Người trồng cam, bưởi nếm... “trái đắng”, khắp nơi giá giảm

Khương Lực Thứ năm, ngày 28/11/2019 15:24 PM (GMT+7)
Vài năm trước, nhiều người trồng cam, bưởi ở miền Bắc có thể bỏ túi tiền tỷ mỗi vụ, nhưng gần đây giá các loại trái cây này bắt đầu giảm dần do nguồn cung ra thị trường ngày càng lớn. Không ít nông dân bắt đầu nếm “trái đắng” vì giá bán quá rẻ, trong khi dịch bệnh trên cây cam, bưởi xuất hiện ngày càng nhiều.
Bình luận 0

img

Do nguồn cung tăng cao nên hiện nay, giá cam Cao Phong, cam Vinh đều giảm giá so với năm ngoái.    Ảnh: L.T

Giá bán tại vườn chỉ bằng giá thành

Nhằm trang trải thêm chi phí cho chuyến buôn gà từ Bắc Giang về quê bán, anh Sơn ở thị xã Hoàng Mai (huyện Quỳ Hợp, Nghệ An) tranh thủ chở vài tạ cam ở quê ra bán tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Dù không phải là người bán cam chuyên nghiệp nhưng anh khá rành về thứ quả ngon, ngọt này khi được trồng ở huyện Quỳ Hợp, nhưng khi trồng ở những vùng xung quanh thì lại nhạt và kém ngon hơn.

Ngay cạnh nhà anh, có không ít hộ dân trồng vài ba ha cam, bưởi. Vào năm giá cả đắt đỏ thì vườn cam cho thu tiền tỷ, nhưng năm nay họ kém vui vì giá bán xuống rất thấp. Hiện đang vào chính vụ thu hoạch cam bưởi nên ở đâu cũng thấy bạt ngàn cam, bưởi các loại.

Theo anh Sơn, hiện giá thu mua cam tại vườn chỉ đạt khoảng 6.500 đồng/kg. Vượt hơn 300km đem ra Bắc Ninh, anh Sơn bán xô cam với giá 10.000 đồng/kg; còn nếu chọn từng quả thì giá bán là 12.000 đồng/kg, thấp hơn rất nhiều so với mọi năm.

Trao đổi với phóng viên Báo NTNN về việc diện tích cam, bưởi tăng nóng thời gian qua, sản lượng lớn khiến giá “chạm đáy” – có nơi gần ngang bằng với chi phí sản xuất, ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT) khẳng định: “Bây giờ diện tích trồng cây có múi rất nhiều, đặc biệt là cây cam. Năm nào chúng tôi cũng có văn bản khuyến cáo về việc nông dân ở một số nơi chuyển đổi sang trồng cam, bưởi, rồi mít Thái ồ ạt, nhưng dường như bà con bỏ ngoài tai nên diện tích các loại cây này vẫn đang tăng lên...”.

Trực tiếp điện thoại cho chuyên gia để hỏi giá thành sản xuất, ông Nguyễn Như Cường cho biết, chi phí sản xuất cam Xã Đoài (được trồng ở các tỉnh Hòa Bình, Hưng Yên, Nghệ An, Hà Tĩnh...) vào khoảng 6.000 đồng/kg; giá cam sành là 4.500 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành sản xuất cam ở miền Nam dao động từ 5.000-6.000 đồng/kg. Như vậy, giá bán cam tại ruộng ở Nghệ An gần như đã ngang bằng với chi phí sản xuất mà các nông dân, chủ trại đang bỏ ra.

Tại huyện Cao Phong (Hoà Bình), do chất lượng cam ngon ngọt, được nhiều người ưa chuộng nên giá bán cam ở đây thường cao hơn những địa phương khác. Ông Hồ Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Cao Phong cho biết, giá bán cam loại 1 tại vườn hiện dao động ở mức 16.000-18.000 đồng/kg. Đối với cam loại 2, 3 hoặc kém chất lượng hơn thì đang có giá từ 12.000-13.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo ông Dũng, do những huyện lân cận với Cao Phong đang bán cam với giá thấp hơn, chỉ dao động từ 13.000-14.000 đồng/kg nên tình hình tiêu thụ cam tại Cao Phong cũng chậm dần và giá có xu hướng giảm hơn so với cùng kỳ năm ngoái từ 1.000-2.000 đồng/kg.

