Đây là một cuốn sách tổng kết đời một người đã vào tuổi chín mươi. Tùng Thạch tên thật là Bùi Thân. Ông sinh năm 1931 tại Tùng Ảnh (Đức Thọ, Hà Tĩnh) và vào ngành giáo dục từ năm 1949 sau khi dự một lớp học sư phạm cấp tốc trong hai tháng. Trước đó ông đã phải bỏ dở bậc trung học vì hoàn cảnh gia đình, có thời gian phải đi chăn bò cho một công ty đồn điền. Sự học của ông vì thế không phải theo con đường chính quy, tập trung, mà học theo kiểu chuyên tu, tại chức. Ông có hai tấm bằng chứng nhận sự học của mình thì một ghi là bằng "Ban đêm" vì học lớp Trung cấp ban đêm mỗi tuần hai buổi (1958 - 1962), còn một ghi là bằng "Tại chức" vì học ở Đại học Sư phạm Vinh vào mùa hè (1968 - 1972). Nhưng sự học không cốt ở bằng cấp mà ở sự thu nhận kiến thức và với người thầy thì sự thu nhận đó càng quan trọng vì họ còn là người truyền thụ kiến thức cho học sinh. Nhà giáo Bùi Thân ý thức rõ điều này ngày từ khi bước vào nghề giáo và ông đã tự mình luôn tìm cách "học mót chữ" theo kiểu "năng nhặt chặt bị". Năm 2018 ông có viết hai bài thơ tứ tuyệt tự ngẫm và tự trào về chuyện học này của mình.
Chữ nghĩa người đời xếp loại "ngu"
Tháng ngày năng mót với lo thu
Mấy bồ kiếm được đem chia sẻ
Giúp lớp đàn em thoát cảnh mù
(tr. 276)
*
Trung cấp ban đêm, Đại học hè
Bằng ghi rành rọt, có chi khoe
May sao lớp trẻ khôngchê dốt
- Hehehe!
(tr. 277)
Người thầy đó suốt đời dạy văn ở trường cấp 1, cấp 2, suốt đời gắn bó với ngành giáo dục cả sau khi nghỉ hưu, suốt đời tìm kiếm cách cải tiến việc dạy của thầy cô và việc học của học trò. Ông như là "bộ sử" của ngành giáo dục Hà Tĩnh. Cuộc đời nhà giáo của ông cũng có những chuyện tưởng như đùa mà lại thành thật và nhờ đó ông đã chứng tỏ được năng lực của mình. Như chuyện năm 1951 ông hai mươi tuổi được cử làm hiệu trưởng trường tiểu học là thế này: ông hiệu trưởng đương nhiệm bỗng nhiên giao con dấu nhà trường cho ông rồi đi đâu không rõ, khi nghe ông báo cáo lại, ông Trưởng Ty giáo dục lúc đó bảo ông cứ cầm dấu về trường làm hiệu trưởng, đơn giản vậy thôi. Cứ thế, ông trưởng thành lên trong nghề. Và sự đóng góp của ông cho nghề trồng người đã được ghi nhận xứng đáng. Từ người thầy mót chữ trên cánh đồng học vấn ông đã được phong danh hiệu Nhà giáo Ưu tú (1988) và Nhà giáo Nhân dân (2010).
Cuốn sách "Một đời góp nhặt" làm hiện lên chân dung người thầy Bùi Thân từ nhiều góc độ. Một Bùi Thân nhà giáo luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục ở cương vị một người thầy đứng lớp, một tổ trưởng chuyên môn. Ông đã viết nhiều sách về giáo dục, trong đó có các quyển "Giảng dạy lịch sử địa phương" (1984), Sách dành cho cha mẹ có con vào lớp 1" (1993). Nhiều báo cáo, tham luận của ông tại các hội nghị, hội thảo đã được đồng nghiệp đánh giá cao và vận dụng vào nghề vì tính thực tế của nó. Năm 1995 ông đã được Trường Đại học Grenoble (Pháp) mời tham dự Hội nghị khu vực lần thứ nhất các nước nói tiếng Pháp vùng châu Á - Thái Bình Dương về chủ đề "Dạy các môn khoa học thường thức và việc đào tạo giáo viên" tổ chức tại TP Hồ Chí Minh. Ở đó ông đã đọc bản báo cáo nhan đề "Một vài kinh nghiệm giảng dạy khoa học thường thức ở trường tiểu học Việt Nam, triển vọng và những kiến nghị trong thời gian tới." (tr. 48)
MỘT ĐỜI GÓP NHẶT
Tác giả: Tùng Thạch
Nhà xuất bản Nghệ An
Số trang: 483 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 500
Giá bán: Sách không bán
Một Bùi Thân nhà báo chuyên cần viết cho các báo trung ương và địa phương về nhiều đề tài khác nhau, nhưng tập trung nhất vẫn là về giáo dục và văn hoá. Đây là một trong ba ý kiến của ông về việc gặp dân của đại biểu Quốc Hội, bài đã đăng trên báo "Hà Tĩnh cuối tuần" ngày 18/5/2003: "Nên chăng mạnh dạn tổ chức một vài cuộc tiếp xúc với dân, không dự kiến đối tượng mời tham dự như lâu nay đã làm, mà công bố ngày họp, nơi họp trên các phương tiện thông tin đại chúng, mời những công dân nào muốn đóng góp ý kiến cho Quốc Hội thì đến tham dự và đăng ký phát biểu. Nếu tổ chức được và đón công dân đến dự với thái độ trân trọng chứ không nhìn họ bằng con mắt dè chừng người "đi kiện" thì tin chắc sẽ có những ý kiến hay." (tr. 168)
Một Bùi Thân người thầy, người anh, người bạn đôn hậu, nghĩa tình, biết truyền cảm hứng cho người khác. Đó là "một con người biết sống" như một đồng nghiệp viết về ông: "Biết mình xuất thân trong một gia đình thuộc tầng lớp trên của xã hội, là đối tượng cải cách ruộng đất, biết lý lịch gia đình có những tỳ vết phức tạp theo quan niệm của những người theo chủ nghĩa thành phần, vì thế, anh không đặt cho mình mục tiêu phấn đấu vào Đảng, mặc dầu có những đồng chí đảng viên gần gũi gợi ý. Anh chỉ tâm niệm phải phấn đấu để làm người thầy giáo chân chính. Anh không mặc cảm về thành phần gia đình mà luôn sống tự tại, an nhiên." (tr. 433) Điều này đúng với bút danh Tùng Thạch mà ông đã chọn cho mình: vững vàng như tảng đá, cao cả như cây tùng.
Và một Bùi Thân nhà thơ mang cốt cách cổ điển của một ông Đồ Nghệ. Ông làm nhiều thơ, chủ yếu là thơ Đường luật, dịch thơ xưa, làm các câu đối chữ đối nôm trong các dịp lễ nghi theo lối cổ. Mới đây ông đã được nhận giải 3 trong cuộc thi văn tế Nguyễn Du nhân dịp kỷ niệm 200 năm mất nhà đại thi hào. Đọc thơ ông thấy được cái năng khiếu bắt chữ đặt câu của một người con nhà nho xưa thông thuộc các thể thơ phú niêm luật nghiêm nhặt. Nhờ thế ông vào ra Đường luật khá thanh thoát, linh hoạt. Như trong các bài vịnh văn thi sĩ ghép tên các tác phẩm của họ, thí dụ bài về nữ sĩ Hồ Xuân Hương:
Con tạo trêu ngươi biết mấy lần
Để nàng đeo lắm nỗi gian truân
Tự tình thêm ngán thân cô quả
Làm lẽ càng đau kiếp phụ nhân
Cổ nguyệt tình người không nệ cổ
Xuân Hương thơ phú đậm hồn xuân
Hỏi trăng lơ lửng chờ ai đó
"Bà chúa thơ Nôm" lệ nhỏ thầm!
(tr. 283)
Nhà thơ Bùi Thân có khi lại làm thơ dịch thơ bằng "lời Nghệ", nghĩa là dùng các từ ngữ thuộc phương ngữ Nghệ Tĩnh. Đây là bản dịch của ông cho bài thơ nổi tiếng "Thanh minh" của nhà thơ Đỗ Mục đời Đường:
Mưa phùn trửa tiết Thanh Minh (trửa = giữa)
Ngài đi lại chộ buồn tênh nạo nề (ngài = người, chộ = thấy, nạo nề = não nề)
Ở mô bán rượu uống hề (mô = đâu, hề = nào)
Đám chăn tru méch đó tề: Hạnh thôn (tru = trâu, méch = mách, đó tề = đó kìa)
(tr. 360)
Khép lại cuốn sách, ông già chín mươi tuổi Tùng Thạch (Bùi Thân) đưa ra câu trả lời cho câu hỏi mà ngày nào mở Facebook ra cũng thấy hiện lên: "Thân ơi, bạn đang nghĩ gì?" Ông nghĩ đến cái để lại cho con cháu khi mình ra đi – "đó là CÁI TÊN của một người trai đã sống trên đời." (tr. 479). Một con người mang tên Bùi Thân đã sống xứng đáng với dòng tộc mình, quê hương mình, đã sống một cuộc đời có ích cho nhân quần, không đến nỗi hổ thẹn với tiền nhân. Đọc một cuốn sách ta gặp một con người, câu nói đó vận vào sách này thấy đúng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.