Nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân
Hoàng Hoa Thám là xã vùng sâu của thị xã Chí Linh với 7 thôn là Đồng Châu, Thanh Mai, Tân Lập, Đá Bạc 1, Đá Bạc 2, Hố Sếu, Hố Giải. Xã có địa bàn rộng lớn, toàn đồi núi, giáp ranh với các tỉnh Bắc Giang và Quảng Ninh. Cuộc sống của người dân nơi đây còn nhiều khó khăn. Trong điều kiện đó, người dân nơi đây luôn chăm chỉ, cần cù, mạnh dạn đầu tư sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Mô hình trồng cam Vinh tại xã Hoàng Hoa Thám (Chí Linh, Hải Dương). Ảnh: Gia Hân
Theo ông Lương Văn Toán - Bí thư Đảng ủy xã Hoàng Hoa Thám, trước thực tế nhiều nông dân thành công từ mô hình trồng cây ăn quả, sắp tới xã sẽ tiếp tục phối hợp các công ty, trong đó có Công ty Lâm Thao để tổ chức cho người dân tham gia các lớp chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện cho nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình thành công ở những địa phương khác.
|
Ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Hoàng Hoa Thám cho biết: Toàn xã có hơn 2.800ha diện tích rừng; diện tích trồng các loại cây ăn quả (vải, nhãn, thanh long, cam, bưởi…) chiếm khoảng 293ha, còn lại 148ha trồng lúa.
“Chục năm trở lại đây, người dân địa phương đã xây dựng nhiều trang trại chăn nuôi, tích cực trồng cây ăn quả, trồng và bảo vệ rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt 35 triệu đồng/năm, tăng gấp 5 lần so với năm 2008. Nhiều hộ trồng cây ăn quả, chăn nuôi hiệu quả, thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm”- ông Hùng thông tin.
Riêng về mô hình trồng cam, Chủ tịch Hội ND xã Hoàng Hoa Thám cho biết: Từ năm 2011, một số hộ dân trong xã đã đưa giống cam Canh vào trồng với diện tích nhỏ lẻ nhưng đạt năng suất rất tốt.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, xã Hoàng Hoa Thám đã phối hợp Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ Hải Dương) thực hiện mô hình sản xuất thử giống cam Vinh và cam V2. Đến nay trên địa bàn xã có 17ha trồng cam Canh, cam Vinh, cam V2, tập trung chủ yếu ở thôn Hố Giải. Từ trồng cam, nhiều hộ thu được hàng trăm triệu đồng/ha. Tuy nhiên, cây cam là giống khó tính, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao, nên nhiều hộ dân vẫn đang bị lúng túng về kỹ thuật trồng, chưa thể làm giàu từ cây trồng này.
Để hỗ trợ nông dân chuyển đổi sản xuất hiệu quả, nhiều năm nay Hội ND xã đã tích cực phối hợp Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao tổ chức cho người dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện cho nông dân đi tham quan, học tập kinh nghiệm từ các mô hình thành công ở những địa phương khác.
Đặc biệt, đầu năm 2018, Hội ND xã đã phối hợp Công ty Lâm Thao thực hiện mô hình trình diễn điểm trên cây cam, diện tích 2ha với sự tham gia của 20 hộ. Theo đó, bà con được công ty hỗ trợ 100% phân bón NPK Lâm Thao bót lót và bón thúc, được cán bộ kỹ thuật của công ty và kỹ sư nông nghiệp của Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND (Hội ND tỉnh Hải Dương) về tận vườn chuyển giao kỹ thuật trồng cam.
Bên cạnh đó, để gỡ khó cho người trồng cam nói riêng và các hộ nông dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã nói chung, hàng năm, Hội ND xã hỗ trợ vay nguồn vốn ưu đãi từ Quỹ HTND, Ngân hàng Chính sách xã hội, phối hợp Công ty Lâm Thao cung ứng hàng trăm tấn phân bón trả chậm cho bà con.
“Hội ND xã đang thực hiện giải ngân 400 triệu đồng nguồn vốn Quỹ HTND đầu tư cho 20 hộ trồng cam vay vốn. Còn đối với chương trình cung ứng phân bón trả chậm, bà con được mua phân bón ngay từ đầu vụ nhưng đến 6 tháng sau mới phải trả tiền mà không tính thêm lãi” - ông Hùng cho hay.
Những triệu phú trồng cam
Năm 2011, ông Nguyễn Văn Phong là một trong những nông dân đầu tiên ở thôn Hố Giải thử nghiệm trồng cây cam Canh. Nhờ đất đai phù hợp nên giống cam này phát triển tốt, cho quả đều. Hiện ông Phong có 1,5ha trồng các loại cây như: Cam, bưởi, thanh long, trong đó riêng cây cam mỗi năm ông thu nhập hơn 200 triệu đồng. Năm 2018, ông Phong là 1 trong 20 hộ dân tham gia mô hình trình diễn cam sử dụng phân bón NPK của Lâm Thao.
Chia sẻ bí quyết trồng cam, ông Phong cho rằng việc bón phân cực kỳ quan trọng. “Muốn cam đạt được năng suất, chất lượng cao cần cung cấp đầy đủ dinh dưỡng theo nguyên tắc 4 đúng. Đó là: Đúng chủng loại, đúng, liều lượng, đúng thời điểm và đúng phương pháp. Trước lúc cây cam ra hoa khoảng 4 tuần, tôi thường bón mỗi gốc từ 1,5 – 2kg NPK-S 15.10.3-8.
Tiếp theo đó, sau khi cam đậu quả và phát triển, bón từ 1 – 2 đợt phân, mỗi đợt bón khoảng 1,5kg/gốc loại phân NPK-S*M1 12.5.10-14. Một tháng trước thu hoạch bón tiếp cho mỗi gốc cũng từng ấy. Đối với giai đoạn nuôi quả, bà con cần bón NPK-S*M1 12.5.10-14, vì hàm lượng đạm cao giúp phát triển thân lá, hàm lượng kali cao giúp tăng hàm lượng đường và mẫu mã quả đẹp” - ông Phong chia sẻ.
Mới trồng cam chưa lâu nên khi được tham gia mô hình trình diễn điểm trồng cam, gia đình ông Mạc Văn Hoành (thôn Hố Giải) rất phấn khởi. Ông Hoành thổ lộ: "Hai bố con tôi trồng 2ha cam, trong đó có 0,5ha cam được chọn tham gia mô hình trình diễn phân bón Lâm Thao và được lợi “kép”. Theo đó, chúng tôi không chỉ được hỗ trợ toàn bộ phân bón cho 0,5ha cam mà còn được kỹ sư nông nghiệp về tận nơi hướng dẫn kỹ thuật trồng cam sao cho năng suất cao nên rất phấn khởi”.
Ông Nguyễn Ngọc Tuyến – Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ ND tỉnh Hải Dương cho biết thêm: Nhiều năm nay, trung tâm đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với Công ty Lâm Thao thông qua chương trình hỗ trợ phân bón trả chậm. Liên tục từ năm 2002 cho đến nay, mỗi năm trung tâm cung ứng hơn 8.000 tấn phân bón trả chậm không lấy lãi trong vòng từ 6 tháng – 1 năm cho bà con”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.