Một số chủ vườn, HTX và doanh nghiệp tại Cao Phong cũng cho biết, hiện chưa có nhiều thương lái lớn đến thu mua cam. Tiêu thụ cam hiện nay chủ yếu là do người dân trực tiếp bán cho khách ăn, rồi cánh xe tải, xe khách mua đem về xuôi làm quà.

Hệ luỵ từ chuyển đổi tự phát?

Về nguyên nhân tăng trưởng nóng diện tích cam, bưởi ở các địa phương, phải kể đến một phần từ chính sách chuyển đổi diện tích lúa kém hiệu quả sang các cây trồng, vật nuôi có lợi thế. Với sự linh hoạt trong quản lý đất lúa, nhất là với diện tích đất kém hiệu quả, chỉ trong một thời gian ngắn hàng trăm nghìn ha đất lúa cho thu nhập thấp đã được người nông dân chuyển đổi, chủ yếu sang trồng cam, bưởi, mít và một số cây ăn quả khác.

img

Vượt hơn 300km đem cam từ Nghệ An ra Bắc Ninh, anh Sơn bán xô với giá 10.000 đồng/kg, trong khi giá thu mua tại vườn là 6.500 đồng/kg.

Nhiều đối tượng sâu bệnh hại như bệnh Greening cũng đang làm ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng, cam, khó quản lý an toàn thực phẩm vì phải tăng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, làm giảm tuổi thọ vườn cây và làm tăng chi phí đầu tư, chăm sóc. 

Dù chưa có con số thống kê chính xác về hiệu quả chuyển đổi đất lúa, nhưng theo đánh giá của ông Nguyễn Như Cường thì việc chuyển đổi này hiệu quả rất cao: “Trồng cây ăn quả cho thu nhập trung bình từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng/ha/năm, thấp nhất cũng đạt 200 triệu đồng/ha”.

Thế nhưng, chính sự chuyển đổi tự phát của bà con nông dân và sự thiếu kiểm soát của chính quyền địa phương đã khiến diện tích cam, bưởi tăng trưởng chóng mặt trong những năm gần đây, khiến nguồn cung tăng nhanh, dẫn đến giá bán giảm mạnh.

Số liệu cập nhật mới nhất của Cục Trồng trọt cho thấy, tổng diện tích cây có múi của cả nước hiện nay là 210.000ha, trong đó chủ yếu là cam (khoảng 100.000ha) và bưởi (trên 85.200ha). Diện tích cam, bưởi có sự tăng trưởng nhảy vọt trong giai đoạn từ 2013 đến nay, cụ thể cam tăng từ 53.800ha lên 97.400ha vào năm 2018 với sản lượng trên 840.000 tấn, tăng bình quân 14%/năm, tương ứng 9.200ha/năm.

Tương tự, trong 10 năm từ 2007 đến 2017, diện tích cây bưởi cả nước liên tục tăng, từ 43.500ha lên 74.200ha, năm 2018 sản lượng đạt 640.000 tấn. Trong giai đoạn từ 2013 - 2017, diện tích bưởi tăng nhanh, bình quân đạt 13,4%/năm, tương ứng 7.200ha/năm.

Đến nay, 19 tỉnh có diện tích cam đạt trên 1.000ha.

Trước xu hướng diện tích bưởi, cam tăng trưởng nóng, năm 2018, Cục Trồng trọt đã ban hành công văn về việc phát triển cây có múi bền vững, trong đó chỉ ra những hạn chế, thách thức như: Tiêu thụ cam, bưởi quả tươi chủ yếu là thị trường nội địa, giá trị xuất khẩu không đáng kể do các giống địa phương chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu sản xuất. Quả cam nông dân trồng hiện nay thường có nhiều hạt, vỏ dày nên khó đưa vào chế biến sâu, trong khi công nghiệp chế biến các sản phẩm cam, bưởi ở nước ta chưa phát triển.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem