị phát hiện phải tìm mọi cách để quay trở lại lán cũ".

img

Đoàn người chui vào container vượt sang Anh.

Sau nhiều lần đi theo dạng “gà cỏ”, trốn sau thùng xe container mà không qua được trạm kiểm soát, biên giới, anh N.T đành trốn thoát khỏi khu lán trại ở rừng Calais của những “người chăn gà” đó, nơi có cuộc sống không khác địa ngục để tìm con đường đi mới.

Đó là con đường đi giống với con đường 39 người chết trong container ở hạt Essex, Đông Bắc thủ đô London, nước Anh.

“Cuộc sống ở đây vô cùng cực khổ. Hoàn toàn sống trong túp lều nilong, sống biệt lập với thế giới bên ngoài. Cuộc sống như con chuột chũi, bát cơm chan nước mắt. Chuyện bắn nhau, đánh nhau, thậm chí giết, hiếp xảy ra như cơm bữa”, anh T kinh hoàng nhớ lại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem