Người tìm bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa

Thứ hai, ngày 18/02/2013 06:15 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đến nay, nhà nghiên cứu Huế - Phan Thuận An đã tìm ra nhiều bằng chứng chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bình luận 0

Ông bảo, tài liệu cổ chứng minh chủ quyền Hoàng Sa chắc chắn còn nhiều lắm nên ông sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu cho đến hơi thở cuối cùng.

3 "giấy chủ quyền" của dân tộc

Tuổi đã ngoài thất thập, sức khỏe yếu do bệnh tai biến, nhưng sự trăn trở trước việc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc khiến nhà nghiên cứu Phan Thuận An làm việc không ngơi nghỉ. Là mẫu người điển hình của phong cách văn hóa Huế truyền thống, ông An tiếp chuyện tôi bằng một phong thái thâm trầm, nhẹ nhàng. "Dù bức xúc nhưng mình phải nói một cách vô tư và khoa học bằng những chứng cứ không ai có thể phủ nhận" - ông bảo.

img
Nhà nghiên cứu Phan Thuận An.

Trong các năm từ 2009 -2011, ông An lần lượt công bố 3 tài liệu quý chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa sau nhiều thời gian nghiên cứu. Đầu tiên là tờ Châu bản (công văn tối cao dưới thời phong kiến) được ông công bố vào tháng 5.2009. Đây là Châu bản bằng tiếng Việt, do ông tìm thấy tại Phủ Công chúa Ngọc Sơn (con Vua Đồng Khánh), tọa lạc trên đường Nguyễn Chí Thanh, TP.Huế.

Nội dung của tờ Châu bản này có thể tóm lược như sau: Vào ngày 10.2.1939, Tòa khâm sứ Trung kỳ có đề nghị Nam triều nên thưởng huy chương Long tinh hạng 5 cho đơn vị lính khố xanh ở Trung kỳ vì họ đã có công trong việc "lập đồn phòng thủ ở đảo Hoàng Sa". Đến ngày 15.2.1939, Tổng lý Ngự tiền văn phòng (cơ quan thuộc triều đình Huế) Trần Đình Tùng dâng lên Hoàng đế Bảo Đại tờ "tấu" xin Nhà vua duyệt y và Nhà vua đã phê "Chuẩn" (đồng ý cho thi hành).

Một thời gian sau, ông tiếp tục công bố Châu bản thứ 2 mà ông mới phát hiện, gồm 2 văn bản: Một bằng tiếng Pháp (đề ngày 2.2.1939) và một bằng tiếng Việt (đề ngày 3.2.1939). Văn bản bằng tiếng Pháp là bản sao nguyên văn văn bản của Khâm sứ Trung kỳ gửi triều đình Huế đề nghị Hoàng đế Bảo Đại truy tặng Huân chương Long tinh của Nam triều cho ông Louis Fontan - Chánh cai đội hạng nhất của đội lính khố xanh trú đóng tại quần đảo Hoàng Sa, vừa qua đời do bị bệnh sốt rét sau chuyến công tác tại quần đảo này. Văn bản bằng tiếng Việt do Ngự tiền văn phòng dâng lên Vua thuật lại đề nghị của Tòa khâm sứ và được Vua Bảo Đại ký và phê "chuẩn y".

Tiếp đó, sự trăn trở về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc khiến ông An nghiên cứu và phát hiện hình ảnh biển đảo của Việt Nam được khắc trên 9 cái đỉnh (cửu đỉnh) bằng đồng (được đúc năm 1836, đã được công nhận là bảo vật quốc gia) đặt trước Thế Miếu (Đại nội Huế), nơi thờ các vua nhà Nguyễn. Mỗi đỉnh là nơi khắc thụy hiệu (hiệu đặt sau khi vua chết) của mỗi vua. Trước ông An từng có nhiều người nghiên cứu cửu đỉnh nhưng không ai phát hiện được những thông tin về chủ quyền biển đảo được khắc trên những bảo vật này.

img
Một trong 2 tờ Châu bản có chữ ký của Vua Bảo Đại khẳng định chủ quyền Hoàng Sa được nhà nghiên cứu Phan Thuận An phát hiện.

 

Trên cửu đỉnh là 153 hình ảnh về những thứ quý giá nhất của đất nước dưới thời Minh Mạng được đúc nổi. Đặc biệt, trên 3 cái đỉnh trong số này có khắc hình ảnh các vùng biển của nước ta thời đó là Tây Hải (vùng biển nằm ở phía tây của Nam Bộ, tiếp giáp với hải phận của Thái Lan), Nam Hải (phần lãnh hải nằm ở phía Nam của Nam Bộ, tiếp giáp với hải phận của các nước Malaysia, Indonesia…) và Đông Hải (Biển Đông của nước ta hiện tại). Trên những hình ảnh về các vùng biển này có nhiều chi tiết thể hiện các đảo của nước ta, trong đó có quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông An, chỉ trong thời gian khoảng 10 ngày mà có 2 châu bản liên quan đến Hoàng Sa chứng tỏ cho đến trước khi Thế chiến 2 xảy ra trên Thái Bình Dương, quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam. Đặc biệt, đây là tài liệu độc bản và là tư liệu chính thống của triều đình do đích thân nhà vua ký nên giá trị vừa có tính pháp lý quốc gia, vừa mang tầm quốc tế. Việc hình ảnh biển đảo được khắc trên cửu đỉnh cũng cho thấy các hải phận của Việt Nam đã được triều đình nhà Nguyễn lúc bấy giờ quan tâm đặc biệt. Tất cả đều làm chứng cho chủ quyền biển đảo Việt Nam ngay từ đầu thế kỷ XIX.

Sẽ tìm ra nhiều bằng chứng mới

Là người am tường về lịch sử nước Việt, lại thông thạo cả tiếng Anh, tiếng Pháp và Hán Nôm, nên việc nghiên cứu của ông An được thực hiện hết sức khoa học. Tất cả các công trình nghiên cứu của ông đều sử dụng rất nhiều tài liệu gốc của nước ngoài viết về Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, ông đã xuất bản hàng trăm công trình nghiên cứu về lịch sử, văn hóa Huế và Việt Nam. Hàng loạt công trình trong số này được dịch ra nhiều thứ tiếng và được nhiều thư viện nổi tiếng trên thế giới lưu trữ, trong đó có Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ.

Ông cũng chính là người đóng vai trò quan trọng trong việc lập hồ sơ để quần thể di tích Cố đô Huế và Nhã nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là di sản của thế giới. Cách đây 50 năm, khi còn là sinh viên, ông đã bắt tay sưu tầm các tư liệu, hình ảnh về lịch sử, văn hóa, kiến trúc Huế để sử dụng cho công tác nghiên cứu sau này. Từ năm 2004 đến nay, sau khi nghỉ hưu, hàng ngày ông miệt mài với công việc nghiên cứu. Hàng loạt đoàn nghiên cứu trong và ngoài nước đến Huế đều phải nhờ ông thuyết trình về lịch sử, văn hóa, kiến trúc của Việt Nam nói chung và Huế nói riêng.

Nhà nghiên cứu Phan Thuận An còn được Bộ Nội vụ, UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế nhiều lần tặng thưởng vì những đóng góp này. "Tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm ra thêm nhiều bằng chứng về sự thực thi liên tục chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa nói riêng và biển đảo nói chung. Chỉ mong những chứng cứ mà mình dày công nghiên cứu sẽ phát huy tối đa tác dụng" - nhà nghiên cứu chia sẻ.

Trong hành trình nghiên cứu tìm bằng chứng chứng minh chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, ông thực hiện hết sức công phu, luôn đối chiếu kỹ các tài liệu trong và ngoài nước. Ngoài 2 tờ Châu bản chứng minh chủ quyền Hoàng Sa đã được ông hiến tặng cho Nhà nước, hiện ông đang viết một cuốn sách về những phát hiện thú vị của mình liên quan đến chủ quyền biển đảo trên cửu đỉnh. Theo ông, trước thực tế hiện nay, những tài liệu làm bằng chứng chứng minh chủ quyền biển đảo của nước ta mà ông dày công nghiên cứu để phát hiện cần phải được viết thành sách và dịch ra nhiều thứ tiếng, nhất là các thứ tiếng Anh, Pháp, Trung Quốc… để dư luận thế giới ủng hộ nước ta đấu tranh ngoại giao bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Với những đóng góp quan trọng trên, ông An đã được nhiều cơ quan cấp trung ương và địa phương khen thưởng. Năm 2009, ông được Bộ VHTTDL tặng bằng khen vì đã có nhiều phát hiện, giữ gìn và hiến tặng tư liệu liên quan đến quần đảo Hoàng Sa cho Nhà nước. Tháng 6.2012, ông được Bộ TNMT tặng giải thưởng "Biển xanh quê hương" cũng vì những phát hiện quan trọng liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa nói riêng và biển đảo nói chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem