Người thầy Hiệu trưởng vùng sâu mang nước rửa tay, khẩu trang đến tận nhà cho học sinh
Người thầy Hiệu trưởng vùng sâu mang nước rửa tay, khẩu trang đến tận nhà cho học sinh
Chúc Ly
Thứ sáu, ngày 20/11/2020 09:12 AM (GMT+7)
Ngoài phát động giáo viên, học sinh tự sản xuất, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trường An (trường THCS Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau) còn tự tay làm nước rửa tay, khẩu trang đến tận nhà cho học sinh.
Nhắc đến thầy giáo Nguyễn Trường An, Hiệu trưởng trường THCS Ngọc Chánh (xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, Cà Mau), đồng nghiệp và các thầy cô trong trường luôn dành cho thầy sự tôn trọng và quý mến.
"Tâm huyết, luôn tiên phong sáng tạo trong công việc,…" là những lời nhận xét của đồng nghiệp khi nói về thầy.
Tốt nghiệp sư phạm năm 1998, thầy An trở về địa phương công tác tại trường THCS Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau. Sau đó, thầy được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng trường vào năm 2008. Đến tháng 8/2012, khi trường THCS Ngọc Chánh thành lập, thầy An được điều động về đảm nhận chức vụ Hiệu trưởng cho đến nay.
Vào thời điểm dịch Covid - 19 đang diễn biến phức tạp, trong khi dung dịch sát khuẩn trên thị trường ngày càng khan hiếm, thầy An đã nghĩ ra ý tưởng pha chế nước rửa tay diệt khuẩn tại trường.
Nghĩ là làm, thầy An chủ trì và chỉ đạo nhóm giáo viên tổ Hóa - Sinh kết hợp cùng 4 em học sinh bắt tay vào nghiên cứu và thử nghiệm. Sau khi chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu, thống nhất công thức chung trong từng khâu, nhóm giáo viên đã bắt tay vào pha chế.
Thầy giáo Trương Trọng Vỹ, tổ trưởng tổ Hóa – Sinh, tham gia chế tạo nước rửa tay cho học sinh cho biết, nhóm nghiên cứu sử dụng tinh dầu có trong cây nha đam để làm nước rửa tay. Do điều kiện trường còn hạn chế nên nhóm nghiên cứu chỉ lọc nha đam bằng phương pháp li tâm đơn giản, rồi đun sôi để tránh vi khuẩn.
Sau khi đun sôi, chất lỏng này sẽ được pha trộn với cồn y tế 800 theo tỉ lệ 6:4 (60% cồn và 40% nha đam – PV), đồng thời pha thêm tinh dầu tràm tạo mùi hương (0,05%) và muối NaCl (0,01%). Khi pha thành công, trường sử dụng kính hiển vi theo dõi sản phẩm trong 3 ngày đầu.
Trong khoảng 10 ngày tiếp theo, nhà trường cũng sử dụng hóa chất có sẵn tại trường để theo dõi định kỳ xem sản phẩm có sản sinh ra chất mới gì hay không. Kết quả thành công ngoài mong đợi. Từ đó, nhiều chai nước rửa tay do trường tự sản xuất đã được chuyển đến cho học sinh của trường sử dụng.
Theo thầy Vỹ, chi phí tạo ra dung dịch nước sát khuẩn khá thấp, chủ yếu là việc lựa chọn giá cồn trên thị trường. Vì cồn phải là cồn y tế được mua ở các cửa hàng y tế tin cậy, vì dùng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trong quá trình sản xuất nước rửa tay, cũng chính thầy An là người đề nghị được thử trước. Sau vài ngày thấy không ảnh hưởng gì đến sức khỏe thì mới cho phép để học sinh sử dụng.
Thầy An cho rằng, việc giáo viên, học sinh tự nghiên cứu, pha chế nước rửa tay sát khuẩn, ngoài mục đích phòng chống dịch bệnh Covid-19, còn giúp các em và giáo viên được trải nghiệm thực tế, nâng cao kỹ năng thực hành.
Mang khẩu trang đến tận nhà cho học sinh
Cùng với nước rửa tay thì khẩu trang cũng là thứ không thể thiếu trong mùa dịch. Tuy nhiên, lúc cao điểm dịch bệnh, giá khẩu trang y tế trên thị trường lại quá cao. Thời gian đầu, thầy An đã tự bỏ tiền túi để mua khẩu trang y tế cho học sinh.
Về sau, để nhiều em học sinh và gia đình có hoàn cảnh khó khăn có khẩu trang sử dụng, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trường An đã vận động Ban Nữ công của trường tiến hành may khẩu trang.
Chia sẻ với PV, cô giáo Phạm Hồng Luyến cho biết, sau khi tham khảo mẫu, Ban Nữ công của trường có 16 giáo viên (chia thành 2 nhóm) may khẩu trang. Mỗi người một việc, người đo vải, người thì cắt, số còn lại may khẩu trang.
Kết quả, nhà trường đã may được khoảng 1.500 cái khẩu trang và cũng chính thầy An là người mang đến từng nhà, tận tay phát cho các em học sinh của trường, đặc biệt là các em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài phát cho các em học sinh, trường còn phát khẩu trang cho các thành viên trong gia đình các em.
Không dừng lại ở đó, xuất phát từ nhu cầu xử lý rác thải, xây dựng trường học "xanh-sạch-đẹp", thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trường An luôn trăn trở vấn đề giải quyết nguồn rác thải để bảo vệ môi trường và bảo vệ sức khỏe cho học sinh.
Theo thầy An, trường được xây dựng trên phần đất người dân hiến tặng, xung quanh là vuông tôm của các hộ dân. Nếu nhà trường quản lý không chặt chẽ để rác xuống vuông sẽ gây phiền cho các hộ xung quanh.
"Trong một lần tình cờ đi công tác ở huyện Năm Căn, tôi có dịp tham quan lò hầm than của người dân địa phương, đồng thời tìm hiểu kỹ thuật xây dựng lò đốt rác của trạm Y tế xã, từ đó, tôi nảy sinh ý tưởng xây dựng lò đốt rác cho trường. Tôi bắt đầu phác thảo ý tưởng lên trên giấy, rồi thuê thợ địa phương xây dựng. Tuy mẫu mã còn thô sơ nhưng hiệu quả thì ngoài mong đợi", thầy An chia sẻ.
Dẫn chúng tôi tham quan nhà trường, thầy An liên tục giới thiệu những phần việc, công trình mà thầy và tập thể giáo viên nhà trường đã gầy dựng.
Chúng tôi ấn tượng với khu vườn nuôi chim tại trường, với hơn chục loài khác nhau. Theo thầy An, mô hình này nhằm phục vụ cho việc dạy học. Mô hình giúp các em tận mắt chứng kiến những loài vật trong thực tế, nhất là các loài chim bản địa.
Chính nhờ sự tận tụy với công việc, thái độ thân thiện, tình yêu thương và trách nhiệm, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Trường An thật sự trở thành một chỗ dựa vững chắc đối với học sinh và đồng nghiệp của trường.
Tin cùng chủ đề: Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2020
Vui lòng nhập nội dung bình luận.