Người tăng lên, nhà co lại

Thứ ba, ngày 23/10/2012 06:17 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Nhà cửa của người dân trong vùng Dự án Làng Đại học Đà Nẵng xuống cấp nghiêm trọng nhưng không ai dám sửa. Đường giao thông nông thôn ở đây không được làm, đất đai của người dân không thể chuyển nhượng.
Bình luận 0

Có nhà nhưng phải ở nhà thuê

Vì nằm trong diện quy hoạch của dự án nên các hộ dân ở đây không thể tách thửa cho con cái đã trưởng thành, không được sang nhượng, cầm cố thế chấp để vay vốn làm ăn...

img
Hệ thống đường giao thông trong dự án ngổn ngang và xuống cấp trầm trọng.

Vào một ngôi nhà cỡ 60m2 đập vào mắt tôi là cơ man nào đồ đạc. Những chiếc gối, chăn in hình đôi chim bồ câu còn thơm mùi mới nằm ngổn ngang dưới đất, lẫn lộn chung với những bộ đồ lao động úa màu mồ hôi cùng với mấy đôi tất lấm lem bùn đất.

Thấy có khách, bà Nguyễn Thị Chọn (tổ 35, phường Hòa Quý) - chủ ngôi nhà - chạy tới vơ vội mớ hỗn độn thành một cục rồi tấp vào góc giường kê ngoài phòng khách. Gia đình bà Chọn có 5 người con, trong đó có 3 người con đã lập gia đình riêng. Vì chính quyền không cho tách thửa đất nên tất cả 12 thành viên gồm bố, mẹ, dâu, rể đều phải sống chung trong ngôi nhà chật chội. Mưa bão số 7 vừa qua làm ngôi nhà của gia đình bà bị ngập tới một nửa. Gia đình bà phải tay xách tay mang chạy qua nhà anh em ở phường Hòa Hải ở nhờ.

“Gia đình tôi có tới 2.500m2 đất nhưng phải chịu sống cảnh chen chúc khốn khổ. Nghĩ tội cho mấy thằng con trai, mới lập gia đình mà đến cái phòng riêng cũng không có. Mấy chị em dâu đi làm về, tối lại chung nhau cái giường để ngủ. Mưa xuống một cái là phải rủ nhau chạy ngập. Đến bao giờ mới hết cái cảnh này chứ?” - bà Chọn buồn bã.

Còn ông Huỳnh Văn Châu (tổ 22, phường Hòa Quý) khốn khổ cũng chẳng kém. Đất gia đình ông đã được chính quyền cũng như chủ đầu tư kiểm kê tới 2 lần, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa được đền bù và chuyển tới nơi ở mới. Ngôi nhà được xây đã hơn 20 năm nên bây giờ xuống cấp trầm trọng. Nắng thì nhà như cái lò lửa, mưa xuống thì như vũng nước. Nhiều lần muốn sửa chữa lại nhà để ở nhưng không dám, bởi nếu sửa nhà xong, dự án lại triển khai thì mất tiền oan.

Ông Lê Văn Nhân - Bí thư chi bộ thôn Hải An 1, phường Hòa Quý bức xúc: Địa phận phường là điểm nóng về ngập úng của TP.Đà Nẵng và chưa thể giải quyết được. 4 năm nay, hàng chục người dân ở thôn này có nhà nhưng phải đi ở nhà thuê trong suốt mùa mưa. Chính quyền nói quá nhiều rồi chứ chưa làm được cái gì.

Ông Nguyễn Hòa - Bí thư phường Hòa Quý cho biết: UBND phường không thể giúp được gì nhiều cho dân bởi dự án của Bộ GDĐT. Hiện nay rất nhiều hộ dân sống rất khổ sở, họ muốn sửa cái nhà hay làm thêm cái chuồng gà, chuồng lợn để tăng thu nhập nhưng không được vì đất hoàn toàn nằm trong vùng quy hoạch. Nếu Bộ GDĐT chưa thể triển khai được dự án thì nên cho người dân tự quyết đất đai của họ chứ hiện nay tình trạng thất nghiệp đã diễn ra tràn lan trên địa bàn.

Đánh đố người dân

Bà Huỳnh Thị Hết (tổ 16, phường Hòa Quý) cho hay: Năm 2010, UBND TP.Đà Nẵng có quyết định cho mỗi hộ dân trong vùng quy hoạch được xây một ngôi nhà trú bão với diện tích là 50m2. Gia đình tôi có tới 4 người con với 2 bố mẹ già. Chừng đó diện tích thì làm sao mà ở được?

“Năm 1997, khi Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được phê duyệt, phường Hòa Quý có hơn 250 hộ dân nhưng đến thời điểm này đã tăng lên 420 hộ. Trong khi đó, số lượng nhà cửa của các hộ dân nơi đây vẫn như vậy, không xây thêm, không cơi nới, chỉ có xuống cấp, xộc xệch thêm”.

Ông Huỳnh Định (tổ 23) thì nói: UBND thành phố cho người dân đúc thêm một gác lửng 15m2 để có thêm không gian sinh hoạt. Nhưng nhiều hộ dân nhà cửa đã gần sập, hay nhà tôn tạm bợ làm sao mà đúc thêm gác lửng? Làm vậy khác gì đánh đố người dân.

Trong khi đó tại tỉnh Quảng Nam, UBND huyện Điện Bàn đã cho phép UBND xã Điện Ngọc cho phép người dân trong vùng Dự án Làng Đại học Đà Nẵng được tạm thời xây dựng và sữa chữa nhà cửa cũng như làm vườn, ao, chuồng… để tăng gia sản xuất. Nhưng gần 1.000 hộ dân nằm trong vùng dự án của xã Điện Ngọc không ai mặn mà với quyết định trên của UBND huyện Điện Bàn.

Lý giải chuyện này, ông Nguyễn Văn Lai (thôn Câu Hà) cho hay: Ngày trước đi xin giấy phép xây dựng nhà ở thì UBND xã không cho bởi đất đai đã quy hoạch nên không được sửa chữa hay cơi nới. Nhưng trước thực trạng rất nhiều nhà dân bị xuống cấp trầm trọng, UBND huyện Điện Bàn đã cho phép UBND xã Điện Ngọc cấp phép lại cho người dân nhưng kèm theo một điều kiện: Xây thì cho xây nhưng khi nào dự án triển khai thì người dân tự tháo dỡ và không được hỗ trợ đền bù. “Nói vậy ai dám bỏ tiền ra xây nhà, nhỡ vừa xây xong, dự án triển khai đập phá hết thì mất không tiền hay sao?” - ông Lai nói.

Kỳ 3: Dân bế tắc, cán bộ trục lợi

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem