Là một người con miền Tây, bố mẹ gốc nông dân, anh Dương không khỏi xúc động trước thông tin cam sành rớt giá. Đó cũng là lý do thôi thúc anh Dương quyết định góp sức vào hành trình thu mua sành cho bà con Vĩnh Long. Chạy xe máy hơn 120km từ Sài Gòn đến Trà Ôn (Vĩnh Long), sau đấy lại phải đi sâu vào các vườn nằm ở những vùng hẻo lánh, đến nơi anh Dương không khỏi nghẹn ngào trước cảnh cam chín rụng nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
“Tôi ưu tiên chọn những vườn có cam chín nhiều hoặc những vườn trồng cam tự nhiên, trái không được bón phân nên bị đen. Cam này nhìn xấu xí nhưng rất ngọt và ngon”, anh Dương nói.
Anh Dương cho biết, hiện nay cam sành bị thương lái ép giá, chỉ ở mức 1.000 - 1.500 đồng/kg. Bán thì lỗ, không bán thì trắng tay, nông dân tại "thủ phủ" cam sành Vĩnh Long như ngồi trên đống lửa.
Theo nguyện vọng của chủ vườn, anh Dương thu mua cam với giá 3.000 - 3.500 đồng/kg. Tất cả cam đều được anh đóng gói và phân chia cho từng chi nhánh kinh doanh nước ép do mình làm chủ. Trong lần đầu tiên, anh mang về 20 triệu cho chủ vườn, gấp 3 lần so với giá thương lái đề xuất.
Sau đó, anh tiếp tục mua gần 100 tấn cam của một nhà vườn khác. Lần này, anh tìm đến sự hỗ trợ của cộng đồng mạng. Chỉ sau ít phút, bài viết của anh đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ mọi người. Gần 400 tin nhắn từ khắp nơi đổ về ngỏ ý muốn chung tay giải cứu cam sành Vĩnh Long chỉ sau vỏn vẹn 1 ngày.
“Lúc đầu, tôi nghĩ mình chỉ bán được vài trăm ký ở khu vực tôi ở thôi. Thế nhưng, tôi may mắn được nhiều người đón nhận. Nhiều công ty cũng nhập về vài trăm ký đến hàng tấn để hỗ trợ. Rất hạnh phúc khi giúp đỡ được bà con nông dân, dù có thức đến tận 1 - 2h khuya hay dậy sớm lúc 4 - 5h sáng để kịp đơn giao cho khách tôi vẫn sẵn lòng”, anh Dương tâm sự.
Dù số lượng cam thu mua đã chạm mốc 30 tấn, anh vẫn liên tục đi thực tế để tìm kiếm các nhà vườn đang cần sự hỗ trợ. Vừa rồi, anh đã bán hết thành công 2 tấn cam cho vườn rộng 4.000m2 tại huyện Vũng Liêm. Bên cạnh đó, anh Dương còn chạy thêm các chương trình khuyến mãi như bán cam ép 700ml với giá 6.000 đồng tại các cửa hàng của mình. Những quả cam có bề ngoài đẹp được anh đóng gói, mỗi phần 10kg được bán với giá 60.000 đồng.
“Giá mua tại vườn thêm chi phí cắt cam, đóng gói, vận chuyển lên Sài Gòn sau đó phân ra các điểm bán gần bằng với giá bán cho khách. Vì bà con, tôi chấp nhận không có lợi nhuận từ việc bán cam này”, anh Dương chia sẻ.
Trước cảnh nông dân lao đao vì cam sành rớt giá, hiện nay, nhiều hàng quán tại Sài Gòn cũng chung tay hỗ trợ dưới nhiều hình thức như: Mua 1 ly nước tặng 1kg cam sành, thêm vào menu các món đồ uống từ cam sành... Dọc theo nhiều tuyến đường, các địa điểm bán cam tự phát với các biển hiệu “Chung tay ủng hộ cam sành Vĩnh Long”, khiến người đi đường không khỏi ấm lòng.
Các KOC livestream kêu gọi ủng hộ cam Vĩnh Long
Là một KOC và đồng thời là một người con đất Vĩnh Long, anh Nguyễn Minh Công cũng quyết định dùng sức lan tỏa của mình để ủng hộ nông sản quê hương. Trong lần đi khảo sát thực tế tại nhà vườn, anh bất ngờ khi biết cam sành bị rớt thê thảm. Mỗi ký cam có giá 2.000 đồng khi người mua tự hái và 4.000 đồng/kg khi được nhà vườn hái kèm theo dịch vụ giao đến tận nơi.
“Tôi kết hợp live cùng OCOP để giúp bà con quảng bá cam sành. Từ đó giúp đẩy hết sản lượng cam sẵn có tại Vĩnh Long. Trong phiên live, cam sẽ được bán theo combo 5kg với giá 49k”, anh Công cho biết.
“Mình khó khăn 1 thì bà con lại lo lắng, khó khăn đến 10”. Đó là quan điểm của anh Công suốt hành trình thu mua cam sành. Dù trải qua không ít vất vả, thế nhưng nhìn những người nông dân bất lực nhìn vườn cam héo đi từng ngày, anh lại quyết tâm đến cùng. Hơn 200 lượt mua là số lượng mà Công đã thu về từ những phiên live.
Nhìn số cam mà gia đình dày công chăm sóc cả năm qua lần lượt được mang đi tiêu thụ, anh Quốc Anh (huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) như trút được nỗi lo. Chi phí đầu tư lên đến hơn 100 triệu đồng, thế nhưng, 40 tấn cam của gia đình anh Quốc Anh chỉ được thương lái chốt giá 20 triệu đồng. Nhờ sự giúp đỡ của cộng đồng, 7 tấn cam của gia đình anh đã được tiêu thụ.
“Tôi và gia đình vô cùng biết ơn các anh chị, chú bác gần xa đã hỗ trợ. Điều này giúp chúng tôi phần nào bù đắp được chi phí và công chăm sóc cam trong năm qua”, anh Quốc Anh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.